Đồng Nai thay đổi mục tiêu thu hút FDI

Đồng Nai thay đổi mục tiêu thu hút FDI

Đồng Nai dự kiến thu hút từ 700 - 900 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2014, ưu tiên các dự án công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, thân thiện môi trường, các dự án dịch vụ, đầu tư cơ sở hạ tầng.

So với mức trung bình nhiều năm khoảng 1 tỷ USD/năm, mục tiêu của Đồng Nai trong thu hút vốn FDI đã thay đổi.

Theo bà Bồ Ngọc Thu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai, chủ trương lựa chọn dự án FDI đã được thực hiện từ vài năm trước. Nhìn vào số dự án vừa khánh thành, đi vào hoạt động trong 4 tháng đầu năm nay, có thể thấy, số lượng dự án công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ… chiếm phần lớn.

Đơn cử, đầu tháng 1/2014, Công ty sản xuất toàn cầu Lixil Việt Nam (thuộc Tập đoàn Lixil Nhật Bản) đã khánh thành nhà máy có tổng vốn đầu tư hơn 440 triệu USD, được xây dựng trên diện tích 55 ha. Nhà máy chuyên sản xuất vật liệu phục vụ ngành xây dựng cho thị trường trong và ngoài nước, gồm các sản phẩm chủ lực là khung cửa, cửa sổ, cửa ra vào, mái che bằng nhôm và nhựa…

Tiếp sau là dự án của Công ty On Semiconductor Việt Nam (Hoa Kỳ) trong lĩnh vực công nghệ cao, chuyên sản xuất vi mạch được đưa vào hoạt động. Nhà máy này có tổng mức đầu tư 97 triệu USD.

Theo kế hoạch, trong giai đoạn I, nhà máy sản xuất khoảng 50 triệu sản phẩm/năm; giai đoạn II, Công ty sẽ mở rộng sản xuất lên khoảng 500 triệu sản phẩm/năm.

Một dự án trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đáng chú ý là Công ty TNHH Pegasus - Shimamoto Auto Parts Việt Nam (Nhật Bản) đưa vào hoạt động nhà máy với tổng mức đầu tư 20 triệu USD, chuyên sản xuất các phụ tùng, linh kiện ô tô, xe máy, máy may và các linh kiện cho ngành công nghiệp khác. Dự kiến, hàng năm, công ty này sản xuất khoảng 58,6 triệu sản phẩm các loại, tương đương với 38 triệu USD.

Theo ông Mai Văn Nhơn, Phó ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, việc đổi mới cơ cấu thu hút đầu tư của tỉnh theo hướng chọn lọc, ưu tiên cho các doanh nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ… đã bắt đầu tạo ra một xu hướng đầu tư mới của các doanh nghiệp FDI đầu tư cơ sở hạ tầng tại các khu công nghiệp trong tỉnh.

“Nhiều doanh nghiệp FDI sản xuất trong ngành công nghiệp hỗ trợ chọn phương án thuê nhà xưởng có sẵn, chỉ việc đến lắp ráp máy móc là đi vào sản xuất ngay”, ông Nhơn nói và cho biết, hiện nay, hai khu công nghiệp Long Đức và Long Thành thực hiện khá thành công mô hình này. Riêng Khu công nghiệp Long Đức đã xây dựng hơn 10.000 m2 nhà xưởng cho thuê với nhiều loại diện tích, nhiều nhất là loại nhà xưởng có diện tích từ 500 - 1.000 m2.

Một xu hướng rất đáng quan tâm, đó là kết quả của các hoạt động chủ động tìm vốn, đón vốn qua các chuyến đi xúc tiến đầu tư tại những quốc gia đang có xu hướng đầu tư ra nước ngoài mạnh. Đồng Nai đã làm điều này nhiều năm, nhưng phải đến năm 2013 mới đạt những kết quả khả quan.

Cụ thể, tỉnh đã tổ chức các đoàn đi xúc tiến đầu tư tại tỉnh Osaka (Nhật Bản) và tại Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất). Sau mỗi chuyến đi, đều có những phản hồi tích cực từ doanh nghiệp, nhà đầu tư…

Trong năm 2013, Nhật Bản vẫn là nhà đầu tư hàng đầu tại Đồng Nai và trong 4 tháng đầu năm nay tiếp tục có những khởi sắc. Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp của Dubai đã đến để tìm hiểu, bước đầu có những hợp tác với doanh nghiệp của địa phương.

Một nguồn tin của Báo Đầu tư cho biết, trong tháng 6 tới, tỉnh Đồng Nai sẽ cử một đoàn xúc tiến thương mại, đầu tư sang Dubai. “Ngoài việc thúc đẩy các hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, dịp này doanh nghiệp hai bên sẽ bàn bạc nhiều lĩnh vực đầu tư. Nhiều khả năng sẽ có những hợp tác với các dự án quy mô lớn trong lĩnh vực bất động sản”, nguồn tin cho hay.

Tin bài liên quan