Đồng Nai loại 5 ngành nghề khỏi danh mục cấp phép đầu tư

Đồng Nai loại 5 ngành nghề khỏi danh mục cấp phép đầu tư

Bà Bồ Ngọc Thu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho biết, mới đây, tỉnh đã có văn bản chính thức về việc dừng cấp phép các dự án đầu tư mới thuộc 5 nhóm ngành nghề.

Cụ thể, tại Quyết định 2163 của UBND tỉnh Đồng Nai ban hành tháng 7/2014, có 5 nhóm ngành nghề không được cấp phép đầu tư trong thời gian tới. Đó là, các dự án sản xuất giấy, bột giấy từ nguyên liệu thô; chế biến tinh bột sắn; chế biến mủ cao su chưa sơ chế; sản xuất hóa chất cơ bản; nhà máy thuộc da, sơ chế da, sơ chế và nhuộm da lông thú.

Theo bà Thu, 5 ngành nghề nói trên có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường và tỉnh chấp nhận thu hút vốn đầu tư sụt giảm để bảo vệ môi trường sống cho người dân... “Qua tham khảo, chúng tôi thấy, nếu thu hút đầu tư các lĩnh vực này, thì xử lý môi trường sẽ rất khó khăn”, bà Thu cho biết.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một vị lãnh đạo của Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cho biết, trong hơn 1 tháng qua, có hàng chục doanh nghiệp nước ngoài đến tìm hiểu môi trường đầu tư, trong đó có một số doanh nghiệp lớn. “Một doanh nghiệp dự định đầu tư một dự án lớn trong lĩnh vực sản xuất bình ắc quy, nhưng chúng tôi đang cân nhắc, bởi trong quá trình sản xuất có sử dụng hóa chất”, vị lãnh đạo trên nói và cho biết, với các dự án thuộc 5 nhóm ngành nghề không thu hút đầu tư, Ban Quản lý đành “từ chối” và hướng dẫn doanh nghiệp tìm “bến đỗ” ở địa phương khác.

Không chỉ “cấm cửa” 5 nhóm ngành nghề nói trên, Đồng Nai còn đưa ra danh mục ngành nghề thu hút đầu tư có điều kiện vào các khu công nghiệp. Đó là, các dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ có công đoạn xi mạ, phun phủ, đánh bóng kim loại, dệt có công đoạn nhuộm, sản xuất phân bón, chế biến thủy sản, sản xuất sơn, phụ gia, chất tẩy rửa công nghiệp… Các dự án này chỉ được xem xét, đầu tư vào các khu công nghiệp, đảm bảo phù hợp với quy hoạch ngành nghề của khu công nghiệp và phù hợp với ngành nghề trong báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt của khu công nghiệp...

Đó là với các dự án mới, còn với các dự án thuộc các lĩnh vực này đang hoạt động, nhưng có kế hoạch mở rộng sản xuất, như dự án của Công ty TNHH Global Dyeing (Khu công nghiệp Long Thành); dự án của Công ty TNHH Kao Việt Nam (Khu công nghiệp Amata), đại diện Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cho biết, các khu công nghiệp Amata và Long Thành đã hoạt động ổn định và có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn theo quy định hiện hành. Công ty Global Dyeing có kết quả sản xuất, kinh doanh cao, nhiều năm đạt lợi nhuận dương và tuân thủ khá tốt các quy định của pháp luật Việt Nam, trong đó có quy định về bảo vệ môi trường.

Năm 2014, nhiều khả năng thu hút vốn FDI của tỉnh Đồng Nai đạt 1 tỷ USD, thấp hơn khá nhiều so với kết quả hơn 1,6 tỷ USD của năm trước.      

Tin bài liên quan