Dự án FDI tại Đồng Nai đã qua thời gian thăm dò thị trường

Nhiều dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) quy mô lớn ở Đồng Nai thời gian gần đây liên tục tăng vốn đầu tư, mở rộng sản xuất. Tuy phần nhiều là dự án trong lĩnh vực dệt may, nhưng cũng tạo sự lan tỏa, thúc đẩy sản xuất, thu hút thêm nhiều lao động...
Dự án FDI tại Đồng Nai đã qua thời gian thăm dò thị trường

Thông tin mới nhất mà phóng viên Báo Đầu tư có được, hiện có 31 dự án FDI quy mô vốn đăng ký trên 100 triệu USD đang hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các khu công nghiệp của tỉnh Đồng Nai với tổng vốn đăng ký hơn 7 tỷ USD và số vốn đã giải ngân hơn 5,3 tỷ USD.

“Mặc dù phải giải ngân lượng vốn lớn, nhưng các dự án này triển khai đúng tiến độ đăng ký và đang sản xuất ổn định”, ông Mai Văn Nhơn, Phó trưởng ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai nhận xét và cho biết, các dự án chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất vải, dệt vải, chế biến nông sản, thức ăn chăn nuôi, sản xuất giày dép, khuôn mẫu...

Đáng mừng là, qua báo cáo của doanh nghiệp, kết quả thanh, kiểm tra của cơ quan chức năng thời gian qua cho thấy, các dự án này đều triển khai đúng mục tiêu hoạt động quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư. Đáng chú ý, nhiều dự án đã tăng vốn đầu tư, mở rộng sản xuất trong thời gian gần đây.

Đơn cử, dự án của Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa (Khu công nghiệp Nhơn Trạch III) có mục tiêu hoạt động sản xuất sợi nhân tạo, hạt polyester; xe, dệt, nhuộm, hoàn tất, chế biến sợi; kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp... Trong năm nay, doanh nghiệp đã tăng vốn thêm hơn 59 triệu USD, đưa tổng vốn đăng ký lên hơn 1,3 tỷ USD.

Hay dự án của Công ty TNHH Hyosung Việt Nam (Khu công nghiệp Nhơn Trạch V), có mục tiêu hoạt động sản xuất sợi mảnh vải và các loại sợi như spandex, nylon, polyester; sản xuất sợi Stell Tire Cord; sản xuất sợi Bead wire... Trong năm nay, Hyosung Việt Nam cũng quyết định tăng vốn thêm 53 triệu USD, đưa tổng vốn đăng ký lên hơn 995 triệu USD.

Một dự án khác là của Công ty TNHH Formosa Taffeta Đồng Nai, mới đây đã tăng vốn gần 38 triệu USD, đưa tổng vốn đăng ký lên hơn 169 triệu USD. Dự án này có mục tiêu hoạt động sản xuất các loại vải thành phẩm, sợi và chỉ màu; sản xuất các loại vải chịu nhiệt...

Điều dễ nhận thấy là, phần lớn dự án tăng vốn từ đầu năm tới nay hoạt động trong lĩnh vực dệt may. Theo ông Nhơn, đây là các dự án hoạt động khá hiệu quả, có số lao động khá lớn và việc đầu tư mở rộng sản xuất là động thái đón đầu thuận lợi khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết.

Ngoài ra, theo Ban quản lý khu công nghiệp Đồng Nai, hiện có một số dự án FDI quy mô lớn đang trong giai đoạn triển khai đầu tư mở rộng, nhưng có sức lan tỏa lớn, tạo sức hút đối với các lĩnh vực mà địa phương đang tập trung thu hút đầu tư là dự án công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, thân thiện môi trường...

Điển hình là trường hợp Công ty TNHH Bosch Việt Nam, mới đây đã được trao Giấy chứng nhận dự án công nghệ cao. Cùng lúc, doanh nghiệp này khai trương Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển (R&D) công nghệ ô tô tại TP.HCM. Trước đó, tháng 11/2013, Bosch đã quyết định đầu tư thêm 208 triệu USD cho nhà máy tại Khu công nghiệp Long Thành. Số vốn đầu tư này nhằm mở rộng, tăng công suất dây chuyền sản xuất dây truyền lực dùng cho hộp số tự động biến đổi liên tục, đưa tổng vốn đầu tư của Bosch tại Đồng Nai lên hơn 340 triệu USD. Tuy nhiên, quan trọng hơn, cùng với khoản đầu tư này, doanh nghiệp đã hợp tác với Trường Cao đẳng Nghề Lilama 2 để thực hiện chương trình đào tạo cho học viên với mục tiêu đào tạo ra công nhân kỹ thuật cao, đáp ứng nhu cầu về lao động có tay nghề đang ngày càng tăng.

Những tác động của doanh nghiệp FDI có quy mô lớn đã khá rõ, tuy nhiên khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nhơn cho rằng, tại các khu công nghiệp nằm ở vị trí trung tâm, thuận lợi để thu hút các dự án quy mô lớn, thì quỹ đất không còn nhiều; nguồn lao động có trình độ cao còn thiếu; các dự án công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển đủ mạnh... là những rào cản thu hút các dự án FDI lớn vào Đồng Nai.

“Trong giai đoạn đầu, các doanh nghiệp thường đầu tư chưa lớn để thăm dò thị trường, sau đó mới đầu tư tăng vốn, mở rộng sản xuất nhưng theo quy định của pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp, thì các phần đầu tư mở rộng chưa được quy định rõ và hướng dẫn cụ thể để được hưởng các ưu đãi”, ông Nhơn nói và đề xuất, cần sớm có chính sách ưu đãi riêng thích hợp cho các dự án FDI có vốn đầu tư lớn, bởi các dự án này có sự ảnh hưởng rất lớn đến việc thu hút đầu tư vào Đồng Nai và cả nước.

Tin bài liên quan