Du lịch Đà Nẵng “đã đến ngưỡng”, cần phải có sự đột phá nếu muốn lên tầm cao mới

Đà Nẵng đã ở ngưỡng giới hạn của sự phát triển, nếu muốn nâng tầm trở thành một “Sinpapore thứ hai”, thành phố này phải xây dựng quy hoạch gắn với bảo tồn tự nhiên.

Đột phá để lên tầm cao mới

Tại Hội nghị về phát triển du lịch Đà Nẵng trong khuôn khổ Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng diễn ra vào giữa tháng 10/2017, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Tuấn đã có một nhận xét rằng, sự phát triển của du lịch Đà Nẵng “đã đến ngưỡng”, nên cần phải có sự đột phá, nếu muốn lên tầm cao mới.

 Du lịch Đà Nẵng “đã đến ngưỡng”, cần phải có sự đột phá nếu muốn lên tầm cao mới ảnh 1

Đà Nẵng đang nỗ lực để trở thành một ''Singapore thứ hai''. Ảnh: Sơn Đoàn 

Đà Nẵng sẽ tụt hậu so với các điểm cạnh tranh khác nếu tiếp tục đứng yên. Có lẽ, lời nhận xét của Thứ trưởng Tuấn đã “đánh” thẳng vào sự lấn cấn không chỉ đối với lĩnh vực du lịch, mà còn đối với cả mọi mặt về kinh tế, xã hội của TP. Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó tổng giám đốc điều hành Khu nghỉ mát Furama Đà Nẵng - khu nghỉ mát 5 sao đầu tiên trên dải bờ biển “5 sao” của Đà Nẵng cũng cho rằng, sau 20 năm phát triển, Đà Nẵng đã đạt được những thành tựu to lớn cả về kinh tế và xã hội.

Tuy vậy, dường như sự phát triển của Đà Nẵng đã “chạm ngưỡng” và đang đứng ở cái thế lửng lơ giữa sự “nhà quê” và “thành thị”. 

Ông Đỗ Pháp, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Trung Nam Land (Công ty thành viên Trung Nam Group) thì đưa ra những con số đầy thuyết phục: So với năm 2000, diện tích đô thị của Đà Nẵng đã tăng lên gấp 4 -5 lần; hệ thống giao thông hạ tầng đô thị đều được phát triển đồng bộ, có chiều sâu.

Nếu trước năm 2000 Đà Nẵng chỉ có duy nhất cây cầu nối hai nửa thành phố, thì chỉ trong 18 năm qua, hai bên sông Hàn của Thành phố đã được nối với nhau bằng 9 cây cầu hiện đại.

Sự phát triển của du lịch Đà Nẵng “đã đến ngưỡng”, nên cần phải có sự đột phá, nếu muốn lên tầm cao mới.

Cùng với chiến lược liên kết hai nửa thành phố bằng kệ thống hạ tầng hiện đại, Thành phố cũng có những bước nhảy vọt với những con đường rộng đẹp khang trang như đường Nguyễn Tất Thành, đường Điện Nam - Điện Ngọc.

Cùng với sự cải thiện hệ thống hạ tầng, các khu nghỉ dưỡng - khách sạn đẳng cấp cũng tiếp bước xuất hiện. Và dù đã có những bước phát triển vượt bậc, nhưng vẫn có khá nhiều ý kiến cho rằng, mục tiêu phát triển để trở thành “một Singapore mới” có lẽ là khá xa vời.

Bởi lẽ, để có được bước nhảy vọt như vậy, ngoài sự đồng lòng của toàn dân, sự đồng thuận của các cấp chính quyền, thì Đà Nẵng còn cần một quy hoạch cực kỳ khoa học và một nguồn lực khổng lồ.

“Đà Nẵng có đủ thiên thời, địa lợi và nhân hòa. Vì thế, Đà Nẵng sẽ phát triển lên tầm cao mới”, ông Đỗ Pháp tin tưởng.

Quy hoạch gắn với bảo tồn

Cũng theo ông Đỗ Pháp, Đà Nẵng giờ đây cần nhìn nhận lại chặng đường phát triển, nghiên cứu, bổ sung, chỉnh lý hoàn thiện về mặt quy hoạch để phù hợp với bối cảnh mới.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Hào Hiệp, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc First Real cho rằng, quỹ đất Đà Nẵng đã không còn nhiều, do vậy, Thành phố cần đánh giá lại và điều chỉnh sao cho quỹ đất đươc sử dụng hợp lý, hiệu quả. Đặc biệt, phải đảm bảo quỹ đất sẵn có dành cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp có năng lực khi họ đến với Đà Nẵng.

Ông Trương Sỹ Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn Thiết kế xây dựng Phúc Hoàng Ngọc nhận định, mặc dù có những thành tựu nổi bật, nhưng quy hoạch của Đà Nẵng vẫn chưa thoát ra được sự cục bộ.

Đặc biệt đối với những vị trí được thiên nhiên ưu đãi như sông, núi, biển… Cùng với đó là tình trạng xé nhỏ đất để phân lô bán nền khiến không gia tăng được giá trị bất động sản.

“Giá trị đất hiện nay đang không phụ thuộc và sự đồng bộ hạ tầng, mà phụ thuộc vào việc đầu cơ mua qua bán lại. Đến một lúc nào đó sự tăng giá trị này cũng sẽ dừng lại. Do vậy Đà Nẵng cần phải phát triển những dự án lớn, đồng bộ về hạ tầng, đầy đủ về tiện ích để tạo điểm nhấn quy hoạch và thương hiệu riêng cho Đà Nẵng, khiến cho mỗi người khi nói đến Đà Nẵng là nghĩ ngay đến dự án đó. Có như vậy thì giá trị bất động sản Đà Nẵng mới nâng cao được giá trị thật sự của nó”, ông Bình nói.

Ngoài ra, ông Bình còn cho rằng, Thành phố cần phải chuyển đổi sang định hướng xây dựng quy hoạch đi kèm với công tác bảo tồn tự nhiên - giống như mô hình của Singapore đang áp dụng.

“Với địa hình có nhiều nét tương đồng với Singapore, Đà Nẵng nên tham khảo mô hình “phố trong rừng” của họ. Với hướng đi này, Thành phố nên theo định hướng xã hội hóa bằng cơ chế hợp lý, nhưng phải giám sát chặt chẽ để nhà đầu tư tuyệt đối tuân thủ định hướng quy hoạch”, ông Bình góp ý.

Ông Nguyễn Đức Tâm, Phó tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam đưa ra ý kiến: “Đô thị hóa lồng ghép với bảo tồn thiên nhiên địa phương là mô hình rất điển hình ở Nhật Bản, Singapore… xây dựng quy hoạch trên cơ sở bám sát vào điều kiện và địa hình tự nhiên, nên đảm bảo được sự phát triển hài hòa, bền vững.

Huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng có lợi thế là quỹ đất lớn chưa được khai thác, địa hình có dốc, đồi núi và cây cối tự nhiên… Nếu thay vì san phẳng phân lô bán nền để ăn sổi như hiện nay, mà giữ nguyên hiện trạng xây dựng nên những khu compound (khu dân cư biệt lập có chất lượng sống cao và an ninh được chủ đầu tư đảm bảo tuyệt đối) thì sẽ nâng giá trị của cả khu vực”.

Tin bài liên quan