Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi: Bỏ Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi: Bỏ Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

(ĐTCK) Chính phủ vừa trình Quốc hội dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) với nhiều quy định mới được kỳ vọng sẽ giảm thiểu chi phí, thời gian để có thể tham gia thị trường của các nhà đầu tư.

Thay Giấy chứng nhận đầu tư bằng thông báo đầu tư

Đổi mới đầu tiên của Dự luật là chuyển từ cơ chế cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCN) thành thông báo đầu tư. Thủ tục cấp GCN quy định trong Luật Đầu tư hiện hành được đánh giá là diện áp dụng quá rộng. Với dự án đầu tư vào hoạt động thương mại, dịch vụ thông thường, yêu cầu cấp GCN là không cần thiết, gây phiền hà, tốn kém.

Bởi vậy, thẩm tra Dự luật, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đồng tình với quy định mới chỉ yêu cầu có GCN trong một số lĩnh vực có điều kiện. Quy định này được áp dụng thống nhất cho cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.

Đối với dự án không thuộc diện cấp GCN, nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục thông báo dự án đầu tư, gồm những nội dung cơ bản về mục tiêu, địa điểm, quy mô, tổng vốn đầu tư, thời hạn dự án, tiến độ thực hiện. Nhà đầu tư chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông báo và phải thực hiện hoạt động đầu tư theo đúng thông báo.

Tuy nhiên, còn nhiều ý kiến cho rằng, thủ tục thông báo đầu tư trong Dự luật về bản chất vẫn là một loại giấy phép, các quy định này chưa thể hiện được bước đột phá về cải cách thủ tục hành chính như mục tiêu sửa đổi Luật.

Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, sửa đổi theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, đồng thời rà soát, loại bỏ những thủ tục không cần thiết, để tạo bước đột phá về thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư.

Với quy định như vậy, đòi hỏi Dự luật phải có một danh mục các lĩnh vực cấm đầu tư và hạn chế đầu tư. Luật hiện hành đã có danh mục này nhưng được xem là quá rộng và thiếu cụ thể. Danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện không xác định rõ căn cứ pháp lý cũng như điều kiện áp dụng đối với từng lĩnh vực.

Hiện Chính phủ đang chỉ đạo rà soát, nhằm tập hợp đầy đủ các quy định về vấn đề này, đồng thời xem xét loại bỏ những quy định bất hợp lý, gây cản trở hoạt động đầu tư. Trên cơ sở kết quả rà soát, Chính phủ sẽ đề xuất danh mục theo hướng danh mục cấm đầu tư sẽ được quy định cụ thể trong Luật, còn danh mục đầu tư có điều kiện sẽ giao Chính phủ ban hành cho phù hợp với thực tế. Để hạn chế việc ban hành tùy tiện, Dự thảo luật đưa vào nguyên tắc: cấm các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND, HĐND các cấp không được ban hành danh mục lĩnh vực cấm đầu tư và đầu tư có điều kiện.

Mở rộng lĩnh vực ưu đãi đầu tư

Một nội dung được quan tâm khác là ưu đãi đầu tư, với Dự luật, lĩnh vực ưu đãi đầu tư được mở rộng thêm các dự án năng lượng mới, năng lượng sạch, các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, sản phẩm cơ khí trọng điểm.

Nhằm đảm bảo tính khả thi, minh bạch và đồng bộ pháp luật, Dự thảo luật nêu rõ tiêu chí xác định dự án được ưu đãi đầu tư thuộc những lĩnh vực chưa được quy định cụ thể trong Luật hiện hành, chẳng hạn, bảo vệ môi trường sinh thái gồm dự án thu gom, tái chế hoặc tái sử dụng chất thải, khí thải…

Về hình thức ưu đãi đầu tư, ngoài ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất..., Dự thảo luật cụ thể hóa các hình thức như vay đầu tư, hỗ trợ đầu tư hoặc cho vay xuất khẩu và bổ sung quy định ưu đãi với doanh nghiệp công nghệ cao.

Góp ý cho Dự thảo luật, một số ý kiến đại biểu trong Ủy ban Kinh tế cho rằng, cần quy định chi tiết các ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực công nghệ mới, sản xuất vật liệu mới, năng lượng sạch. Tuy nhiên, nhìn chung, Ủy ban Kinh tế cho rằng, Luật Đầu tư không thay thế được các luật chuyên ngành về quy định nội dung chi tiết ưu đãi đầu tư, vì vậy, việc chỉ quy định các hình thức ưu đãi như trong Dự thảo luật là phù hợp. 


Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi: Bỏ Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ảnh 1

TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Luật Đầu tư (sửa đổi) sẽ tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường Việt Nam.

Chúng ta đang có xu thế tiến tới sự đãi ngộ bình đẳng giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước, do đó, ngoài một số ngành nghề, lĩnh vực liên quan đến quốc phòng an ninh cần hạn chế nhà đầu tư nước ngoài tham gia, những lĩnh vực còn lại cần mở cửa rộng hơn.

Với hướng tạo môi trường đầu tư thông thoáng và thân thiện hơn, việc bỏ quy định cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giúp nhà đầu tư nước ngoài thấy được đối xử bình đẳng như các DN trong nước và quan trọng hơn, là họ thấy được sự tôn trọng, bảo vệ của nước sở tại trong quá trình đầu tư.

Đối với danh mục cấm đầu tư và hạn chế đầu tư, cần phải rà soát lại những quy định của Luật Đầu tư với Luật Doanh nghiệp, xem những gì DN được phép làm, những gì DN được phép làm nhưng có điều kiện, những gì DN không được phép làm.

Quá trình rà soát phải thống nhất với xu thế mở cửa, đặc biệt là phù hợp với quy định trong Hiến pháp là công dân được phép làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm. Theo đó, cần công bố công khai ngành nghề kinh doanh mà Luật cấm, ngành nghề có điều kiện, những lĩnh vực còn lại thì người dân được quyền tham gia thị trường.

Tin bài liên quan