Giá thành sản xuất điện năm 2015 là 1.633,74 đồng/kWh

Giá thành sản xuất điện năm 2015 là 1.633,74 đồng/kWh

Giá thành điện 2015: Gánh nặng tỷ giá

(ĐTCK) Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố giá thành sản xuất - kinh doanh điện năm 2015. Một số điểm đáng chú ý là giá thành sản xuất điện từ khí tăng, từ dầu giảm; chi phí phát sinh lớn do chênh lêch lệch tỷ giá…
 

Giá thành sản xuất điện năm 2015

Theo báo cáo đã kiểm toán của EVN, năm 2015, sản lượng điện thương phẩm thực hiện là 143,68 tỷ kWh. Tỷ lệ tổn thất điện năng toàn EVN là 7,94%, thấp hơn 0,06% so với chỉ tiêu tại Quyết định số 854/QĐ-TTg và thấp hơn 0,55% tỷ lệ tổn thất điện năng thực tế năm 2014. Tổng chi phí sản xuất - kinh doanh điện năm 2015 là hơn 234.736 tỷ đồng.

Giá thành sản xuất điện năm 2015 là 1.633,74 đồng/kWh, theo diễn giải của EVN, được cấu thành từ các chỉ số chính như giá thành khâu phát điện theo điện thương phẩm là 1.234,7 đồng/kWh, giá thành khâu truyền tải điện theo điện thương phẩm là 99,61 đồng/kwh, giá thành khâu phân phối bán lẻ điện theo điện thương phẩm là 292,11 đồng/kwh, giá thành khâu phụ trợ quản lý ngành theo điện thương phẩm là 7,32 đồng/kwh.

EVN cho biết, chi phí sản xuất - kinh doanh điện tại các huyện, xã đảo khu vực chưa nối lưới điện quốc gia được hạch toán vào giá thành sản xuất - kinh doanh điện năm 2015.

Theo số liệu đã kiểm toán, doanh thu bán điện năm 2015 EVN là 234.339,52 tỷ đồng. Ngoài ra, thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất - kinh doanh điện là 2.529,36 tỷ đồng. Lợi nhuận đạt 2.132,74 tỷ đồng.

Những yếu tố ảnh hưởng đến giá thành

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công thương cho biết, trong năm 2015, biến động của giá nhiên liệu đầu vào như than, khí, dầu đã có tác động đến giá thành sản xuất - kinh doanh điện.

Theo đó, trong năm 2015, mặc dù giá than đã ổn định do Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành quyết định thay đổi bộ quy trình than dùng trong ngành điện, song giá khí lại tăng 2% khiến giá thành sản xuất điện từ khí tăng.

Trong khi đó, nhờ giá dầu cơ bản giảm trong năm 2015 nên đã có tác động giảm giá điện sản xuất từ chạy dầu, trong đó điện sản xuất tại Nhà máy điện Cà Mau giảm khoảng 3,3 USD/1 triệu BTU.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, năm 2015, phần lớn các nhà máy thuỷ điện không đạt được sản lượng như kế hoạch do tình hình thủy văn không thuận lợi, các nhà máy thủy điện không đạt mực nước dâng nên sản lượng điện thủy điện giảm hơn 5,8 tỷ kwh, do đó số sản lượng điện huy động từ các nhà máy thuỷ điện giảm phải bù từ nhà máy nhiệt điện than, khí. Đây là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến giá thành, do chi phí mua điện từ nhiệt điện, tua bin khí cao hơn thuỷ điện.

Chênh lệch tỷ giá: gánh nặng lớn

Ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN cho hay, năm 2015, chênh lệch tỷ giá đã tạo gánh nặng rất lớn cho EVN, với số chi phí phát sinh do chênh lêch lệch tỷ giá lên tới 9.800
tỷ đồng.

“Đối với khoản chênh lệch này nhờ giá dầu giảm đã bù lại được 5.000 tỷ đồng. Gần 5.000 tỷ đồng còn lại EVN phải tự tìm cách xử lý”, ông Tri giải thích và cho biết cụ thể số chênh lệch đã xử lý được trong năm 2015 là 3.500 tỷ đồng nhờ tối ưu hoá chi phí, tăng lợi nhuận. Số còn lại phải chuyển sang số dư chênh lệch tỷ giá và EVN đề xuất được phân bổ dần trong 5 năm.

“Theo chế độ kế toán thông thường, các khoản chênh lệch này phải hạch toán hết trong năm tài chính. Tuy nhiên, riêng đối với EVN, nếu hạch toán hết sẽ làm tăng giá điện, còn nếu không hạch toán thì sẽ bị lỗ. Do đó, EVN đã đề xuất được hạch toán dần trong vòng 5 năm theo hình thức đưa vào giá điện khi giá điện có thể giảm hoặc giảm giá thành”, ông Đinh Quang Tri lý giải.

Một số khoản phí chưa tính vào giá thành

Báo cáo kiểm toán độc lập của Deloiite Việt Nam cho thấy, có một số khoản phí lớn chưa tính vào giá thành sản xuất - kinh doanh điện năm 2015, bao gồm khoản chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện phân bổ lũy kế đến ngày 31/12/2015 của các công ty sản xuất - kinh doanh điện do Công ty mẹ EVN sở hữu 100% vốn lên tới xấp xỉ 8.500 tỷ đồng, trong đó bao gồm chênh lệch tỷ giá chưa phân bổ của Tổng công ty Truyền tải điện là 2.545,37 tỷ đồng, Công ty mẹ Tổng công ty Phát điện 1 là hơn 2.555 tỷ đồng, Công ty mẹ Tổng công ty Phát điện 2 là hơn 3.316 tỷ đồng và Công ty mẹ Tổng công ty phát điện 3 là 84,49 tỷ đồng.

Khoản chênh lệch tỷ giá chưa phân bổ lũy kế đến hết năm 2015 tại các công ty cổ phần có vốn góp chi phối của EVN cũng chưa được tính vào giá thành điện năm 2015 lên tới hơn 1.300 tỷ đồng, trong đó có Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng là 789 tỷ đồng, Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh là 515,76 tỷ đồng. Cùng với đó, khoản cước phí vận chuyển đường ống dẫn khí Phú Mỹ - TP.HCM trị giá 580 tỷ đồng chưa được hạch toán vào giá điện.

Tin bài liên quan