Theo thống kê của VCCI, các loại phí vận tải mà doanh nghiệp phải đóng hiện nay lên tới 70 loại

Theo thống kê của VCCI, các loại phí vận tải mà doanh nghiệp phải đóng hiện nay lên tới 70 loại

Gian nan cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp

(ĐTCK) Hàng chục loại chi phí cả chính thức và phi chính thức từ hàng loạt nghĩa vụ đóng góp, thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành và đặc biệt là chi phí cho vận tải, logistic… khiến lợi nhuận của doanh nghiệp ngày càng xói mòn.

“Đủ loại chi phí không tên, dưới nhiều hình thái đang ngày càng tăng, bất chấp chủ trương cắt giảm chi phí của Chính phủ”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ.

Viện dẫn kết quả khảo sát gần đây của VCCI, ông Tuấn cho biết, do áp lực thu ngân sách, tiền thuê đất tại nhiều địa phương tăng chóng mặt. chẳng hạn, tại Vũng Tàu, có doanh nghiệp bị tăng tiền thuế đất tới 14 lần. Theo ông Tuấn, các cơ quan quản lý dường như đang “tận thu” doanh nghiệp bằng thuế, phí, khiến gánh nặng chi phí đối với doanh nghiệp ngày càng lớn, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt so với khu vực và quốc tế.

Đặc biệt, tình trạng gia tăng các loại chi phí vận tải, giao thông đang là gánh nặng lớn nhất với doanh nghiệp. Theo thống kê của VCCI, các loại phí vận tải mà doanh nghiệp phải đóng hiện nay lên tới 70 loại, trong đó những loại phí vô lý như phí vệ sinh…, mà không chỉ Nhà nước, mà các đơn vị như quản lý bến cảng, hãng tàu cũng thu phí....

“Tận dụng các quy định của Nhà nước, các hãng tàu móc nối với nhau để tăng phí, lạm thu. Đại diện một doanh nghiệp may mặc cho biết, phí vận chuyển 1 container xuất khẩu 4 feet tăng từ 4 triệu đồng năm 2010 lên 11 triệu đồng năm 2017. Chi phí này ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp, bởi doanh nghiệp ngành này chủ yếu làm gia công”, ông Tuấn cho hay.

Ngoài chi phí vận chuyển, chi phí BOT cũng là vấn đề nhức nhối đối với doanh nghiệp. Báo cáo nghiên cứu về thực trạng và các giải pháp nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho thấy, thời gian qua, hàng loạt ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án BOT về vốn vay, cách thức ghi nhận lợi nhuận, cũng như được chủ động tăng phí BOT… khiến doanh nghiệp và xã hội phải chịu gánh nặng đóng phí lớn và bất hợp lý. Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, phí vận chuyển hàng hoá từ TP.HCM ra Hải Phòng bằng phí chuyển hàng từ TP.HCM đi Nhật Bản…

Để giải quyết thực trạng trên, CIEM cho rằng, cơ quan quản lý cần bổ sung việc giám sát thu phí theo hình thức đếm xe tự động, công khai doanh thu để cơ quan quản lý nhà nước và người dân giám sát. Đơn cử, đoạn đường BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ từ khi có giám sát nguồn thu từ năm 016 đến nay, doanh thu tăng đáng kể so với trước đây.

Theo TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó viện trưởng CIEM, các doanh nghiệp đang chịu quá nhiều loại chi phí, khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, hoạt động kém hiệu quả.

“Hiện tại, chi phí của doanh nghiệp chưa thể tính toán một cách cụ thể bởi có nhiều chi phí không chính thức. Nếu doanh nghiệp đưa được những chi phí này vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, hay đầu tư vào tài sản vô hình, tôi cho rằng, sẽ tạo ra được nhiều lợi nhuận hơn, lợi suất cho nền kinh tế cũng sẽ cao hơn. Bởi vậy, cần nỗ lực hết sức để giảm chi phí cho doanh nghiệp”, bà Tuệ Anh nhấn mạnh.

Ông Đặng Quang Vinh, Chuyên viên Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) cho rằng, hiện nay, các quy định về chi phí chính thức của các doanh nghiệp còn nhiều điểm bất hợp lý. Chi phí không chính thức cũng rất lớn, có thể phát sinh ở nhiều công đoạn kinh doanh, trong mọi quá trình thực thi quy định pháp luật.

 “Hiệu quả thấp trong tổ chức thực thi pháp luật kinh doanh và các giải pháp cải cách hiện hành dẫn đến tình trạng phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp và gây lãng phí nguồn lực của Nhà nước”, ông Vinh nhấn mạnh.

Trước thực trạng trên, nhóm nghiên cứu của CIEM đề xuất Bộ Tài chính cần đảm bảo ổn định chính sách thuế, cam kết không thay đổi quy định tính thuế trong ít nhất 3 năm. Mỗi lần thay đổi quy định thuế phải báo trước tối thiểu 3 tháng cho doanh nghiệp chuẩn bị. CIEM cũng kiến nghị Chính phủ thành lập tổ công tác đặc trách về thuế để tiếp nhận khiếu nại của doanh nghiệp. Đồng thời, Bộ Tài chính cần lập nhóm tư vấn thuế trực tuyến để hỗ trợ doanh nghiệp, tránh việc doanh nghiệp bị phạt vì chưa hiểu đúng quy định.

Theo Báo cáo của CIEM, việc quy định về thuế thường xuyên thay đổi, phần mềm khai thuế không ổn định, khiến doanh nghiệp mất nhiều chi phí, thời gian tìm hiểu để thực hiện quy định. Trong mỗi lần thanh tra, kiểm tra, doanh nghiệp phải trả khoản phí không chính thức cho cán bộ thuế; thủ tục khai, nộp và nhận tiền hoàn thuế VAT khó khăn, tốn thời gian, bị cơ quan thuế chậm thanh toán…

Cùng với đó, doanh nghiệp phải đóng bảo hiểm xã hội ở mức cao, thủ tục nộp bảo hiểm rườm rà… Theo Doing Business, doanh nghiệp Việt phải nộp bảo hiểm xã hội 12 lần/năm, mất 189 giờ để thực hiện, trong khi doanh nghiệp Thái Lan chỉ mất 48 giờ, doanh nghiệp Indonesia là 56 giờ…

Tin bài liên quan