Dự báo sớm kinh tế Việt Nam năm 2016

Dự báo sớm kinh tế Việt Nam năm 2016

(ĐTCK) Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, kinh tế trong nước đang đứng trước nhiều khó khăn, bất lợi riêng, dư địa giảm lãi suất rất hạn chế. 

Điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng mở rộng sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp cũng như hoạt động đầu tư của khối doanh nghiệp vào nền kinh tế.

Đứng trước nhiều khó khăn

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2016 được các tổ chức quốc tế dự báo chỉ ở mức tương đương với năm 2015. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay đạt 3,2%, trong khi mức tăng trưởng năm 2015 là 3,1%. Các tổ chức quốc tế cũng liên tục điều chỉnh giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong những dự báo gần đây, bởi có nhiều dấu hiệu cho thấy tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển đã chạm đỉnh, trong khi các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển vẫn chưa thoát đáy.

Với mức giá dầu thấp như hiện nay, khoảng 35 USD/thùng, nhiều tính toán cho rằng, chúng ta có khả năng phải giảm sản lượng khoảng 1,5 triệu tấn trong năm 2016, qua đó tác động đến tăng trưởng của ngành công nghiệp.

Nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi rất chậm do ảnh hưởng của sự suy giảm của kinh tế Trung Quốc và đà giảm của giá dầu thô. Theo đó, sự suy giảm tăng trưởng của nền kinh tế đứng thứ hai thế giới cũng như các nền kinh tế mới nổi đã gây ảnh hưởng lớn đến nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng, qua đó ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Giá dầu giảm cũng là nguyên nhân khiến kinh tế thế giới phục hồi chậm, bởi theo đánh giá của IMF, những nước xuất khẩu dầu chủ yếu thuộc nhóm các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển chiếm đến 12% GDP toàn cầu. Như vậy, diễn biến kinh tế thế giới trong năm 2016 và những năm tiếp theo sẽ phụ thuộc chủ yếu vào sự hồi phục của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, nhất là Trung Quốc và tốc độ tăng của giá dầu thế giới.

Đối với nền kinh tế trong nước, ngay từ những tháng cuối năm 2015 và đầu năm 2016, lĩnh vực sản xuất nói chung và lĩnh vực nông nghiệp nói riêng đã phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi. Tốc độ tăng trưởng năm 2015 của khu vực nông nghiệp đã giảm xuống mức 2,03% so với mức 2,6% trong năm 2014. Sang năm 2016, khu vực kinh tế nông nghiệp dự báo sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn bởi tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, xâm nhập mặn, hạn hán kéo dài, giá nông sản thế giới tiếp tục giảm, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp. Đây chính là những yếu tố khiến khu vực nông nghiệp tăng trưởng âm 2,69% trong quý I vừa qua.

Giá dầu thế giới thấp cũng gây ảnh hưởng trực tiếp đến lĩnh vực khai khoáng của Việt Nam (lĩnh vực khai khoáng chiếm 9,61% GDP đã có mức tăng trưởng âm 1,2% trong quý đầu năm 2016. Nhìn chung, với mức giá dầu thấp như hiện nay, khoảng 35 USD/thùng, nhiều tính toán cho rằng, chúng ta có khả năng phải giảm sản lượng khoảng 1,5 triệu tấn trong năm 2016, qua đó tác động đến tăng trưởng của ngành công nghiệp.

Chỉ số PMI ngành sản xuất của Việt Nam cũng cho thấy, mức độ cải thiện thấp của tổng cung khi chỉ số này dù tăng nhẹ trong những tháng đầu năm 2016, nhưng nhìn chung thấp hơn so với năm 2015.

TS. Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia 

Tăng trưởng GDP có thể suy giảm

Về phía tổng cầu, mức độ cải thiện của tổng cầu trong quý I/2016 cũng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, cầu tiêu dùng trong nước quý I/2016 tăng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I/2016 tăng 7,9% so cùng kỳ năm trước, quý I/2015 tăng 9,2%). Cầu đầu tư quý I cũng có mức cải thiện thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015 bởi đầu tư của khu vực Nhà nước giảm, từ 11,6% GDP trong quý I/2015 xuống 11,4% trong quý I/2016. Kim ngạch xuất khẩu quý I/2016 tăng 4,1% so cùng kì năm trước, thấp hơn mức 6,9% của cùng kỳ 2015.

