Đại hội Đảng lần thứ VI (12/1986) mở đầu công cuộc đổi mới, khơi dậy và phát huy sức mạnh, tiềm năng để đưa đất nước tiến lên

Đại hội Đảng lần thứ VI (12/1986) mở đầu công cuộc đổi mới, khơi dậy và phát huy sức mạnh, tiềm năng để đưa đất nước tiến lên

“Dòng máu Đổi mới” cuộn chảy trong huyết mạch của Đảng

Đổi mới - cụm từ đến nay nghe đã thân thuộc và tự hào, bởi sức sống tươi mới, mãnh liệt và thành quả rực rỡ mà nó mang lại trên đất nước Việt Nam. 

Nhưng từ 3 thập kỷ trước, hai chữ ấy hãy còn vẹn nguyên sự mới mẻ, thậm chí bối rối, lo âu, hoài nghi. Nhưng trong thời khắc khó khăn đó, Đảng ta đã tự tin khẳng định đường lối Đổi mới và giương cao ngọn cờ để cả Đất nước tiến lên.

Đại hội của Đổi mới, Tổng Bí thư của Đổi mới

“Cái mới không dễ được chấp nhận. Còn phải cố gắng nhiều hơn nữa để bằng thực tế với cung cách làm ăn có hiệu quả mới có thể thuyết phục nhằm thay đổi dần được cách nghĩ, cách điều hành theo lề lối cũ”, đánh giá đó của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, vị Tổng Bí thư đầu tiên của thời kỳ Đổi mới, đã cho thấy phần nào sự khắc nghiệt, khó khăn của thời kỳ ban đầu khi hai chữ Đổi mới được đặt vào quỹ đạo phát triển của Đất nước.

Hơn ai hết, chính đồng chí Nguyễn Văn Linh đã nắm bắt và trải nghiệm “một thực tiễn khác” trong quản lý, lãnh đạo, một thực tiễn không theo “lề lối cũ”. Thực tiễn mới mẻ và không dễ chấp nhận với phần đông ở thời điểm ấy đã được ông kiên trì lắng nghe và đúc rút, để sau đó trở thành điều thôi thúc ông hành động, thay đổi.

Nói đến những bước chuyển đầu tiên của tư duy Đổi mới, nhiều người vẫn nhắc lại cuộc gặp tại Đà Lạt của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Linh với 3 vị lãnh đạo cấp cao của Đảng năm 1983.

Năm 1980, đồng chí Nguyễn Văn Linh, với cương vị Bí thư Thành ủy TP.HCM đã mạnh dạn xóa bỏ cơ chế tập trung, bao cấp, cho thí điểm đổi mới cách quản lý kinh tế ở một số doanh nghiệp nhà nước. Khi đó, ông đã đối mặt với nhiều phê phán, chỉ trích khi được xem là “chạy theo cơ chế thị trường”. Nhưng đồng chí Nguyễn Văn Linh vẫn kiên định thực hiện và quan sát, suy ngẫm, tìm tòi.

Dường như, ông đang tìm kiếm một cơ hội để chuyển tải những gì ông nung nấu từ thực tiễn đó đến những vị lãnh đạo có trách nhiệm cao nhất của đất nước. Và rồi, cơ hội ấy đã đến. Tháng 7/1983, khi các vị lãnh đạo cấp cao là các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng và Võ Chí Công đang nghỉ ở Đà Lạt, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Linh đã xin phép tổ chức “Hội nghị Đà Lạt” kéo dài một tuần.

Tại hội nghị này, ông cùng một số lãnh đạo doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả ở TP.HCM trực tiếp gặp 3 vị lãnh đạo trên để đề đạt nguyện vọng. Các vị lãnh đạo cũng được mời đi thăm một số cơ sở chế biến tơ tằm, xí nghiệp chè làm ăn tốt của TP.HCM tại Bảo Lộc (Lâm Đồng).

Sau đó, ông đã báo cáo các vị lãnh đạo tất cả tâm tư, suy nghĩ của mình về thay đổi lề lối quản lý cũ, tạo ra cơ chế mới cho doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất kinh doanh. Những tư tưởng về cách quản lý, làm ăn mới mẻ đó sau này đã được ông vận dụng vào việc chuẩn bị văn kiện Đại hội lần thứ VI năm 1986 của Đảng – cũng là nhiệm kỳ ông đảm nhiệm vai trò Tổng Bí thư, khởi xướng và dẫn dắt công cuộc Đổi mới đất nước.

