Thị trường điện Việt Nam hiện vẫn thiếu nền tảng của thị trường điện cạnh tranh

Thị trường điện Việt Nam hiện vẫn thiếu nền tảng của thị trường điện cạnh tranh

Gỡ vướng đầu tư năng lượng tái tạo

(ĐTCK) Nhu cầu hàng chục tỷ USD vốn đầu tư vào ngành công nghiệp năng lượng của Việt Nam giai đoạn từ nay đến 2030, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất năng lượng tái tạo, đang mở ra những cơ hội đầu tư rất lớn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản cần được tháo gỡ để thực sự thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực này,

Chia sẻ về nhu cầu đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, tại hội thảo về thu hút đầu tư vào công nghiệp sau khi Hiệp định thương mại Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực được tổ chức mới đây, đại diện Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương) cho biết, theo Tổng sơ đồ phát triển điện lực 7 (PDP VII) cho giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2030, nhu cầu điện cho phát triển kinh tế sẽ tăng từ 19,4-20,4%. Đặc biệt, theo Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030, tầm nhìn 2050, nhu cầu về năng lượng sẽ tăng từ 32-35%.

Theo vị đại diện này, tốc độ tăng cao đang đặt ra nhu cầu đầu tư rất lớn, nhằm triển khai các dự án đầu tư sản xuất điện từ năng lượng tái tạo, bao gồm thủy điện, năng lượng sinh học, năng lượng gió, năng lượng mặt trời. Ước tính Việt Nam sẽ cần lượng vốn đầu tư lên tới hàng chục tỷ USD để đầu tư vào các dự án lĩnh vực này và vận hành trong giai đoạn tới.

Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Năng lượng, lĩnh vực năng lượng tái tạo sẽ cần lượng vốn đầu tư từ 2,1 tỷ USD giai đoạn 2015-2020, đến 5,7 tỷ USD giai đoạn 2020-2030; đầu tư các dự án năng lượng gió khoảng 2,8 tỷ USD giai đoạn 2015-2020 và giai đoạn 2020-2030 lên tới 16,5 tỷ USD. Đối với năng lượng mặt trời, dự kiến nhu cầu vốn đầu tư cho giai đoạn 2015-2020 là 2,6 tỷ USD và giai đoạn 2020-2030 lên tới 68,2 tỷ USD.

“Nhu cầu đầu tư rất lớn như trên sẽ mở ra cơ hội đầy tiềm năng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là các doanh nghiệp từ EU với nhiều lợi thế về công nghệ, năng lực quản lý và vốn đầu tư”, đại diện Tổng cục Năng lượng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Phạm Đức Chung (Viện Quản lý nghiên cứu và kinh tế Trung ương), hiện nay, rào cản lớn nhất khiến lĩnh vực đầu tư sản xuất năng lượng tái tạo chưa thực sự phát triển và hấp dẫn các nhà đầu tư, đó là thị trường điện Việt Nam vẫn thiếu nền tảng của thị trường điện cạnh tranh, nhằm đảm bảo tính độc lập của các doanh nghiệp trong các khâu: sản xuất, truyền tải, phân phối.

Hơn nữa, tính độc lập của các cơ quan điều tiết, giám sát cạnh tranh còn thấp, khung pháp lý chính thức cho lĩnh vực này còn chưa đầy đủ, đặc biệt là cơ chế giá mua và bán điện còn chưa cạnh tranh, do đó chưa thu hút được các nhà đầu tư rót vốn vào lĩnh vực này, dù tiềm năng là rất lớn.

Về cơ chế đầu tư, ông Chung cho biết, sản xuất điện năng lượng tái tạo thuộc nhóm ưu đãi đầu tư, với các ưu đãi về giá, thuế, đất đai, vay vốn. Theo đó, cơ chế giá ưu đãi cố định đã được áp dụng cho các dự án thủy điện nhỏ, điện sinh khối, giúp cho việc sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, thay thế cho các nguồn điện hóa thạch và nhiên liệu nhập khẩu. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thiếu cơ sở pháp lý và một cơ chế cam kết rõ ràng từ cơ quan quản lý khiến lĩnh vực này chưa thực sự tạo sức hút đối với nhà đầu tư.

Vấn đề này cũng đã được đưa ra trước đây, mỗi khi đề cập đến các cơ chế thu hút đầu tư vào công nghiệp sản xuất năng lượng tái tạo. Ông Gavin Smith, Giám đốc Quỹ Phát triển sạch thuộc Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital cho hay, hiện nay, nhiều nhà đầu tư tổ chức và cá nhân, các quỹ, trong đó có Quỹ Phát triển sạch, rất quan tâm tới các dự án đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, do các dự án chưa thực sự có sự cam kết cao từ Chính phủ, thiếu cơ sở nền tảng pháp lý, nên nhà đầu tư vẫn cảm thấy e ngại.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Thường niên VBF 2016 mới đây, ông Tomaso Andreatta, Chủ tịch Ủy ban Ngành tăng trưởng xanh thuộc EuroCham, tiếp tục nhắc lại đề xuất cần xây dựng một luật về năng lượng tái tạo để hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư kiến nghị, cần tiếp tục tái cơ cấu toàn diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) song song với lộ trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh theo kế hoạch, đặc biệt quan tâm đến tái cấu trúc quản trị công ty, bao gồm cả vấn đề chủ sở hữu; đảm bảo tính độc lập, đầy đủ giữa các doanh nghiệp sản xuất, phân phối với các nhà điều hành truyền tải; bảo đảm tất cả các nhà sản xuất và phân phối đều có quyền tiếp cận tương đương đến hệ thống truyền tải điện quốc gia, nhằm thúc đẩy phát triển thị trường điện cạnh tranh và thực thi cơ chế giá điện cạnh tranh một cách thực sự.

Tin bài liên quan