Ảnh minh họa: AFP

Ảnh minh họa: AFP

Giới đầu tư vui với dữ liệu kinh tế kém khả quan

(ĐTCK) Dữ liệu kinh tế Mỹ vừa công bố kém khả quan khiến nhen nhóm lên hy vọng Fed sẽ không tăng lãi suất trong tháng 6, qua đó giúp cả chứng khoán và vàng đều tăng trong phiên thứ Sáu. Trong khi dầu còn thêm tin hỗ trợ từ tình hình Yemen để lên mức cao nhất năm.

Theo dữ liệu vừa công bố, doanh số bán nhà mới tháng 3 của Mỹ sụt giảm 11,4%, trong khi số liệu nhà máy chung cũng gây thất vọng làm gia tăng nghi ngờ về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất trong tháng 6.

Thông tin này, cùng với thông tin tích cực đến từ các cổ phiếu công nghệ, dẫn đầu là Apple, giúp phố Wall tiếp tục có phiên tăng điểm, trong đó Nasdaq lên mức cao nhất kể thời thời điểm bong bóng dotcom bị xì hơi.

Kết thúc phiên 23/4, chỉ số Dow Jones tăng 20,42 điểm (+0,11%), lên 18.058,69 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 4,97 điểm (+0,24%), lên 2.112,93 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 20,89 điểm (+0,41%), lên 5.056,06 điểm.

Trong khi phố Wall duy trì sắc xanh, thì chứng khoán châu Âu lại đảo chiều giảm trở lại trong phiên thứ Sáu khi dữ liệu PMI của Đức giảm xuống 54,2 trong tháng 4, từ mức 55,4 trong tháng 3, trong khi PMI của Pháp cho thấy sự mở rộng chậm hơn so với dự báo. Ngoài ra, thị trường chứng khoán châu Âu còn chịu ảnh hưởng từ cổ phiếu công nghệ khi Ericsson công bố lợi nhuận quý I thấp hơn dự báo và cho biết, doanh số bán hàng khu vực của mình tại khu vực bắc Mỹ sẽ chậm lại.

Kết thúc phiên 23/4, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 25,43 điểm (+0,36%), lên 7.053,67 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 143,79 điểm (-1,21%), xuống 11.723,58 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 32,18 điểm (-0,62%), xuống 5.178,91 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, lực mua từ khối ngoại tiếp tục giúp chứng khoán Nhật Bản lên mức cao nhất 15 năm mới, trong khi chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông chịu áp lực chốt lời cuối phiên nên điều chỉnh lại. Tuy nhiên, chỉ có chứng khoán Hồng Kông đóng cửa trong sắc đỏ, trong khi chứng khoán Trung Quốc đại lục lai may mắn có được sắc xanh trong phút cuối.

Kết thúc phiên 23/4, chỉ số Nikkei 225 tăng 53,75 điểm (+0,27%), lên 20.187,65 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 106,15 điểm (-0,38%), xuống 27.827,70 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 16,01 điểm (+0,36%), lên 4.414,51 điểm.

Dữ liệu kinh tế yếu kém mới công bố của Mỹ khiến đồng USD giảm mạnh trở lại trong phiên thứ Sáu với mức giảm 0,67% và qua đó hỗ trợ cho giá vàng đảo chiều đi lên sau phiên lao dốc do lực bán tháo hôm thứ Năm.

Ngoài ra, vàng cũng được hưởng lợi thêm từ một yếu tố bên ngoài khác nữa là giá dầu thô tăng mạnh trở lại.

Với những dữ liệu kinh tế công bố gần đây yếu kém, giới phân tích và đầu tư đang kỳ vọng Fed sẽ khó quyết định tăng lãi suất trong tháng 6 tới và điều này sẽ hỗ trợ cho vàng và các loại hàng hóa định giá bằng đồng bạc xanh.

Kết thúc phiên 23/4, giá vàng giao ngay tăng 6,7 USD (+0,56%), lên 1.193,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 7,4 USD/ounce (+0,62%), lên 1.193,4 USD/ounce.

Cũng giống thị trường chứng khoán, giá dầu cũng xác lập mức cao nhất kể từ tháng 12/2014 trong phiên thứ Sáu. Giá dầu tăng mạnh do giới đầu tư lo ngại về tình hình Yemen khi Ả Rập Saudi và đồng minh tiếp tục mở chiến dịch không kích phiến quân nổi dậy tại Yemen sau khi vừa tuyên bố kết thúc chiến dịch quân sự.

Kết thúc phiên 23/4, giá dầu thô Mỹ tăng 1,58 USD/thùng (+2,74%), lên 57,74 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 2,12 USD (+3,27%), lên 64,85 USD/thùng.

Tin bài liên quan