Dự án Thoát nước Hà Nội giai đoạn II: 540 “cái gai” cản trở

UBND TP. Hà Nội giao nhiệm vụ cụ thể cho từng quận, huyện có Dự án Thoát nước giai đoạn II đi qua, với mục tiêu phải hoàn thành giải phóng mặt bằng trong tháng 4/2015. Song để đạt mục tiêu này, Hà Nội cần phải xử lý dứt điểm hàng núi công việc.

Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn II được triển khai từ năm 2006

Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn II được triển khai từ năm 2006

540 “cái gai” cản trở Dự án

Dự án Thoát nước Hà Nội giai đoạn II được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 4315/QĐ-UBND ngày 28/9/2006. Nguồn vốn đầu tư cho dự án này là vốn ODA vay ưu đãi của Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) và vốn đối ứng trong nước. Trong đó, vốn vay của JBIC là 26,852 tỷ yên, chiếm 75,43% tổng mức đầu tư. Nguồn vốn này dùng cho chi phí xây dựng, mua sắm thiết bị, dịch vụ tư vấn thiết kế. Vốn đối ứng trong nước được sử dụng cho đền bù giải phóng mặt bằng, chi phí cho Ban quản lý dự án (BQLDA), thuế nhập khẩu thiết bị.

Hiệp định vay vốn kéo dài đến hết năm 2015, tức là Dự án phải hoàn thành trong năm nay, nếu không thì sẽ không được giải ngân. Do vậy, từ nay đến cuối năm, dự án này phải tăng tốc tiến độ.

Theo báo cáo của BQLDA, vướng mắc lớn nhất của Dự án vẫn là vấn đề giải phóng mặt bằng. Tổng diện tích thu hồi đất của dự án khoảng 311,19 ha, liên quan đến 8.991 trường hợp giải tỏa. Tính đến nay, công tác giải phóng mặt bằng đã đạt 94% và vẫn còn tới 540 trường hợp chưa xong. Đây thực sự là những cái gai cản trở Dự án.

Lý giải nguyên nhân chậm giải phóng mặt bằng, ông Đào Duy Cường, Phó giám đốc BQLDA cho biết, do công tác quản lý đất đai đã bị buông lỏng trong một thời gian dài, để nhiều hộ dân lấn chiếm, rồi họ còn mua đi bán lại trao tay, hồ sơ giấy tờ không có, nên rất khó xác định chủ lô đất.

Một bất cập nữa, theo cán bộ BQLDA, trước đây, nhiều đơn vị được giao đất, nhưng diện tích chỉ “ước chừng”, chứ không đo đạc chính xác, nên khi kiểm tra thực tế, phần thì thiếu hụt, phần thì dôi ra so với khai báo.

Bên cạnh đó, chính sách về đất đai luôn thay đổi, mức tính đền bù cũng khác nhau trong các thời kỳ và mức đền bù thường có xu hướng tăng, nên một số hộ dân có tâm lý chây ỳ với hy vọng hưởng lợi hơn.

Mặc dù BQLDA khẳng định, chậm tiến độ là do vướng trong giải phóng mặt bằng, nhưng theo phản ánh của một số người dân khu vực Dự án, việc thi công cũng rất ì ạch. Ông Nguyễn Văn Huấn, Tổ trưởng Tổ dân phố 23, phường Phương Mai (quận Đống Đa), nơi có một đoạn mương của Dự án đi qua cho biết, khu vực Dự án tại phường này tiến độ rất chậm, mặc dù mặt bằng đã được bàn giao từ rất sớm. Đoạn mương thuộc phường Phương Mai theo kế hoạch phải xong trong năm 2014, nhưng đã phải “gia hạn” đến hết năm 2015.

Có thể hoàn thành giải phóng mặt bằng trong tháng Tư?

Để đẩy nhanh giải phóng mặt bằng Dự án Thoát nước Hà Nội giai đoạn II, mới đây, lãnh đạo Thành phố đã có cuộc họp với BQLDA và ngày 20/3, Văn phòng UBND TP. Hà Nội đã ra Thông báo số 78/TB-VP về kết luận của Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng.

Tại Kết luận này, Thành phố đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng quận, huyện có dự án đi qua. Theo đó, UBND quận Ba Đình phải hoàn thiện và phê duyệt phương án cưỡng chế, tổ chức thực hiện đối với các hộ dân không bàn giao mặt bằng, đặc biệt là 3 hộ dân trước đình Đại Yên thuộc hạng mục tuyến mương T2C. Sở Xây dựng và Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội chịu trách nhiệm đảm bảo nhà tái định cư để các hộ dân chuyển đến đến ở.

Với quận Hai Bà Trưng, Thành phố yêu cầu rà soát, trả lời đơn thư và lập phương án, tổ chức cưỡng chế 6 hộ dân không bàn giao mặt bằng thuộc hạng mục sông Sét.

Quận Cầu Giấy thì có trách nhiệm vận động 6 hộ còn lại chấp hành phương án giải phóng mặt bằng, nếu không chấp hành thì có ngay phương án cưỡng chế. Quận Tây Hồ phải giải quyết dứt điểm 24 hộ bị cắt xén nhà đất.

UBND quận Thanh Xuân,  phải khẩn trương tổ chức cưỡng chế 137 hộ thuộc hạng mục hồ Khương Trung và mương Kim Giang T8A, đẩy nhanh giải phóng mặt bằng 10 phương án còn lại.

Quận Đống Đa phải giải tỏa toàn bộ chợ quần áo cũ và phần đất công thuộc hạng mục đường dọc sông Lừ. Ngoài ra, phải giải tỏa 97 hộ dân thuộc các hạng mục kênh mương không chấp hành giải phóng mặt bằng sau 3 lần thông báo.

Địa bàn phải giải phóng mặt bằng nhiều nhất là Hoàng Mai, với 168 phương án thuộc hạng mục đường dọc sông và 217 phương án liên quan đến các tuyến kênh, mương, hồ.

Với huyện Thanh Trì, nhiệm vụ khá nhẹ nhàng, khi chỉ cần chờ được duyệt giá đất là có thể tiến hành đền bù các phương án dọc tuyến hạ lưu sông Kim Ngưu.

Về tiến độ, với các quận, huyện ít phương án giải tỏa, Thành phố yêu cầu phải hoàn thành ngay. Với các quận có nhiều phương án phải giải tỏa, như Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàng Mai, thì phải hoàn thành giải phóng mặt bằng và bàn giao trong tháng 4/2015.

Quyết tâm của Hà Nội là rất đáng ghi nhận, tuy nhiên, việc 540 phương án giải tỏa phải hoàn thành trong hơn 1 tháng là không dễ. Thực tế, trong hơn 8 năm thực hiện dự án này (từ cuối 2006), Hà Nội giải phóng mặt bằng được 8.451 trường hợp, tức là chỉ giải phóng được bình quân 85 trường hợp/tháng.

Tin bài liên quan