Dư nợ tín dụng cho khu vực kinh tế tư nhân ngày càng tăng, nhưng phần lớn doanh nghiệp chưa tiếp cận được vốn vay

Dư nợ tín dụng cho khu vực kinh tế tư nhân ngày càng tăng, nhưng phần lớn doanh nghiệp chưa tiếp cận được vốn vay

Gỡ vướng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp tư nhân

(ĐTCK) Ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, hiện có 70% doanh nghiệp tư nhân không tiếp cận được vốn, trong đó có 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa không tiếp cận được nguồn vốn chính thức do còn nhiều điểm “nghẽn”.

“Kinh tế tư nhân không tăng trưởng được có một phần nguyên nhân là không tiếp cận được vốn từ ngân hàng. Ngân hàng không thiếu vốn, mà là thiếu niềm tin với doanh nghiệp. Tỷ lệ nợ xấu của khối doanh nghiệp nhỏ và vừa thấp hơn so với các doanh nghiệp khác, song khu vực này hầu như vẫn chưa tiếp cận được vốn ngân hàng”, ông Nam nói.

Theo lý giải của đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, bản thân doanh nghiệp nhỏ và vừa có những hạn chế trong việc tiếp cận vốn như không chứng minh được hiệu quả sản xuất - kinh doanh, cơ hội trong hiện tại và tương lai, phương án kinh doanh để vay vốn thì sức thuyết phục không cao. Bên cạnh đó, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thực hiện báo cáo tài chính theo chuẩn của các tổ chức tín dụng.

Một nguyên nhân khác khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn tín dụng là vẫn còn tình trạng nhiều ngân hàng thích cho doanh nghiệp lớn vay hơn là doanh nghiệp nhỏ, bởi “cho một doanh nghiệp lớn vay 10 tỷ đồng sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn là cho 100 doanh nghiệp nhỏ vay với tổng số 10 tỷ đồng”.

Trước tình trạng này, ông Nam đề xuất các ngân hàng cần giảm chi phí, thủ tục tiếp cận vốn vay, giảm lãi suất vay cho doanh nghiệp, đặc biệt giúp doanh nghiệp tiếp cận nhiều hơn vốn vay trung và dài hạn.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tần, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước khẳng định, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng trong cách tiếp cận vốn tín dụng.

Để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng cho khu vực doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thời gian qua, ngành ngân hàng đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền ở các địa phương tích cực triển khai các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo ông Tần, một bộ phận doanh nghiệp tư nhân chưa tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng, nguyên nhân chủ yếu là do năng lực quản trị và khả năng tài chính còn hạn chế, báo cáo tài chính chưa được kiểm toán và thiếu công khai, minh bạch để làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng quyết định cho vay.

“Do đó, cùng với sự nỗ lực của ngành ngân hàng, bản thân các doanh nghiệp cũng phải tự nâng cao khả năng tài chính, các thông tin phải minh bạch”, ông Tần khuyến nghị.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho hay, để doanh nghiệp tư nhân tiếp cận tín dụng thuận tiện hơn, trong thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ triển khai một số giải pháp như vay không cần có tài sản đảm bảo, các sản phẩm tín dụng phù hợp hơn…   

Gỡ vướng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp tư nhân ảnh 1

 Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư  Đặng Huy Đông

Yêu cầu về tài sản thế chấp là thách thức lớn đối với doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Những chương trình hỗ trợ tín dụng của Nhà nước trước đây hầu như chưa tiếp cận được với doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khoa học công nghệ, do điều kiện cho vay này.

Phải tạo ra cách tiếp cận khác, thế chấp không phải là tất cả, thế chấp chỉ là giải pháp cuối cùng.

Quan trọng là phải minh bạch trong quản trị, tài chính, sổ sách, nâng cao năng lực khoa học công nghệ, đảm bảo thị trường đầu ra ổn định… Đây là những yếu tố giúp doanh nghiệp kinh doanh thành công, từ đó sẽ đảm bảo khả năng thanh toán.

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, kỳ vọng tạo nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tiếp cận tín dụng.

Đối với tín dụng thương mại, Luật quy định, trong từng thời kỳ, Chính phủ có chính sách khuyến khích các tổ chức tín dụng tăng dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; bổ sung quy định các tổ chức tín dụng cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa dựa trên xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp và biện pháp phù hợp khác.

Đồng thời, các doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất - kinh doanh khả thi, tăng cường năng lực quản trị, minh bạch hoạt động để nâng cao năng lực tiếp cận tín dụng.

Ngoài ra, Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng được kiện toàn, đổi mới mô hình hoạt động nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu bảo lãnh vay vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các tổ chức tín dụng.

Bên cạnh đó, Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trực thuộc quản lý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chính thức đi vào hoạt động cũng sẽ góp phần tạo kênh hỗ trợ vốn hiệu quả cho khu vực này.

Tin bài liên quan