FDI của Nga vào Việt Nam có gì?

FDI của Nga vào Việt Nam có gì?

Tuy con số thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài là Nga đã đầu tư vào Việt Nam 1,96 tỷ USD, song con số đầu tư thực chất thấp hơn như vậy nhiều.

Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Nga hiện có có 113 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,96 tỷ USD.

Con số tuy không thể sánh bằng các nhà đầu tư hàng đầu như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore, Mỹ…, song gần 2 tỷ USD cũng là mức đầu tư khá. Nga hiện xếp thứ 17 trong số 105 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.

Tuy nhiên, từ đầu năm tới nay, đầu tư của Nga vào Việt Nam khá thấp, chỉ là 8 dự án, với vốn đăng ký mới là 11,45 triệu USD.

Thống kê các dự án đầu tư quy mô lớn của Nga tại Việt Nam, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, lớn nhất là Dự án Công ty TNHH Bus Industrial Center, với tổng vốn đầu tư là 1 tỷ USD, với mục tiêu xây dựng nhà máy lắp ráp và sản xuất phụ tùng xe bus và dịch vụ hỗ trợ khác tại Bình Định. Chỉ riêng dự án này đã chiếm hơn một nửa vốn FDI từ Nga vào Việt Nam và đưa Bình Định trở thành địa phương thu hút vốn FDI của Nga lớn nhất trong cả nước.

Tuy nhiên, sau khi gây bất ngờ dư luận vào đầu tháng 4/2013 với việc đầu tư dự án tỷ USD tại Bình Định và cam kết triển khai Dự án ngay trong năm đó, thì cho đến nay, nhà đầu tư BUSCENTER MET chưa có bất cứ động thái tích cực nào liên quan đến việc xây dựng Dự án.

Cuối năm 2014, sốt ruột trước tiến độ chậm chạp của Dự án, Bình Định đã hối thúc chủ đầu tư và cảnh báo thu hồi. Tuy nhiên cho đến nay, việc thu hồi chưa được thực hiện, còn Dự án thì vẫn nằm đắp chiếu.

Dự án quy mô lớn nhất của Nga coi như “chết lâm sàng”. Giả sử tất cả các dự án còn lại đều đang sống, vì vốn đầu tư của Nga vào Việt Nam thực chất chỉ còn khoảng gần 1 tỷ USD.

Trong số này, các dự án quan trọng hàng đầu là Hợp đồng dầu khí lô 129,130,131,132 ký ngày 28/10/2008, tổng vốn đầu tư là 328,2 triệu USD, với mục tiêu tìm kiếm, thăm dò dầu khí tại Lô 129-132 trên diện tích 28.300 km2.

Bên cạnh đó là Hợp đồng chia sản phẩm dầu khí Lô 12/11 ký ngày 19/12/2012, tổng vốn đầu tư đăng ký 100 triệu USD với mục tiêu khai thác dầu khí.

Dự án Công ty cổ phần Dịch vụ hàng hải và dầu do Công ty TNHH 'Soges Corporation đầu tư, tổng vốn đầu tư là 50 triệu USD; mục tiêu thăm dò địa chất thềm lục địa, đóng mới giàn khoan, đóng tàu, dịch vụ cầu cảng tại Bà Rịa - Vũng Tàu cũng là dự án có ý nghĩa lớn.

Hiện tại, trong các dự án đầu tư của Nga tại Việt Nam, Liên doanh Dầu khí Vietsopevtro được nhắc tới nhiều nhất như là một điển hình thành công trong hợp tác đầu tư Việt Nam - Liên bang Nga.

Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, hầu hết các dự án của Liên bang Nga tập trung trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, với 37 dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký 1,13 tỷ USD, chiếm 32,7% về số dự án và 57,4% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Với 7 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 581,2 triệu USD, lĩnh vực khai khoáng đứng thứ 2, chiếm 29,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực kinh doanh bất động sảnđứng thứ ba với tổng số vốn đầu tư đăng ký 72,7 triệu USD, chiếm 3,7% tổng vốn đầu tư.

Vốn đầu tư của Liên bang Nga tập trung nhiều nhất vào hình thức 100% vốn nước ngoài với 69 dự án, tổng vốn đầu tư 1,26 tỷ USD, chiếm 61% tổng số dự án và 64,3% tổng vốn đầu tư đăng ký; hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh đứng thứ hai với 4 dự án có tổng vốn đầu tư 381,2 triệu USD, chiếm 19,36% tổng vốn đầu tư đăng ký. Các dự án còn lại đầu tư theo hình thức liên doanh và hình thức công ty cổ phần

Liên bang Nga có dự án đầu tư trên 24 tỉnh, thành phố cả nước. Với dự án 1 tỷ USD, Bình Định dẫn đầu về vốn đầu tư đăng ký của Liên bang Nga tại Việt Nam, chiếm 50,8% tổng vốn đầu tư đăng ký; Dầu khí ngoài khơi đứng thứ hai với 6 dự án có tổng vốn đầu tư là 531,2 triệu USD, chiếm 26,9% tổng vốn đầu tư đăng ký; Hà Nội đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư là 130,7 triệu USD. Tiếp theo là các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Yên, TP.HCM và các địa phương khác.

Tin bài liên quan