Giám đốc WB Việt Nam Victoria Kwakwa: Vùng Tây Bắc có nhiều tiềm năng phát triển

Trước thềm Hội nghị Xúc tiến đầu tư và phát triển an sinh xã hội vùng Tây Bắc tổ chức tại tỉnh Sơn La vào ngày 3 và 4/4/2015, phóng viên Báo Đầu tư có cuộc phỏng vấn bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam về phát triển kinh tế và đô thị Tây Bắc.

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam

Là nhà tài trợ quốc tế lớn, WB đánh giá thế nào về tầm quan trọng của khu vực Tây Bắc đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, cũng như những thách thức đối với giảm nghèo tại khu vực này?

Theo thống kê chính thức, Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng kể đối với tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo trong vòng một thập kỷ qua. Tỷ lệ nghèo đã giảm từ 58% vào năm 1993 xuống còn 7,8% vào năm 2013, vùng Tây Bắc của Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế lớn và khác biệt so với các khu vực khác, đặc biệt là trong các lĩnh vực du lịch, lâm nghiệp, thủy điện, tài nguyên khoáng sản và thương mại qua biên giới. Tuy vậy, tỷ lệ nghèo ở khu vực này vẫn cao, ở mức 25,86%.

Việc tiếp cận hạn chế của người dân đối với các dịch vụ cơ bản, thị trường, tài chính, đất đai và các nguồn thông tin đang là rào cản lớn nhất đối với người nghèo ở khu vực miền núi phía Bắc và Tây Bắc.

Tháng 6/2014, WB đã phê duyệt gói tín dụng trị giá 250 triệu USD cho Chương trình Phát triển đô thị miền núi phía Bắc nhằm phát triển và cải thiện các dịch vụ cơ bản tại 7 khu vực đô thị của những vùng còn lạc hậu này của Việt Nam. Tại sao WB lại hỗ trợ chương trình này?

Ở khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam, tỷ lệ nghèo và nghèo cùng cực cao nhất so với cả nước. Trong vòng một thập kỷ qua, khu vực này cũng có mức tăng trưởng kinh tế kém hơn, việc giảm nghèo còn nhiều hạn chế hơn so với các khu vực khác trên cả nước.

Thực trạng trên là do mạng lưới giao thông còn nghèo nàn giữa các vùng nông thôn và các khu chợ, đồng thời do số lượng ngày càng tăng nông dân di cư ra các khu đô thị để kiếm việc làm trong các ngành công nghiệp và dịch vụ tư nhân. Thách thức chiến lược mà các khu đô thị này đang gặp phải chính là việc thiết lập một mô hình xây dựng và quản lý hiệu quả, bao gồm một khuôn khổ phù hợp về việc đầu tư tài chính bền vững đối với phát triển kết cấu hạ tầng.

Việc đô thị hóa được quản lý tốt là một tác nhân quan trọng đối với tăng trưởng và giảm nghèo, như chúng ta đã thấy ở Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, các nước châu Âu và nhiều nước khác. Để thực hiện đô thị hóa như các nước này, các khu đô thị ở Việt Nam cần đẩy mạnh đầu tư chiến lược vào kết cấu hạ tầng, cũng như vào năng lực hoạch định kế hoạch, chuẩn bị và quản lý vốn và các dự án đầu tư này.

WB kỳ vọng gì vào chương trình này, thưa bà?

Chương trình của WB sẽ tập trung vào việc nâng cao năng lực của các khu đô thị tại khu vực miền núi phía Bắc trong việc vạch kế hoạch, thực hiện và duy trì kết cấu hạ tầng đô thị. Chương trình cũng nhằm giúp 800.000 người tiếp cận tốt hơn các dịch vụ đô thị tại 7 vùng đô thị của khu vực miền núi phía Bắc.

Quan trọng không kém chính là việc chương trình này còn giúp tăng cường thực hiện Chương trình Phát triển đô thị quốc gia của Chính phủ Việt Nam thông qua cách tiếp cận dựa trên kết quả. Cách tiếp cận này làm lợi trực tiếp cho những đối tượng thụ hưởng dự án.

Do vậy, chương trình của WB sẽ giúp Chính phủ đạt được một cách bền vững mục tiêu kép là giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế toàn diện. Ngoài ra, Chương trình còn tạo cơ hội quảng bá các thành tựu trong tất cả các khía cạnh của quản lý dự án, bao gồm mua sắm, quản lý tài chính, bảo vệ môi trường và xã hội.

Tin bài liên quan