Đại hội Đảng lần thứ VI - đại hội mở đầu công cuộc đổi mới đã rút ra 4 bài học kinh nghiệm, trong đó nhấn mạnh phải “lấy dân làm gốc”, luôn xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan. Để khắc phục được khuyết điểm, chuyển biến được tình hình, Đảng trước hết phải thay đổi nhận thức, đổi mới tư duy.

Đại hội VI đã quyết định đường lối đổi mới, tập trung đổi mới từ nền kinh tế quốc doanh, tập thể chuyển sang kinh tế nhiều thành phần; bãi bỏ chế độ tem phiếu giúp nhiều mô hình làm ăn được “bung” ra, đời sống nhân dân dần bớt khó khăn và từng bước khởi sắc.

Nói về cuộc gặp gỡ bước ngoặt đó tại Đà Lạt, sau này, đồng chí Mai Chí Thọ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, người giữ cương vị Chủ tịch UBND TP.HCM khi đó đã đánh giá: “Cuộc đấu tranh giữa đổi mới và bảo thủ, trì trệ diễn ra khá gay gắt. Để giải quyết một cách có tính thuyết phục, anh (Nguyễn Văn Linh – NV) đã đề nghị lãnh đạo Trung ương trực tiếp nghe báo cáo. Qua thời gian tiếp xúc, các anh lãnh đạo chủ chốt của Trung ương đã nhất trí với quan điểm đổi mới. Một lần nữa, anh Linh lại có sự đóng góp đáng kể trong bước ngoặt lịch sử mới, đưa đất nước ta ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội đầy thách thức, nguy hiểm”. 

Không ngừng đúc rút bài học Đổi mới

Từ những bước đi đầu tiên của Đại hội Đổi mới, của vị Tổng Bí thư khởi xướng Đổi mới, suốt 30 năm Đảng lãnh đạo đổi mới đất nước, Đảng ta luôn coi trọng tự chỉnh đốn, tự đổi mới và đúc rút những bài học để tiếp tục đưa công cuộc Đổi mới vĩ đại tiến những bước vững chắc.

Tại Đại hội VII của Đảng, với thực tiễn sống động sau 5 năm thực hiện công cuộc đổi mới, với cả những thành công và chưa thành công, Đảng đã nêu những kinh nghiệm bước đầu về tiến hành công cuộc đổi mới.

Trong đó, Đảng ta xác định phải giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong quá trình đổi mới, kết hợp sự kiên định về nguyên tắc và chiến lược cách mạng với sự linh hoạt trong sách lược, nhạy cảm nắm bắt cái mới. Đổi mới không phải là thay đổi mục tiêu chủ nghĩa xã hội mà là làm cho mục tiêu ấy được thực hiện có kết quả bằng những quan niệm đúng đắn về chủ nghĩa xã hội, bằng những hình thức, bước đi và biện pháp thích hợp.

Đại hội VIII của Đảng là một kỳ đại hội có ý nghĩa quan trọng khi diễn ra vào thời điểm công cuộc Đổi mới vừa tròn một thập kỷ (1986-1996). Nhiều bài học đã được Đảng ta nêu ra, trong đó nhấn mạnh những bài học lớn, như: Giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong quá trình đổi mới; Kết hợp chặt chẽ ngay từ đầu đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị, lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm, đồng thời từng bước đổi mới chính trị;

Đại hội IX của Đảng (2000) khẳng định, thực tiễn 15 năm đổi mới (1986-2000) đã cho chúng ta nhiều kinh nghiệm quý báu. Những bài học đổi mới do các Đại hội VI, VII, VIII của Đảng nêu lên đến nay vẫn còn có giá trị lớn, nhất là những bài học chủ yếu về kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh; bài học về “đổi mới phải dựa vào nhân dân, vì lợi ích của nhân dân, phù hợp với thực tiễn, luôn luôn sáng tạo”…

Đại hội X và XI của Đảng tiếp tục khẳng định những bài học lớn, như “đổi mới phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”; Đổi mới toàn diện, đồng bộ, có kế thừa, có bước đi, hình thức và cách làm phù hợp; Đổi mới phải vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của nhân dân, xuất phát từ thực tiễn, nhạy bén với cái mới…, Đảng ta cũng đã tiến hành tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn hơn hai thập kỷ đổi mới…

Đại hội XII của Đảng – đại hội có tính bước ngoặt, xác định con đường đi lên của đất nước trong thời kỳ hội nhập ngày càng sâu rộng cũng dành một phần quan trọng đánh giá về 3 thập kỷ đổi mới. