Giải mã con số 480 tỷ USD trong Đề án tái cơ cấu nền kinh tế

Giải mã con số 480 tỷ USD trong Đề án tái cơ cấu nền kinh tế

(ĐTCK) 480 tỷ USD (tương đương 10.567 nghìn tỷ đồng) ở đâu ra? Căn cứ nào đưa ra con số 480 tỷ USD? 480 tỷ USD để tái cấu trúc cái gì và hiệu quả là gì? Hàng loạt câu hỏi xoáy quanh con số 10.567 nghìn tỷ đồng có mặt trong Đề án tái cơ cấu nền kinh tế mà Chính phủ mới trình Quốc hội.

Câu chuyện sẽ không đáng phải phức tạp nếu dư luận nhận ra một điểm: tái cơ cấu là hoạt động phân bổ lại chức năng, nguồn lực trong nền kinh tế. Tái cơ cấu không yêu cầu nguồn lực tài chính, mà chỉ ra giải pháp để thúc đẩy nguồn lực mang lại hiệu quả cao hơn cho đất nước. 

480 tỷ USD chính là dự báo tổng vốn đầu tư toàn xã hội 2016 - 2020

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, môt chuyên gia kinh tế tham gia soạn thảo Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế 2016 - 2020 chia sẻ, ông rất băn khoăn không biết vì sao dư luận lại đặt nhiều câu hỏi về con số 480 tỷ USD như vậy.

“Ngay trong Đề án đã ghi rất rõ: 10.567 nghìn tỷ đồng là tổng nguồn lực huy động của nền kinh tế giai đoạn 2016 -2020. Đây không phải là số tiền cần huy động thêm hay tiêu tốn cho tái cơ cấu nền kinh tế như cách nhiều người đang hiểu nhầm hiện nay”, ông nói.

Vậy con số 480 tỷ USD được hình thành như thế nào? Thực tế, đây chính là tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội tính trong 5 năm 2016 - 2020 và con số này hoàn toàn logic với các chỉ tiêu dự kiến Quốc hội đã đưa ra trong Nghị quyết số 142/2016/QH13 về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2016 - 2020 ban hành ngày 12/4/2016. Nghị quyết đặt ra chỉ tiêu tổng sản phẩm GDP bình quân 5 năm tăng 6,5 - 7%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm khoảng 32 - 34% GDP.

Với GDP năm 2016 ước tính khoảng 220 tỷ USD, không khó để tính ra tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm tới và hiểu vì sao con số chính là 10.567 nghìn tỷ đồng xuất hiện trong Đề án tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam.

"Ngay trong Đề án đã ghi rất rõ: 10.567 nghìn tỷ đồng là tổng nguồn lực huy động của nền kinh tế giai đoạn 2016 -2020. Đây không phải là số tiền cần huy động thêm hay tiêu tốn cho tái cơ cấu nền kinh tế như cách nhiều người đang hiểu nhầm hiện nay"

Với 480 tỷ USD chính là dự toán tổng vốn đầu tư toàn xã hội, nhiệm vụ của tái cơ cấu nền kinh tế là làm cách nào để nguồn lực đầu tư này mang lại hiệu quả cao hơn cho đất nước.

Có hai trụ cột chính trong Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế rất cần được dư luận nhận diện rõ. Trụ cột thứ nhất là xây dựng Nhà nước kiến tạo, từng bước giảm thiểu vai trò kinh doanh, đầu tư trực tiếp của Nhà nước để thị trường có vai trò ngày càng quan trọng trong huy động và phân bổ các nguồn lực xã hội. 

Trụ cột thứ hai là hiện đại hóa các ngành kinh tế và vùng kinh tế, nâng cao năng suất và giá trị gia tăng của từng ngành. Việc này khác với cách chúng ta tiến hành chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở một điểm: chuyển dịch nhấn mạnh vào sắp xếp lại các ngành theo tiêu chí về lượng, còn tái cơ cấu là sắp xếp lại theo tiêu chí về hiệu quả. 

Tái cơ cấu là con đường...

Thay mặt Chính phủ báo cáo trước Quốc hội về Đề án tái cơ cấu nền kinh tế tuần qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, mục tiêu tổng quát của Đề án là thay đổi cơ cấu và trình độ của nền kinh tế, hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn, có năng suất cao hơn, năng lực cạnh tranh cao hơn, có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn và đảm bảo tăng trưởng xanh, sạch, bền vững.

Có rất nhiều điểm mới trong Đề án được Bộ trưởng trình bày trước Quốc hội, mới cả về tư duy và cách làm. Ở góc nhìn của một doanh nhân, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đánh giá, đây là Đề án tái cơ cấu nền kinh tế tốt nhất từ trước đến nay, trong đó có 3 điểm rất quan trọng, rất cần cho đất nước.

Thứ nhất, Đề án phân định được vai trò của Nhà nước kiến tạo, các DN mới chính là đối tượng thực thi tái cấu trúc. Từ trước đến nay, việc tái cấu trúc được hiểu là nhiệm vụ của Nhà nước, thì nay, Đề án mới phân vai rõ ràng: Nhà nước tập trung kiến tạo, còn trách nhiệm tái cấu trúc là của DN, của các chủ thể trong nền kinh tế.

Điểm đặc biệt thứ hai là Đề án xác lập mục tiêu và hướng nguồn lực trong nền kinh tế chảy theo tín hiệu thị trường. Đây là điểm mà khối DN, nhất là DN tư nhân năng động hưởng ứng tích cực, khi vai trò của cơ chế thị trường được nâng lên sẽ tạo cơ chế cạnh tranh công bằng, minh bạch, các dòng chảy nguồn lực theo phân bổ, theo mệnh lệnh hành chính sẽ được giảm thiểu.

Điểm mới thứ ba của Đề án, theo Chủ tịch SSI, là lần đầu tiên, Đề án đưa ra được quy trình giám sát nền kinh tế bằng các chỉ tiêu, mô hình định lượng cụ thể.

“Nếu các giải pháp chính sách được giám sát cụ thể và đo lường tính hiệu quả đến từng dự án, chắc chắn hiệu quả chung của nền kinh tế sẽ khác đi”, ông Hưng nói.

Một số nhà kinh tế chia sẻ, đọc kỹ Đề án sẽ nhận ra đây chính là sự tiếp nối, cụ thể hóa các chỉ đạo của Đảng trong Nghị quyết, văn kiện đã ban hành, nhưng được cụ thể hóa bằng các giải pháp và công cụ đo lường trong phân bổ nguồn lực đầu tư toàn xã hội. Khi xác định rõ các mục tiêu ưu tiên và Nhà nước chỉ tập trung thực hiện vai trò kiến tạo, tự thị trường sẽ sắp xếp để đạt ngưỡng hợp lý.

Bài học từ TTCK cho thấy, trong giai đoạn đầu (2000 - 2005), TTCK có quá ít DN lên niêm yết, nhưng chỉ cần Chính phủ có chính sách miễn, giảm thuế cho các DN niêm yết, sau 1 năm, TTCK đón thêm 100 DN lên sàn. 

... đích đến là nền kinh tế tăng trưởng cao, xanh, sạch và bền vững

Đích đến của Đề án tái cơ cấu nền kinh tế hầu như không có gì khác các chỉ tiêu kinh tế - xã hội được nêu ra trong Nghị quyết số 142/2016/QH13 (một số chỉ tiêu đặt cao hơn hoặc cụ thể hóa hơn).

