Thủ tục kiểm tra chuyên ngành hiện chiếm tới 72% thời gian thông quan hàng hóa

Thủ tục kiểm tra chuyên ngành hiện chiếm tới 72% thời gian thông quan hàng hóa

Gỡ nút thắt kiểm tra chuyên ngành, doanh nghiệp Việt sẽ đi nhanh hơn

(ĐTCK) Chia sẻ tại hội nghị về cơ chế một cửa quốc gia hôm 26/6, các chuyên gia nhìn nhận, ngoài gánh nặng thuế phí, doanh nghiệp Việt còn phải đối mặt với thủ tục kiểm tra chuyên ngành nhiêu khê. Đây là nút thắt làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Kiểm tra chuyên ngành, lực cản doanh nghiệp

Ông Hoàng Đình Trung, Phó trưởng Ban Cải cách hiện đại hóa hải quan, Tổng cục Hải Quan khẳng định, thủ tục kiểm tra chuyên ngành là một trong những nút thắt trong cải cách thủ tục hành chính theo tinh thần Nghị quyết 19/NQ-CP.

Theo ông Trung, thủ tục hải quan chỉ chiếm 28% thời gian thông quan hàng hóa, nhưng thủ tục kiểm tra chuyên ngành chiếm tới 72% và làm tăng chi phí kinh doanh của doanh nghiệp. Số liệu của Cục Hải quan TP.HCM cho thấy, năm 2016, đơn vị chỉ phát hiện 30/67.224 lô hàng không đạt yêu cầu về kiểm tra an toàn thực phẩm.

“Nghị quyết 19/NQ-CP đã yêu cầu giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 30-50% xuống còn 15% vào năm 2016. Tuy nhiên, đến nay mục tiêu này chưa đạt được”, ông Trung cho hay.

Tính đến hết tháng 6/2017, mới có 11 Bộ, ngành tham gia cơ chế một cửa quốc gia, 12.000/60.000 doanh nghiệp tham gia, 38 thủ tục được giải quyết, hơn 390.000 hồ sơ gửi đến.   

Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN ra đời được doanh nghiệp kỳ vọng sẽ góp phần gỡ nút thắt cho doanh nghiệp, giảm thời gian thông quan và giảm chi phí, hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên đến nay việc phối hợp giữa các bộ ngành còn chậm, các cấp cơ sở thực hiện còn chần chừ.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Đào Huy Giám, Tổng thư ký Diễn đàn kinh tế tư nhân nhìn nhận, cơ chế một cửa quốc gia đã được nhắc đến hơn một thập kỷ nay, nhưng hiện tại nhiều bộ, ngành còn chậm quan tâm, một số cấp cơ sở còn chần chừ không muốn triển khai, thậm chí mới đây còn có đơn vị đưa ra quy định phức tạp, gây cản trở.

Đi nhanh với cơ chế một cửa, bài học từ Singapore

Nhìn sang một số nước trong khu vực, ông Giám cho biết, Singapore đã có những bước đi nhanh và táo bạo, tự chủ động thực hiện cơ chế một cửa thuận lợi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có nhiều ưu thế thương mại, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh.

“Singapore đã thành công, còn Việt Nam thì sao, khi nào doanh nghiệp Việt mới đi nhanh được như doanh nghiệp
Singapore? Việc này chờ đợi sự thông thoáng từ cơ chế một cửa này”, ông Giám nhấn mạnh.

Hiện nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến cơ chế một cửa và dễ bỏ lỡ cơ hội rút gọn thời gian thông quan. Đặc biệt, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ở xa trung tâm vẫn còn hạn chế thông tin, chưa hiểu sâu vấn đề, thậm chí có doanh còn nắm được thông tin.

“Để doanh nghiệp Việt có những bước tiến như doanh nghiệp Singapore, cơ quan quản lý cần thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao trình độ cho doanh nghiệp trong sử dung cơ chế một cửa, giải quyết các thủ tục nhanh gọn…, đặc biệt là các doanh nghiệp ở vùng sâu, vùng xa”, ông Giám kiến nghị.

Tổng cục Hải quan cho biết, đối với cơ chế một cửa quốc gia, doanh nghiệp không phải xuất trình giấy phép, hải quan sẽ kiểm tra giấy phép điện tử được cấp qua cơ chế một cửa quốc gia, doanh nghiệp cũng không phải xuất trình tờ khai giấy khi cấp C/O tại một cửa cấp chứng nhận xuất xứ, cơ quan cấp phép sử dụng thông tin tờ khai điện tử được trao đổi qua cơ chế một cửa.

Ông Mạc Quốc Anh, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết, hiện có 90% thủ tục thông quan điện tử, giúp giảm thời gian thông quan từ 8 ngày xuống còn 3 ngày. Kiểm tra xuất xứ C/O cũng nhanh gọn hơn. Thủ tục giấy phép trực tuyến giúp giảm trên 30% chi phí cho doanh nghiệp… Tuy nhiên, ông Quốc Anh mong muốn việc thông quan cần minh bạch giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, tạo bình đẳng trong cộng đồng doanh nghiệp.

Đánh giá những mặt tích cực của cơ chế một cửa quốc gia, ông Hoàng Huy Hoàng, Trưởng Phòng Cơ chế một cửa quốc gia, Cục Công nghệ thông tin và thống kê, Tổng cục Hải quan cho biết, cơ chế này sẽ giúp doanh nghiệp rút ngắn được 4/5 thời gian làm thủ tục khi đăng kiểm.

Đối với các lĩnh vực khác, mục tiêu rút ngắn 15-30% hoặc nhiều hơn là khả thi. Hầu hết hồ sơ, chứng từ mà doanh nghiệp phải xuất trình sẽ được đơn giản hóa và chuẩn hóa, từ đó giảm chi phí chuẩn bị hồ sơ, chứng từ...

“Mục tiêu đến năm 2017, thời gian thông quan dưới 70h đối với hàng xuất khẩu và dưới 90h đối với hàng nhập khẩu, giảm tỷ lệ kiểm tra chuyên ngành từ 30-35% xuống còn 15%. Giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu ngang bằng với các nước ASEAN-4. Đây là đích hướng tới góp phần tạo lực đẩy để doanh nghiệp Việt đi nhanh hơn”, ông Đào Duy Tám, đại diện Cục Giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan khẳng định.

Tin bài liên quan