Chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng để “nâng chất” ngân hàng

Chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng để “nâng chất” ngân hàng

Giám đốc ADB Việt Nam: “Việt Nam đã vượt qua khủng hoảng tài chính toàn cầu một cách ngoạn mục”

(ĐTCK) Là một trong những đối tác phát triển hàng đầu của Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam đã thực hiện hỗ trợ khu vực tài chính cũng như tư vấn chính sách cho Việt Nam từ những năm 1990s. Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng 2016 xin giới thiệu bài viết của ông Eric Sidgwick, Giám đốc ADB tại Việt Nam nhân kỷ niệm 65 năm Ngành Ngân hàng Việt Nam.

Nhìn lại giai đoạn 2011 - 2015

Có thể thấy rằng, ngay từ năm 2011, với sự phối hợp điều hành chính sách tiền tệ và tài khóa thắt chặt theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ, Việt Nam đã vượt qua những ảnh hưởng bất lợi từ cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu một cách ngoạn mục. Từ chỗ lạm phát hai con số, dự trữ ngoại hối cạn kiệt, đồng nội tệ suy yếu, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cùng hệ thống ngân hàng đã góp phần kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Cùng với thắt chặt chính sách tiền tệ, NHNN đã triển khai đồng bộ các giải phát điều hành tỷ giá,  góp phần ổn định thị trường ngoại hối, củng cố lòng tin của người dân vào đồng nội tệ, hạn chế sử dụng vàng và hạn chế đô la hóa trên lãnh thổ Việt Nam.

Giám đốc ADB Việt Nam: “Việt Nam đã vượt qua khủng hoảng tài chính toàn cầu một cách ngoạn mục” ảnh 1

Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam 

Trong những năm 2012 - 2014, NHNN tiếp tục thành công trong kiểm soát lạm phát ở mức thấp, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đồng thời duy trì ổn định thị trường ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối một cách đáng kể.

Năm 2015 ghi nhận nỗ lực của NHNN và hệ thống ngân hàng qua sự điều hành chủ động và linh hoạt các giải pháp chính sách tiền tệ và tỷ giá, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kịp thời đối phó với các tác động bất lợi từ thị trường quốc tế. NHNN cũng đã thực hiện một bước tiến tích cực trong việc tăng cường tính thị trường và linh hoạt trong điều hành tỷ giá bằng việc mở rộng biên độ tỷ giá chuyển sang công bố tỷ giá trung tâm hàng ngày từ đầu tháng 1/2016, gắn tỷ giá tham chiếu với các diễn biến thực tế của thị trường ngoại hối trong nước, diễn biễn đồng tiền của các đối tác chủ chốt trong hoạt động thương mại, đầu tư, vay nợ với Việt Nam.

Đây là một bước chuẩn bị quan trọng cho việc thực hiện cam kết TPP và các cam kết tự do hóa thương mại, hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Hệ thống ngân hàng vốn được coi là “huyết mạch” của nền kinh tế, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống trung gian tài chính ở Việt Nam trong điều kiện thị trường vốn chưa thực sự phát triển. Trong những năm qua, hệ thống ngân hàng đã phát triển rất nhanh, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, chính sự bùng nổ hoạt động cả về quy mô và mức độ đa dạng của hệ thống ngân hàng trong thời gian ngắn đã tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy cơ lớn tác động đến sự an toàn và lành mạnh của cả hệ thống, dẫn tới yêu cầu cấp thiết phải tiến hành tái cơ cấu.

Đặc biệt, từ năm 2011, hệ thống ngân hàng đã bắt đầu bộc lộ nhiều dấu hiệu căng thẳng và tích tụ những yếu tố dễ bị tổn thương, nợ xấu có xu hướng tăng nhanh, sau một quá trình tăng mạnh tốc độ mở rộng tín dụng cho nền kinh tế, cùng với những  yếu kém của khu vực DN, khu vực bất động sản và tình trạng suy giảm chung của nền kinh tế.