Sự suy giảm này có nguyên nhân chủ yếu là xuất khẩu dầu thô giảm cả về giá (giảm 32,8%) và sản lượng (giảm 19,8%), kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng điện tử, máy tính và điện thoại tăng chậm lại so với cùng kỳ năm 2015 (10,5% so với 34,7%).

Kết hợp những yếu tố trên cho thấy, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2016 sẽ thấp hơn năm 2015, bởi cả tổng cung và tổng cầu của nền kinh tế năm 2016 đều có mức độ cải thiện thấp hơn năm 2015.

Phân tích chu kỳ kinh tế dựa trên dựa trên chỉ số kinh tế dẫn báo tổng hợp (Composite Leading Indicators) của Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy, tổng cầu của nền kinh tế (tăng trưởng ngắn hạn) đã đạt đỉnh chu kỳ vào quý II/2015 và bắt đầu rơi vào trạng thái điều chỉnh trong ngắn hạn (kéo dài tối thiểu khoảng 4 quý). Tính toán chỉ số kinh tế dẫn báo tổng hợp tại thời điểm cuối quý I/2016 cũng dự báo xu hướng giảm tổng cầu sẽ tiếp tục trong những tháng tới. 

Song, kết hợp chỉ số kinh tế dẫn báo tổng hợp với phân tích xu thế tăng trưởng dài hạn cho chúng tôi thấy, xu thế tăng trưởng dài hạn (tiềm năng tăng trưởng) của nền kinh tế Việt Nam vẫn đang tiếp tục duy trì xu hướng đi lên. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn đang giảm tốc chủ yếu do chịu tác động của yếu tố chu kỳ kinh tế như nêu trên. Vì vậy, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2016 dù không cao nhưng cũng không thấp hơn quá nhiều so với năm 2015.

Nhìn một cách tổng thể, kinh tế vĩ mô của Việt Nam năm 2016 sẽ còn nhiều khó khăn, nợ công hiện đã chạm ngưỡng cho phép (65% GDP); cân đối ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn, bội chi ngân sách nhà nước năm 2016 vẫn ở mức cao (khoảng 5% GDP); lạm phát được kiềm chế ở mức thấp trong năm 2015 (0,63%) và không phải chịu sức ép lạm phát cầu kéo quá lớn. Lạm phát cơ bản, phản ánh sức ép đối với lạm phát từ việc gia tăng tổng cầu cũng giữ xu hướng giảm từ đầu năm 2015 đến hết quý I/2016 (ngoại trừ tháng 2/2016).

Từ cuối năm 2015 đến hết quý I/2016, lạm phát tổng thể tăng chủ yếu do điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giáo dục (quý I/2016 tăng tương ứng 35,23% và 4,54% so cùng kỳ năm trước) và tăng giá nhà ở và vật liệu xây dựng (quý I/2016 tăng 2,19% so cùng kỳ năm trước), nhưng qua năm 2016 đang có biểu hiện tăng cao hơn nhiều (khoảng 3 - 3,5%).

Điều này sẽ làm cho khả năng giảm lãi suất là rất hạn chế, gây ảnh hưởng đến khả năng mở rộng sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp cũng như khả năng tăng vốn đầu tư của doanh nghiệp vào nền kinh tế; xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu nông sản còn khó khăn do tình hình hạn hán và nhiễm mặn phát sinh đang ngày càng gay gắt, nhất là ở các khu vực Tây Nguyên và Tây Nam Bộ.

Dự báo sớm kinh tế Việt Nam năm 2016 ảnh 2

  Giá dầu thô giảm sâu tiếp tục tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới và Việt Nam không nằm ngoài ảnh hưởng đó

Tuy nhiên, nền kinh tế của nước ta vẫn còn đó những thuận lợi cơ bản. Các hiệp định thương mại song phương cũng như các hiệp định thương mại thế hệ mới (TPP) sẽ tạo cho nền kinh tế Việt Nam những lợi thế nhất định, góp phần nâng cao tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.

Ngoài ra, cơ chế tỷ giá mới sẽ giúp Việt Nam linh hoạt hơn trước các biến động của thị trường quốc tế. Kinh tế vĩ mô trong năm 2016 được dự báo sẽ tiếp tục ổn định, tạo nền tảng quan trọng cho nền kinh tế tiếp tục phát triển.

Tổng hợp lại những yếu tố trên cho thấy, có thể không đạt mức tăng trưởng cao như năm 2015, nhưng tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn có khả năng đạt từ 6,3 - 6,5% trong năm 2016.

TS. Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia
Tin bài liên quan