SDG đòi hỏi sự tham gia của tất cả các chủ thể, nhằm tạo dựng môi trường sống an lành cho các thế hệ tương lai

SDG đòi hỏi sự tham gia của tất cả các chủ thể, nhằm tạo dựng môi trường sống an lành cho các thế hệ tương lai

Giải pháp cho tương lai xanh và bền vững

(ĐTCK) Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (SDG 2030) đặt ra những mục tiêu cao và liên quan đến tổ chức đoàn thể xã hội, cộng đồng dân cư, hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp... Việc thực hiện được các mục tiêu SDG 2030 đòi hỏi sự tham gia một cách tích cực của toàn bộ hệ thống chính trị, chính quyền các cấp, khu vực tư nhân, trong đó khu khu vực tư nhân có vai trò quan trọng.

Chỉ tiêu và lộ trình thực hiện SDG 2030

Tình trạng khai thác cạn kiệt các nguồn tài nguyên, nguyên liệu hóa thạch và tình trạng ô nhiễm môi trường gia tăng trên thế giới và ở Việt Nam ngày càng trở nên nghiêm trọng, đòi hỏi phải có sự thay đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững (PTBV), giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch, giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính là xu hướng được toàn thế giới quan tâm và khuyến khích phát triển. Xu thế này đã được đề cập toàn diện trong SDG 2030.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự PTBV tại Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017. Các nhiệm vụ chủ yếu của kế hoạch được phân kỳ thực hiện theo 2 giai đoạn, 2017 - 2020 và 2021 - 2030, bao gồm 17 mục tiêu chung toàn cầu và 115 mục tiêu cụ thể.

Để triển khai thực hiện SDG 2030, 17 mục tiêu chung và 115 mục tiêu cụ thể cần phải được cụ thể hóa bằng các chỉ tiêu và lộ trình thực hiện và đề ra nhiều nhóm giải pháp khác nhau cũng như phân công trách nhiệm tổ chức thực hiện cho các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội.

Nhiệm vụ này được Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ và địa phương, trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm cho các chỉ tiêu và lộ trình thực hiện trong phạm vi toàn quốc, còn các bộ khác và địa phương chịu trách nhiệm cho các chỉ tiêu và lộ trình thực hiện trong phạm vi ngành và địa phương mình.

Từ những năm trước đây, Việt Nam đã triển khai thực hiện Chương trình nghị sự 21 vì sự PTBV, thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG) với nhiều nội dung liên quan đến Chương trình nghị sự 2030.

Tuy nhiên, SDG 2030 đặt ra những mục tiêu cao hơn, liên quan đến những lĩnh vực mới hoặc những lĩnh vực mà kết quả đạt được trong thời gian qua còn nhiều hạn chế như biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, giảm nghèo bền vững...Mặt khác, nhiều mục tiêu của SDG 2030 liên quan đến các hoạt động cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể xã hội, cộng đồng dân cư.

Bất động sản Bình Dương trước cơ hội bứt phá

Thực tế này đòi hỏi sự tham gia sâu rộng, tích cực và phát huy tính chủ động của cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể xã hội, cộng đồng dân cư, bên cạnh sự tham gia của hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương. Theo đó, cần xây dựng các chương trình, giải pháp nâng cao nhận thức, đồng thời có cơ chế khuyến khích và các hình thức phù hợp để tăng cường sự tham gia của các đối tượng trên.

Việc rà soát các kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh và Chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu cho thấy, trên 60% các giải pháp có liên quan đến việc triển khai thực hiện Kế hoạch hành động thực hiện SDG 2030.

Huy động các nguồn tài chính trong và ngoài nước

Việc xác định nhu cầu và cơ chế huy động nguồn lực tài chính để triển khai Kế hoạch hành động thực hiện SDG 2030 đang là một thách thức. Có nhiều cách tiếp cận để xác định nhu cầu về nguồn lực tài chính như thông qua kế hoạch hành động của các ngành, địa phương, kế hoạch hành động của từng lĩnh vực.

Chỉ tính riêng nhu cầu vốn để triển khai kế hoạch hành động thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh dự kiến cần 30 tỷ USD từ nguồn ngân sách nhà nước và khu vực tư nhân cho thấy, nguồn lực tài chính để triển khai Kế hoạch hành động thực hiện SDG 2030 là rất lớn.

Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, ngân sách nhà nước chỉ chiếm tối đa 30% nhu cầu đầu tư, đóng vai trò là chất xúc tác thu hút đầu tư tư nhân thông qua hỗ trợ chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực hoặc đầu tư cho các dự án thí điểm. Đầu tư tư nhân sẽ đóng vai trò chính trong việc triển khai thực hiện thành công các mục tiêu SDG 2030. 

Huy động sự tham gia của khu vực tư nhân

Việc triển khai Kế hoạch hành động thực hiện SDG 2030 trên thế giới và ở Việt Nam mở ra cơ hội to lớn cho các doanh nghiệp. Theo Báo cáo của Ủy ban PTBV và Doanh nghiệp năm 2017, thực hiện các mục tiêu của SDG 2030 tạo ra cơ hội trị giá 12.000 tỷ USD trên phạm vi toàn cầu. Đối với Việt Nam, đây vừa là thách thức, nhưng cũng là cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp.

Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện SDG 2030 vì sự PTBV đã xác định vai trò của 3 chủ thể chính gồm: doanh nghiệp, chính phủ, xã hội dân sự, với các mục tiêu cụ thể. Trong đó, mục tiêu 12.6 là “Khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp áp dụng các thông lệ bền vững, bao gồm công nghệ sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường; thực hiện trách nhiệm xã hội đối với người nghèo và nhóm dân cư yếu thế; tích hợp các thông tin về tính bền vững vào báo cáo định kỳ của mình”.

Trong thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp khuyến khích khu vực tư nhân tham gia thực hiện các mục tiêu SDG 2030. Theo đó, về chính sách, Chính phủ đã xây dựng nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp gồm cả khu vực tư nhân, tạo dựng cơ chế cạnh tranh bình đẳng là Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa... Ngoài ra, nhiều chiến lược đã cụ thể hoá vai trò của khu vực doanh nghiệp như Chiến lược, kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh.

TS. Phạm Hoàng Mai 

Về tổ chức thực hiện, hiện tại đã hình thành các cơ chế khuyến khích khu vực tư nhân thực hiên các mục tiêu SDG 2030  gồm: Hội đồng quốc gia vì sự PTBV và nâng cao năng lực cạnh tranh; Hội đồng Doanh nghiệp vì sự PTBV thuộc phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia; Quỹ Thách thức Doanh nghiệp Việt Nam (VBCF); xây dựng Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững với 151 tiêu chí phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện của Việt Nam nhằm đánh giá đóng góp của các doanh nghiệp cho PTBV trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường…

Số lượng doanh nghiệp được thành lập mới, cũng như các doanh nghiệp cam kết thực hiện PTBV, năng lượng tái tạo tăng nhanh, đặc biệt sau khi Chính phủ ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về bù giá cho năng lượng tái tạo.

Số doanh nghiệp đạt tiêu chí doanh nghiệp vì sự PTBV ngày càng tăng. Năm 2016, trong số 400 doanh nghiệp đăng ký, có 100 doanh nghiệp  được trao tăng giải thưởng “Doanh nghiệp PTBV”.

Cần nhiều giải pháp cho tương lai xanh và bền vững

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, vẫn còn những rào cản cho khu vực tư nhân tham gia thực hiện các mục tiêu PTBV, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Chẳng hạn, các văn bản pháp luật liên quan đến PTBV và năng lượng tái tạo chưa được thực hiện đầy đủ; thiếu cơ chế giám sát, khen thưởng và xử phạt đầy đủ, nghiêm minh; chính sách ban hành chậm, không theo kịp với mức phát triển của thị trường và tiến bộ chung của khoa học, công nghệ; nguồn vốn đầu tư nhỏ lẻ, thủ tục quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, cấp phép chậm trễ; khó khăn trong việc tiếp cận vốn, công nghệ, thị trường và các yếu tố đầu vào của sản xuất…

Để thúc đẩy sự tham gia của khối tư nhân vào việc thực hiện các mục tiêu PTBV cần triển khai một số nội dung chính sau.

Thứ nhất, cần tăng cường nguồn lực tài chính công thông qua việc nâng cao hiệu quả hệ thống thuế, chính sách thuế, tiết kiệm chi tiêu công, đổi mới quản lý tài chính công theo hướng công khai, minh bạch; ưu tiên bố trí vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho các dự án thực hiện các mục tiêu SDG 2030; hình thành Quỹ hỗ trợ PTBV.

Thứ hai, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, tạo động lực cho doanh nghiệp tham gia thực hiện các mục tiêu PTBV; tăng cường giám sát trong việc thực thi pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân.

Thứ ba, để có nguồn hỗ trợ cho phát triển năng lượng tái tạo và đảm bảo bình đẳng trong thực hiện nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền, cần giảm dần trợ giá nhiên liệu, năng lượng truyền thống, đồng thời có chính sách để nhóm người nghèo được hỗ trợ không kém hơn trước; nghiên cứu xem xét thực hiện đầy đủ thuế bảo vệ môi trường cho các nhóm đối tượng gây ô nhiễm thông qua thuế các-bon mà hiện nay mới áp dụng cho nhóm nhiên liệu xăng dầu.

Thứ tư, xây dựng cơ chế khuyến khích các ngân hàng trong nước cho cung cấp tín dụng ưu đãi cho các dự án thân thiện với môi trường,  các dự án năng lượng tái tạo.

Thứ năm, tiếp tục duy trì các chính sách khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm - hiệu quả; có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng tái tạo. Cùng với đó, Nhà nước cần hỗ trợ nghiên cứu chuyển giao công nghệ từ các nước tiên tiến đối với những công nghệ ứng dụng và sản xuất sạch, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Tin bài liên quan