Giám đốc ADB Việt Nam: “Việt Nam đã vượt qua khủng hoảng tài chính toàn cầu một cách ngoạn mục” ảnh 2

 Xử lý nợ xấu không dùng vốn ngân sách là điểm rất đặc thù tại Việt Nam 

Chính vì vậy, ADB rất ủng hộ việc Chính phủ Việt Nam đã kịp thời xây dựng và triển khai Đề án Tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), mà trọng tâm là hệ thống ngân hàng. Đề án đã được đặt trong tổng thể thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế nhằm phát triển kinh tế bền vững.

Việc tái cơ cấu hệ thống TCTD cũng được tiến hành đồng thời với việc tái cơ cấu DNNN và tái cơ cấu đầu tư công. Cụ thể, Chính phủ và NHNN đã xác định rõ mục tiêu cơ cấu lại căn bản, triệt để và toàn diện hệ thống TCTD theo hướng hiện đại, an toàn, hiệu quả, nâng cao khả năng cạnh tranh dựa trên nền tảng công nghệ, quản trị ngân hàng tiên tiến, phù hợp thông lệ quốc tế.

Việc triển khai tái cơ cấu hệ thống TCTD đã được gắn liền với  thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu nhằm duy trì an toàn hoạt động ngân hàng và lành mạnh hóa tình hình tài chính của các TCTD.

Có khá nhiều giải pháp đặt ra trong Đề án cơ cấu lại các TCTD giai đoạn 2011-2015 (Quyết định 254) và tiếp theo là Đề án xử lý nợ xấu của các TCTD, Đề án thành lập Công ty Quản lý tài sản của các TCTD (Quyết định 843) đã được tiếp thu từ những khuyến nghị của cộng đồng các nhà tài trợ, các đối tác phát triển, nhất là các kiến nghị của Đoàn FSAP (do WB và IMF phối hợp thực hiện). Các giải pháp được đề ra trên cơ sở tiếp thu kinh nghiệm, thông lệ quốc tế và vận dụng linh hoạt vào điều kiện đặc thù của Việt Nam.

Như vậy, trong giai đoạn 2011 - 2015, bên cạnh việc điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát, góp phần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, NHNN và hệ thống ngân hàng đã thực hiện về cơ bản mục tiêu đề ra trong Đề án cơ cấu lại các TCTD. Với nỗ lực và quyết tâm của hệ thống ngân hàng, sự ổn định và an toàn của toàn hệ thống đã được duy trì và cải thiện, nguy cơ đổ vỡ hệ thống đã được đẩy lùi. Các ngân hàng yếu kém đã từng bước thực hiện phương án cơ cấu lại theo hướng lành mạnh hóa hoạt động.

Bên cạnh việc tập trung chỉ đạo xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém được nhận diện từ năm 2012, NHNN tiếp tục đánh giá và xác định thêm một số TCTD yếu kém khác, yêu cầu các TCTD này xây dựng phương án tái cơ cấu, tự củng cố, chấn chỉnh hoạt động.

Trong năm 2015, hoạt động sáp nhập, hợp nhất, mua lại (M&A) theo nguyên tắc tự nguyện được NHNN khuyến khích và tạo điều kiện thực hiện không chỉ đối với các TCTD yếu kém, mà còn đối với các TCTD lành mạnh để tăng quy mô hoạt động và khả năng cạnh tranh. Tiến trình tái cơ cấu hiện đang chuyển sang một giai đoạn mới với những giải pháp quyết liệt hơn từ phía NHNN, kể cả việc mua lại bắt buộc một số ngân hàng yếu kém.

Nỗ lực của NHNN và hệ thống ngân hàng trong việc xử lý nợ xấu cũng đã đạt một số kết quả ban đầu. Trên thực tế, VAMC đã được thành lập vào tháng 7/2013 và bắt đầu hoạt động mua nợ xấu từ những tháng cuối năm 2013. 

Đến cuối năm 2015, VAMC đã mua được trên 243.000 tỷ đồng nợ xấu và thực hiện một số giải pháp cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất… để hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn. Với một định chế mới thành lập và đi vào hoạt động còn nhiều khó khăn, nhất là nguồn lực về tài chính hạn hẹp và không sử dụng nguồn tiền ngân sách nhà nước trong xử lý nợ, kết quả sơ bộ ban đầu như trên cần được ghi nhận, tạo đà cho việc tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ trong thời gian tiếp theo.

