Phú Quốc hội tụ đầy đủ các điều kiện để phát triển thành đặc khu kinh tế (Trong ảnh: Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc)

Phú Quốc hội tụ đầy đủ các điều kiện để phát triển thành đặc khu kinh tế (Trong ảnh: Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc)

Đột phá chính sách “làm tổ cho chim phượng hoàng”

(ĐTCK) “Muốn bắt chim phượng hoàng phải làm tổ, đồng nghĩa với những cơ chế chính sách mới đột phá, sáng tạo cho từng đặc khu kinh tế”, ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán xung quanh Dự thảo Luật Đặc khu hành chính đang được khẩn trương xây dựng để có thể trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm nay. 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang gấp rút xây dựng Dự thảo Luật Đặc khu hành chính, song song với đó, 3 tỉnh thực hiện thí điểm mô hình này cũng được yêu cầu tích cực tham gia xây dựng dự Luật. Ông có thể cho biết tiến độ ra chính sách mới, thưa ông?

Cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Kiên Giang với mô hình thí điểm đặc khu kinh tế tại Phú Quốc cũng đang tập trung nghiên cứu, tập hợp các kinh nghiệm của các đặc khu kinh tế trên thế giới để đề xuất với Chính phủ.

Dự kiến đến tháng 8 sẽ hoàn thiện bản kiến nghị gửi lên Chính phủ để có thể đưa vào Dự thảo Luật trong tháng 10, kịp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và được Quốc hội đưa vào chương trình họp cuối năm. Với tiến độ như vậy, chúng tôi kỳ vọng, tại kỳ họp tháng 5/2018, Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự Luật này. 

Trong Dự thảo Đề án phát triển đặc khu kinh tế Phú Quốc, nhiều ý tưởng ban đầu đã được Tỉnh đặt ra. Ông có thể chia sẻ đôi điều?

Phú Quốc thực sự hội tụ đầy đủ các điều kiện lý tưởng nhất để phát triển một đặc khu kinh tế. Mong muốn của chúng tôi là tạo ra các sản phẩm, dịch vụ du lịch độc đáo.

Chúng tôi rất tâm huyết với ý tưởng xây dựng một trung tâm tài chính chuyên biệt tại Đảo Ngọc. Hiện các trung tâm tài chính trên thế giới như Singapore, Hồng Kông đang quá tải, là điều kiện tốt cho Việt Nam nếu chúng ta thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao về đây.

Ông Phạm Vũ Hồng 

Ngoài ra, Phú Quốc cũng rất phù hợp để phát triển các Trung tâm Y tế nghỉ dưỡng quốc tế, có thể thu hút được nguồn ngoại tệ lớn từ các du khách quốc tế, đối tượng người già có thu nhập cao về hưu ở các nước phát triển, hay các phân khúc khách Việt trong nước có nhu cầu ra nước ngoài khám chữa bệnh…

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, chúng ta cần có nhiều sản phẩm, dịch vụ hơn để du khách lưu trú và tiêu dùng ở Phú Quốc nhiều hơn. Hiện nay, thời gian lưu trú của du khách ở Phú Quốc mới đạt trung bình 2 ngày, các dịch vụ rất ít, khách đến và để họ quay lại, cần rất nhiều đổi mới nữa.

Chưa trở thành đặc khu kinh tế, Phú Quốc đã bùng nổ đầu tư, trở thành thỏi nam châm hút vốn, đóng góp nguồn thu ngân sách lớn cho Tỉnh. Có điều gì cần lưu ý trong sự chuyển động này, thưa ông?

Đúng là GDP mấy năm qua của Phú Quốc đều đạt trên 20%, năm ngoái, thu ngân sách của Tỉnh đạt trên 2.000 tỷ đồng, trong đó có một nửa từ tiền sử dụng đất.

Vấn đề cần lưu ý, đây là nguồn thu một lần, để phát triển bền vững, cần phải tính đến các nguồn thu dịch vụ dài hạn khác. Muốn vậy, chắn chắn phải phát triển Phú Quốc trở thành đặc khu.

Phú Quốc đi đầu trong 3 đặc khu (Vân Đồn, Vân Phong) nên đón đầu được các cơ hội, quan trọng là tạo ra cơ chế chính sách mới đột phá, sáng tạo.

Ở những thiên đường du lịch khác trong khu vực đang báo động về nhiều vấn đề như ô nhiễm môi trường, an ninh trật tự…, Phú Quốc đã tính đến những bài toán này hay chưa?

Đó là những vấn đề luôn được quan tâm hàng đầu, bên cạnh những chính sách đột phá thu hút các nhà đầu tư.

