Giá dầu xuống 40 USD sẽ giúp tăng trưởng kinh tế thêm 0,43%

(ĐTCK) Dù Việt Nam vừa xuất dầu thô, nhưng nhập khẩu lớn các sản phẩm từ xăng dầu lớn hơn, nên ở kịch bản giá dầu thấp nhất, giá dầu dao động quanh mốc 40 USD/thùng trong năm 2015 sẽ tác động góp phần làm tăng trưởng kinh tế thêm 0,43%.
Ảnh Internet

Ảnh Internet

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã nhận định như vậy khi trả lời báo chí sau khi kết thúc cuộc họp chiều tối 22/1 của Tổ công tác liên bộ về quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô.

Tổ công tác liên bộ họp để thảo luận về những tác động của giá dầu thế giới giảm đối với kinh tế Việt Nam trong năm 2015 và đưa ra các kiến nghị, giải pháp với Chính phủ về quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, nếu giá dầu quanh mốc 40 USD/thùng (kịch bản giá thấp nhất) trong năm 2015 sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng thêm 0,43%.

Ở kịch bản giá dầu ở phương án 60 USD/thùng (kịch bản giá cao nhất) thì xuất khẩu dầu của Việt Nam có giảm, nhưng không đáng kể, chỉ phải điều tiết giảm sản lượng ở một vài lô có giá sản xuất cao, nếu giá dầu trung bình ở mức 50 USD/thùng (kịch bản giá cao thứ hai) thì sẽ khai thác ở mức thấp hơn kịch bản thứ nhất. 

Ba kịch bản sản lượng khai thác xuất khẩu tương ứng với các mức giá dầu nêu trên lần lượt là 14,74 triệu tấn, 14,4 và thấp nhất là 13,08 triệu tấn.

Đáng chú ý, Bộ trưởng Vinh cho rằng, Việt Nam vừa xuất dầu thô, vừa nhập phần lớn các chế phẩm từ dầu, mà sản lượng nhập xăng dầu lớn hơn xuất khẩu, nên tác động của giá dầu sẽ diễn ra ở 2 chiều, trong đó nền kinh tế sẽ được nhiều hơn mất.

Ví dụ, nếu kịch bản thấp nhất xảy ra là khi giá dầu về mức 40 USD mỗi thùng, có thể giảm sản lượng khai thác xuất khẩu về mức 13,08 triệu tấn, tác động làm giảm tốc độ tăng GDP. Nhưng ở chiều ngược lại, hai yếu tố quan trọng nhất là giá đầu vào cho sản xuất hàng hóa giảm và giá vận tải xuống theo.

Do đó, nếu cả hai yếu tố này cùng giảm, thì các mô hình tính toán cho thấy, giá dầu ở mức 60 USD/thùng thì góp phần thúc đẩy kinh tế tăng 0,27%; nếu 50 USD/thùng thì góp phần thúc đẩy kinh tế tăng 0,31% so với kế hoạch dự kiến 2015, nếu giá dầu 40 USD/thùng, góp phần thúc đẩy kinh tế tăng thêm 0,43%.

Tất nhiên, nếu còn nhiều yếu tố tác động, nhưng Bộ trưởng Vinh cho rằng, trước mắt, trong ngắn hạn thu ngân sách từ xuất khẩu dầu thô sẽ bị sụt giảm có thể ở mức 4-5%. Tuy nhiên, việc giảm giá xăng dầu sẽ có tác động lan tỏa, giúp giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, giúp giảm chi phí sản xuất, vận tải. Do đó, trong trung và dài hạn sẽ kích thích tiêu dùng, kích thích tăng trưởng kinh tế tốt hơn.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng có cùng quan điểm và lưu ý rằng, có một số phân tích cho rằng, với giá dầu giảm mạnh, nhiều dự báo thậm chí cho rằng một chu kỳ mới của tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ bùng nổ, điều này có lợi cho Việt Nam.

Trước đó, cuộc họp dưới sự chủ trì của Thủ tướng, Tổ công tác liên bộ về quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô đã tập trung thảo luận các vấn đề kinh tế trong đó, nội dung chính là ảnh hưởng của giá dầu thế giới đối với thu ngân sách và tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2015. Cụ thể, Liên bộ đã bàn thảo đến cả 3 kịch bản giá dầu trong năm 2015 là mức 60, 50, và 40 USD/ thùng.

Thủ tướng đã lưu ý việc điều hành giá phải đảm bảo lợi ích của đất nước, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Trong đó, về vấn đề giá cước vận tải, Thủ tướng yêu cầu ngay trong tuần này, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các bộ liên quan họp bàn và đưa ra giải pháp và chỉ đạo giảm giá cước vận tải. Thủ tướng yêu cầu phải giảm giá cước dịch vụ vận tải trước Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015.

Tin bài liên quan