Về cách làm, Đề án đặt ra 10 nhiệm vụ ưu tiên, trong đó ưu tiên số 1 là cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tư nhân ở cả cấp Trung ương và địa phương. Ưu tiên số 2 là kiên quyết cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước một cách thực chất theo lộ trình và kế hoạch được phê duyệt (chi tiết dự thảo Đề án trên website quochoi.vn)

Chẳng hạn, việc cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước đã được đặt ra từ nhiều năm nay, nhưng điểm khác trong Đề án là nhiệm vụ kiên quyết thực hiện và thực hiện một cách thực chất. Điểm thú vị là trong đánh giá kết quả tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2011 - 2015, có nhiều việc như tái cơ cấu kinh tế vùng/tái cơ cấu DNNN/xử lý nợ xấu... đều đã làm, nhưng Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận là làm chưa thực chất. Trong giai đoạn 2016 - 2020, Đề án tái cơ cấu chỉ ra những việc phải làm và phải làm thực chất mới có thể đạt các mục tiêu đã đặt ra.

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Đề án sử dụng mô hình kinh tế lượng cấu trúc đa phương trình (tổng cộng 100 phương trình, với 68 phương trình định nghĩa và 32 phương trình hành vi) để đánh giá định lượng tác động của các kịch bản tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 theo hai kịch bản: tái cơ cấu rất quyết liệt và có nhiều đột phá (kịch bản 1) và khả năng đẩy nhanh tái cơ cấu (kịch bản 2).

Kết quả đánh giá cho thấy, kịch bản tái cơ cấu quyết liệt tạo ra những kết quả rõ ràng hơn, đặc biệt trong trung hạn và dài hạn. Nền kinh tế cần mục tiêu rõ ràng và một tâm thế thực thi quyết liệt mới có thể bước lên các thứ bậc cao hơn.

Theo chương trình kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV trong tuần tới, các đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận và chốt việc thông qua Đề án này.

Đến năm 2020, phấn đấu 12-15 ngân hàng áp dụng Basel II

Liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, Đề án trình ra Quốc hội đặt mục tiêu xử lý nhanh và dứt điểm nợ xấu, giảm tỷ lệ nợ xấu trong nền kinh tế xuống mức dưới 3% một cách bền vững. Cắt giảm lãi suất cho vay trung bình xuống mức chênh lệch hợp lý so với mức lãi suất huy động và có tính cạnh tranh so với mức lãi suất cho vay trung bình tại các nước trong khu vực. Phấn đấu đến năm 2020, các ngân hàng thương mại có mức vốn tự có theo chuẩn mực vốn của Basel II, trong đó có ít nhất 12 -15 ngân hàng thương mại áp dụng thành công Basel II (theo phương pháp tiêu chuẩn trở lên).

Được biết, trong bản Dự thảo ban đầu, liên quan đến khối ngân hàng thương mại, mục tiêu đặt ra là đến năm 2020, 70% số ngân hàng thương mại thực hiện đầy đủ Basel II. 

Nên làm mới mục tiêu tái cấu trúc TTCK

Liên quan đến TTCK, Đề án trình ra Quốc hội đặt mục tiêu nâng cao quy mô và hiệu quả hoạt động của TTCK, thị trường trái phiếu chính phủ, thị trường trái phiếu DN và thị trường bảo hiểm. Đến năm 2020, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 70% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt 30% GDP.

Tuy nhiên, một số chuyên gia chứng khoán góp ý rằng, Đề án nên cắt nghĩa rõ hơn mục tiêu dư nợ thị trường trái phiếu đạt 30% GDP. Cụ thể, dư nợ thị trường trái phiếu là tính theo công cụ trái phiếu chính phủ hay trái phiếu DN, hay cả hai loại này? Bên cạnh đó, nên có thêm các mục tiêu định hướng thị trường trái phiếu chính phủ để giảm dần lãi suất vay nợ của Chính phủ và hướng thị trường này hội nhập trong khối ASEAN.

Một số ý kiến khác cho rằng, mục tiêu vốn hóa thị trường cổ phiếu cũng nên xem xét lại, vì mức 70% GDP là dễ cán đích, trong bối cảnh Chính phủ kiên quyết đưa các DNNN sau cổ phần hóa, DN đại chúng lên sàn. Hiện nay, quy mô vốn hóa TTCK Việt Nam đã đạt khoảng 39% GDP.

Tin bài liên quan