Hiện trên Đảo Ngọc đã triển khai một số dự án xử lý rác thải. Chúng tôi cũng đặt ra những yêu cầu cao về bảo vệ môi trường, cũng như đảm bảo an ninh trật tự.

Theo nhiều nghiên cứu, cứ tăng 1% GDP là tăng 1% tội phạm. Vậy làm sao phòng ngừa và trấn áp được tội phạm, để Phú Quốc luôn là điểm đến an toàn, là bài toán cũng được chúng tôi đặt ra.

Với mô hình đặc khu kinh tế, Phú Quốc lường trước khả năng tăng dân số tại Đảo Ngọc sẽ như thế nào, liệu có chính sách gì để khuyến khích thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đến đây như đã đề cập ở trên, thưa ông?

Khi Phú Quốc phát triển, chắc chắn sẽ dẫn tới việc tăng dân số cơ học.

Hiện dân số tại Đảo Ngọc là hơn 100.000 người, theo quy hoạch đến 2030, dân số tại đây là 550.000 người.

Có lẽ quy hoạch này không còn phù hợp và cần xây dựng mới, tuy vậy, chúng tôi cũng tính đến các chính sách để Phú Quốc có thể thu hút dân số là nguồn nhân lực chất lượng cao, chẳng hạn miễn thuế thu nhập cá nhân, người nước ngoài đến Đảo Ngọc làm việc trên 3 tháng có thể được mua nhà, khi rời Việt Nam thì chuyển nhượng cho người khác…

Theo ông, chính sách đột phá trong dự Luật Đặc khu hành chính sẽ là gì?

Tôi cho rằng, đó sẽ là cơ chế về thuế. Trên thực tế, thời gian qua, Tỉnh có nhiều đề xuất về ưu đãi thuế để hỗ trợ và thu hút nhà đầu tư vào Phú Quốc.

Chính phủ cũng đã có chỉ đạo và ban hành quyết định, nhưng khi thực thi đều vướng luật, nên không thực hiện được.

Cơ chế về thuế sẽ là những chính sách được quan tâm hàng đầu, bên cạnh đó là những chính sách đột phá về đất đai như cho phép các dự án condotel đều được bán…

Theo đó, tôi tin rằng, các chính sách ưu việt đều sẽ được khuyến khích để giúp cho việc huy động các nguồn lực xã hội hóa vào đầu tư tại Phú Quốc.

Trong thời gian chờ Luật mới được xây dựng và thông qua, Phú Quốc có thêm các chính sách ưu đãi nào khác để thu hút các nhà đầu tư đến với Đảo Ngọc nhiều hơn, thưa ông?

Với các nhà đầu tư, vấn đề lớn nhất hiện nay có lẽ là giải phóng mặt bằng. Về việc này, chính quyền luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp ở mức cao nhất.

Tuy vậy, nguồn lực của các nhà đầu tư chỉ có giới hạn, nên vấn đề đặt ra là làm sao có cơ chế hỗ trợ họ huy động được nguồn vốn từ xã hội, nguồn vốn từ nước ngoài..., cùng đổ về đây.

Thực sự, chúng tôi rất mong có các cơ chế để hỗ trợ nhà đầu tư về vấn đề này. Chẳng hạn, Tỉnh đã đề xuất và được Chính phủ chấp thuận cho các dự án có quy mô trên 40 ha được bán 10% sản phẩm condotel. Tuy nhiên, mở rộng hơn thì khó, bởi lại vướng luật. Do đó, phần lớn chính sách mới vẫn phải chờ.

Với những động thái gần đây, ông đánh giá như thế nào về sự quyết tâm cho ra đời các đặc khu kinh tế của Chính phủ?

Bộ Chính trị rất ủng hộ mô hình này, giờ là vai trò của Chính phủ trong việc xây dựng thể chế. Thủ tướng Chính phủ đã thị sát cả 3 nơi sẽ thực hiện thí điểm mô hình đặc khu kinh tế và đánh giá cao các ưu thế, lợi thế của Phú Quốc.

Chúng tôi sẽ tham vấn ý kiến của các nhà tư vấn quốc tế, các mô hình đặc khu kinh tế trên thế giới sẽ được tham khảo kỹ lưỡng để tìm ra những chính sách phù hợp với Việt Nam, để có thể đề xuất với Chính phủ.

Nếu xây dựng dự Luật với tầm nhìn dài hạn và có các cơ sở, luận cứ khoa học bảo vệ cho những phương án đề xuất, tôi tin, Quốc hội sẽ ủng hộ.

Tin bài liên quan