Ủng hộ việc làm đường, nhưng băn khoăn tái định cư
Tại cuộc họp, đại diện Ban Quản lý dự án đã thông tin với người dân về dự án. Theo đó, Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục theo chỉ giới đường đỏ đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt trước đó, với chiều dài 2.274 m, mặt cắt ngang 50m, có 2 cầu vượt trực thông theo hướng đường Vành đai 1 tại các nút Giảng Võ - Láng Hạ và nút Nguyễn Chí Thanh.
Đồng thời, đầu tư xây dựng hạng mục bãi đỗ xe, cây xanh ở dải đất giữa đường Vành đai 1 và đường Đê La Thành hiện tại - đoạn Hoàng Cầu đến Láng Hạ với diện tích khoảng 6.083 m2.
Thời gian thực hiện dự án từ năm 2017 - 2020 với tổng mức đầu tư 7.779,3 tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách TP. Hà Nội và các nguồn hợp pháp khác.
Như vậy, so với quy hoạch từ năm 1999, toàn bộ đoạn phố này sẽ bị giải tỏa trắng. Các hộ dân mặt đường sẽ bị giải tỏa để làm bãi đỗ xe, cây xanh. Đại diện Ban Quản lý cho biết theo quy hoạch chung thì khu vực này là cây xanh, bãi đỗ xe nhưng hiện quy hoạch chi tiết thì còn nghiên cứu.
Đối với khu vực bị giải tỏa để làm đường Vành đai 1, các hộ dân cơ bản ủng hộ chủ trương làm đường. Tuy nhiên, điều người dân quan tâm là các quyền lợi, giá bồi thường, các hỗ trợ khác và tái định cư.
Theo quy đường Vành đai 1, các hộ dân bên dãy lẻ đường La Thành cơ bản sẽ phải di dời. Ảnh: Hoàng Cầu
Theo Văn bản số 989/UBNT-ĐT của UBND TP Hà Nội về việc bố trí quỹ nhà tái định cư của dự án, đối với địa bàn thuộc quận Đống Đa (nằm trong đoạn đường Hoàng Cầu – Láng Hạ), nhu cầu tái định cư là 900 căn, TP. Hà Nội bố trí dự phòng thêm 46 căn, trong đó có 408 căn ở Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm; 388 căn ở tại Khu đô thị Nam Trung Yên và 150 căn ở Trung Hòa, Cầu Giấy.
Một số hộ dân e ngại việc tái định cư quá xa so với vị trí ở trung tâm hiện tại.
Hộ bà Nguyễn Thịnh cho rằng, dân ủng hộ chủ trương làm đường, phải vào chung cư ở đã là khó khăn rồi, nên đề nghị đền bù cho xứng đáng, tương xứng giá thị trường và tái định cư gần nội đô, không đẩy dân ra vành đai ngoài để đảm bảo sinh hoạt đời sống, nơi ăn ở học hành cho con cái.
Phản đối dự ãn bãi đỗ xe, cây xanh
Trong khi người dân ủng hộ chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 1, thì về hạng mục đầu tư xây dựng hạng mục bãi đỗ xe, cây xanh ở dải đất giữa đường Vành đai 1 và đường Đê La Thành hiện tại - đoạn Hoàng Cầu đến Láng Hạ lại gặp phải sự phản đổi của người dân có nhà trong diện bị giải tỏa.
Năm 2017, khi có thông tin về quy hoạch đường Vành đai 1 đã được thay đổi so với quy hoạch được phê duyệt từ năm 1999, các hộ dân trên mặt phố La Thành đoạn từ ngã tư Hoàng Cầu đến ngã tư Láng Hạ - Giảng Võ đã đồng loạt gửi đơn thư khiếu nại nhiều cấp lãnh đạo và căng băng rôn với nội dung phản đối việc giải tỏa đoạn mặt phố sầm uất này để làm bãi đỗ xe, cây xanh.
Ông Chu Quốc Cầu, một hộ dân trong khu vực này khẳng định, các hộ dân không đồng tình với việc gọi tuyến phố sầm uất này là đất xen kẹt, là giải đất. Các hộ dân ở mặt phố đã sinh sống ở đây nhiều chục năm, gia đình nhiều thế hệ, nhà đất của họ có sổ đỏ, được cấp phép xây dựng.
Trên đoạn phố này có 23 doanh nghiệp, hàng trăm cửa hàng kinh doanh, các hộ dân ở đây đều là dân lao động sinh sống nhờ vào việc kinh doanh bám đường.
“Người dân ủng hộ chủ trương đúng đắn là làm đường, nhưng chúng tôi không đồng thuận với việc lấy nhà đất của dân làm bãi đỗ xe, cây xanh. Mất đi nguồn mưu sinh, chúng tôi dựa vào đâu mà sống?”, ông Cầu nói.
Cũng theo ông Cầu, trong 10 năm qua, ngay trong khu vực đoạn đường này đã từng có 2 dự án bãi đỗ xe. Hai bãi đỗ xe này đã khởi công, nhưng sau đó vẫn không có bãi đỗ xe. Một bãi đỗ xe thành chung cư cao tầng, một bãi đỗ xe thành nhà hàng.
“Bây giờ Thành phố lại quyết định phá một tuyến phố để làm bãi đỗ xe, đẩy người dân vào tình cảnh khó khăn”, ông Cầu bức xúc và cho biết, theo quy định tại Điều 62, Luật Đất đai 2013, dự án này thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh, nhưng trương trường hợp này UBND TP. Hà Nội chưa lấy ý kiến HĐND Thành phố.
Một vấn đề nữa cũng bị nhiều người dân tham gia cuộc họp phản ứng là việc lấy ý kiến người dân. Theo họ, chỉ khi thông tin về dự án được đăng tải trên báo chí họ mới biết về việc quy hoạch đã thay đổi. Người dân không được tham khảo ý kiến, nhưng các báo cáo lại vẫn thể hiện là người dân đồng thuận.
Bà Phạm Thị Ngà, một người dân trong khu vực cho rằng, 139 hộ dân mặt đường đã có đơn thư khiếu nại gửi tới Thủ tướng Chính phủ và Văn phòng Chính phủ đã có văn bản chuyển tiếp giao UBND TP. Hà Nội kiểm tra, giải quyết và báo cáo kết quả.
Tuy nhiên, hiện UBND TP. Hà Nội chưa có văn bản trả lời. Theo bà Ngà, khi đang có khiếu kiện chưa giải quyết thì không thể tổ chức lấy ý kiến nhân dân.
Ghi nhận ý kiến các hộ dân, ông Phạm Văn Viên, Chủ tịch UBND phường Ô Chợ Dừa cam kết, sẽ báo cáo đầy đủ ý kiến của người dân. Theo đó, các hộ dân mặt đường phản đối việc thu hồi nhà đất để làm bãi đỗ xe. Các hộ dân trong diện giải tỏa để làm đường Vành đai 1 đồng thuận, nhưng yêu cầu đền bù giải tỏa, tái định cư... đảm bảo cuộc sống người dân.