Bên cạnh đó, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng và các TCTD tiết giảm chi phí để tăng trích lập dự phòng và xử lý nợ xấu bằng dự phòng, tích cực thu hồi nợ và xử lý tài sản bảo đảm, tăng cường chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu mới gia tăng… NHNN cũng đã tăng cường thanh tra tại chỗ, giám sát từ xa, phát hiện, có giải pháp xử lý kịp thời. Những nỗ lực nêu trên đã đem lại một số kết quả bước đầu trong công tác xử lý nợ xấu, hạn chế nợ xấu gia tăng.

Từ tháng 6/2014, NHNN đã bắt đầu thực hiện về căn bản các nội dung quy định mới (Thông tư 02) về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro, phù hợp hơn với thông lệ quốc tế. Đến tháng 4/2015, toàn bộ các quy định của Thông tư 02 có hiệu lực thi hành, giúp xác định chính xác hơn quy mô nợ xấu, làm cơ sở có các giải pháp xử lý nợ phù hợp hơn trong thời gian tới.

NHNN bắt đầu tiến hành các giải pháp xử lý sở hữu chéo trên toàn hệ thống song song với việc thực hiện chủ trương khuyến khích, đẩy nhanh các hoạt động hợp nhất, sáp nhập, góp phần lành mạnh hóa hệ thống TCTD. Với việc ban hành thông tư mới (Thông tư 36) quy định về các tỷ lệ an toàn, giới hạn trong hoạt động ngân hàng, NHNN đã tạo ra các chuẩn mực mới về quản trị, an toàn hoạt động ngân hàng và giám sát ngân hàng, tiếp cận sát hơn thông lệ quốc tế về quản trị, quản lý, giám sát ngân hàng, từng bước thực hiện các quy định của Basel II về an toàn hoạt động ngân hàng.

Thông tư 36 có hiệu lực thi hành ngay từ tháng 2/2015 cho thấy quyết tâm của NHNN nhằm nâng cao an toàn hoạt động ngân hàng, hạn chế sở hữu chéo không lành mạnh, tập trung vốn, thao túng, chi phối hoạt động ngân hàng thông qua các bên liên quan. Đây là các vấn đề hết sức phức tạp, nhất là trong điều kiện tính minh bạch về thông tin tài chính còn hạn chế, ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu tái cơ cấu hệ thống TCTD.

NHNN cũng đã bước đầu xây dựng và triển khai lộ trình áp dụng các chuẩn mực Basel II đồng thời với việc chuyển sang thực hiện thanh tra, giám sát trên cơ sở rủi ro. Chúng tôi cho rằng, việc thực hiện Basel II theo lộ trình là rất cần thiết và phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam. Một điểm đáng lưu ý tiếp theo NHNN và Chính phủ đã ban hành quy định mở cánh cửa đầu tư đối với các nhà đầu tư ngoại tham gia tái cơ cấu TCTD.

Những vấn đề cần tiếp tục  xử lý

Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, để thực hiện thành công tái cơ cấu TCTD, nguồn lực về tài chính là một trong các yếu tố rất quan trọng. Nguồn lực tài chính có thể từ trong nước và từ các nguồn nước ngoài. Nội lực trong nước có thể không chỉ từ phía Chính phủ, mà còn từ nguồn vốn của khu vực tư nhân khi cần thiết. Nói chung, chi phí của quá trình tái cơ cấu và các nguồn lực tài chính cần thiết để thực hiện tái cơ cấu cần được xác định rõ và có giải pháp cụ thể thực hiện.

Như nêu trên, Chính phủ đã ban hành quy định, mở cánh cửa đối với các nhà đầu tư nước ngoài tham gia tái cơ cấu ngân hàng. Tuy nhiên, các giải pháp triển khai trên thực tế cần được thúc đẩy hơn nữa để các quy định thực sự đi vào cuộc sống.

Trong xử lý nợ xấu, mô hình VAMC- mô hình định chế mua bán nợ tập trung để xử lý nợ một cách tổng thể, phần nào đã tiếp thu kinh nghiệm của một số nước trên thế giới và ở châu Á (Thái Lan, Malaysia, Indonesia…), nhưng việc không sử dụng vốn ngân sách nhà nước lại là điểm rất đặc thù ở Việt Nam. Thời gian qua, VAMC đã đạt được kết quả bước đầu trong việc mua nợ xấu từ các TCTD.

