Lọc dầu Dung Quất chỉ cung cấp được 100.000 thùng/ngày, trong khi nhu cầu tiêu dùng là 378.000 thùng/ngày

Lọc dầu Dung Quất chỉ cung cấp được 100.000 thùng/ngày, trong khi nhu cầu tiêu dùng là 378.000 thùng/ngày

Giá dầu giảm, chuyện gì xảy ra với các siêu dự án lọc dầu?

Sau khi giá dầu trên thị trường thế giới lao dốc, hàng loạt câu hỏi đã được đặt ra là, liệu kế hoạch đầu tư Dự án Lọc hóa dầu Victory (vốn đầu tư 22 tỷ USD) của Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) và Saudi Aramco (Saudi Arabia) có bị ảnh hưởng? Kế hoạch mở rộng tại Nhà máy Dung Quất và tiến độ của Lọc dầu Nghi Sơn sẽ thế nào?

Chưa có thêm thông tin về việc Bình Định cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án Lọc hóa dầu Victory (vốn đầu tư 22 tỷ USD) của Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) và Saudi Aramco (Saudi Arabia), dù sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung vào quy hoạch, lãnh đạo tỉnh này đang rất nỗ lực phối hợp với chủ đầu tư để thực hiện các thủ tục cần thiết.

“Có thể phải quý II/2015, chúng tôi mới cấp giấy chứng nhận đầu tư được cho Dự án”, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư.

Trên thực tế, sau khi giá dầu trên thị trường thế giới lao dốc, câu hỏi đã được đặt ra là, liệu kế hoạch đầu tư các dự án lọc hóa dầu có bị ảnh hưởng?

Câu trả lời được ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam khẳng định là có. Theo ông Ngãi, các nhà đầu tư, nhất là chủ đầu tư các dự án chuẩn bị triển khai, sẽ phải xem xét lại kế hoạch rót vốn, vì khi giá dầu giảm thì suất đầu tư, giá trị đầu tư, khả năng thu hồi vốn sẽ khác so với kế hoạch ban đầu.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khi chia sẻ về những tác động của giá dầu giảm đối với nền kinh tế Việt Nam cũng đã không khỏi quan ngại về các dự án lọc hóa dầu đang và sắp triển khai tại Việt Nam.

“Giá dầu giảm sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các công ty dầu khí. Lợi nhuận ít đi thì vốn để lại tái sản xuất mở rộng sẽ bị thu hẹp. Các dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này sẽ chựng lại, bởi giá thành khai thác các mỏ mới có thể cao hơn giá bán hiện nay”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.

Câu hỏi với các dự án khác 

Hiện ở Việt Nam, ngoài Lọc dầu Dung Quất đã đi vào hoạt động, còn một loạt dự án lọc, hóa dầu khác đã và đang được triển khai. Ngoài Lọc hóa dầu Nghi Sơn (vốn đầu tư 9,9 tỷ USD) đang tiếp tục triển khai xây dựng với tiến độ được đánh giá là khá tốt, thì phần lớn các dự án còn lại chưa có động thái nào lạc quan hơn.

Ngoài Lọc dầu Vũng Rô năm trước đã tăng vốn đầu tư lên gần 3,2 tỷ USD và đã tiến hành lễ động thổ, còn có Lọc dầu Nam Vân Phong cũng đang trong giai đoạn đầu triển khai. Cuối năm 2014, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã ký biên bản ghi nhớ với JX NOE (Nhật Bản) để xây dựng một liên doanh nhằm triển khai dự án này.

Và trong khi Lọc hóa dầu Victory vẫn đang chờ cấp phép, thì mới đây, Cần Thơ đã đề xuất thu hồi Dự án Lọc dầu Cần Thơ (vốn đầu tư trên 538 triệu USD) vì chậm triển khai.

Sự chậm trễ trong việc triển khai các dự án lọc, hóa dầu hiện nay càng làm dấy lên câu hỏi, liệu các dự án này có bị đẩy lùi thời hạn thực hiện hay không khi giá dầu giảm. Mặc dù không ít chuyên gia kinh tế cho rằng, thực chất lọc hóa dầu ở Việt Nam là gia công, nên giá dầu giảm cũng không ảnh hưởng đến kế hoạch này, nhưng cũng khó tránh những tác động về mặt tâm lý khiến nhà đầu tư phải tính toán lại cẩn trọng hơn.

 Lọc hóa dầu Nghi Sơn (vốn đầu tư 9,9 tỷ USD) đang tiếp tục triển khai xây dựng với tiến độ được đánh giá là khá tốt,

Ngay cả Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) mặc dù khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện việc mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (vốn đầu tư trên 1,8 tỷ USD) theo đúng kế hoạch, song ngay khi giá dầu lao dốc, chính PVN cũng đã phải tính toán lại các kế hoạch khai thác dầu và đầu tư của mình.

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, ông Hồ Quốc Dũng cho rằng, việc giá dầu giảm còn tạo thuận lợi hơn cho việc triển khai Dự án Lọc hóa dầu Victory.

“Đây là dự án xây dựng nhà máy lọc hóa dầu, chứ không phải là khai thác dầu thô. Chỉ những dự án khai thác mới khó triển khai. Ở dự án này, nguồn lực của nhà đầu tư là sẵn có, nên sẽ không bị ảnh hưởng gì”, ông Dũng nói.

Quan điểm có vẻ khác nhau khi đánh giá về tác động của việc giá dầu giảm đối với các dự án lọc hóa dầu ở Việt Nam. Tuy nhiên, dù là tác động tích cực hay tiêu cực, thì có một điều đã được bà Eugenia Fabon Victorino, chuyên gia kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng ANZ khẳng định, đó là bất chấp mặt bằng giá dầu thấp, vẫn đòi hỏi phải đầu tư vào các dự án lọc hóa dầu ở Việt Nam.

“Sự thiếu hụt dầu ở Việt Nam là lý do chính đòi hỏi phải tiếp tục đầu tư các dự án lọc hóa dầu. Hiện ở Việt Nam, hầu hết các dự án trong lĩnh vực này liên quan đến khai thác dầu. Với việc nhà máy lọc dầu duy nhất trong nước là Lọc dầu Dung Quất chỉ cung cấp được 100.000 thùng/ngày, trong khi nhu cầu tiêu dùng là 378.000 thùng/ngày, thì tuy giá dầu ở mức thấp, nhưng chúng tôi nhận thấy, cần phải đầu tư nhiều hơn vào các dự án hạ lưu về sản xuất, phân phối và xuất khẩu dầu”, bà Victorino nói.

Thêm nữa, dù chưa nhìn trên khía cạnh đòi hỏi từ sự thiếu hụt dầu thô, thì trên khía cạnh quản lý nhà nước, các dự án đầu tư luôn cần phải được đẩy nhanh tiến độ hơn nữa.

Tin bài liên quan