Tuy nhiên, hoạt động mua nợ xấu  theo giá thị trường vẫn chưa được thực hiện, tiến độ bán và xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm rất chậm, khiến nhiều ý kiến cho rằng  VAMC giống như một kho lưu giữ nợ xấu. Vấn đề đặt ra là cần có được một khuôn khổ pháp lý đủ mạnh, trao quyền đầy đủ cho VAMC gắn với một nguồn lực tài chính nhất định.

Khung pháp lý cho thị trường mua bán nợ cần phải sẵn sàng và thực thi hiệu quả. Cơ chế định giá các khoản nợ xấu một cách minh bạch và công khai cần được thiết lập để thúc đẩy việc mua bán nợ xấu theo giá thị trường. Các quy trình xử  lý tài sản bảo đảm và vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan cần được tiếp tục rà soát, góp phần đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu.

Tái cơ cấu TCTD là một quá trình phức tạp, nhạy cảm, đòi hỏi nỗ lực chung của tất cả các cơ quan, bộ, ngành, địa phương có liên quan. Một cơ chế phối hợp chặt chẽ  giữa các bên liên quan cần được thực thi hiệu quả. Tái cơ cấu DNNN cũng cần đẩy nhanh tiến độ hơn nữa để hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD.

Sáp nhập, hợp nhất, mua lại các TCTD yếu kém chưa thể xử lý triệt để các vấn đề của các TCTD yếu kém. Để đảm bảo thực hiện thành công tái cơ cấu TCTD, việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp cần thiết, giảm số lượng các TCTD thực sự yếu kém, giải quyết tình trạng sở hữu chéo không lành mạnh là vô cùng cần thiết.

Đặc biệt, NHNN và hệ thống ngân hàng cần tiếp tục thực hiện mạnh mẽ các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia vào quá trình tái cơ cấu, đào tạo một đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, sẵn sàng tiếp cận công nghệ ngân hàng tiên tiến, hiện đại và các chuẩn mực, thông lệ quốc tế.

Một số đóng góp của ADB

ADB là một trong những đối tác phát triển đã thực hiện hỗ trợ khu vực tài chính ở Việt Nam từ những năm 1990s. Hoạt động hỗ trợ chủ yếu của ADB thực hiện thông qua một loạt khoản vay chính sách và các hỗ trợ kỹ thuật nhằm giúp Chính phủ thực hiện các cải cách chính sách trong hoạt động ngân hàng, tài chính vi mô, phát triển thị trường vốn và thị trường tài chính nói chung.

Gần đây, đồng tài trợ với WB và các nhà tài trợ khác trong khuôn khổ khoản vay Chương trình Hỗ trợ quản lý kinh tế và nâng cao khả năng cạnh tranh lần thứ 2 (EMCC2). ADB cũng đã thông qua một khoản vay trị giá 230 triệu USD, góp phần hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện chương trình cải cách tổng thể, trong đó bao gồm cả cải cách trong lĩnh vực ngân hàng và tái cơ cấu TCTD. ADB cũng là một trong các đối tác tiên phong đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong tái cơ cấu các DNNN.

Trên cơ sở những thành quả của nhiều năm qua, năm 2015, ADB tiếp tục thông qua tiểu chương trình 2 của khoản vay chính sách lần thứ 4, với trị giá tương đương 100 triệu USD, nhằm phát triển sâu hơn và đa dạng hơn khu vực tài chính, đồng thời với việc hỗ trợ Chính phủ thực hiện tái cơ cấu hệ thống các TCTD.

Bên cạnh việc xây dựng khoản vay hỗ trợ nguồn lực tài chính cho Chính phủ trong việc triển khai các cải cách, một trong các trọng tâm của hoạt động hỗ trợ từ ADB là tiếp tục thực hiện các hỗ trợ kỹ thuật tư vấn, đối thoại về chính sách và  tăng cường năng lực cho cán bộ các cơ quan quản lý trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ.

Hy vọng rằng, ADB tiếp tục là đối tác tin cậy của Chính phủ, góp phần tích cực trong công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế nói chung và tái cơ cấu TCTD nói riêng.

Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam
Tin bài liên quan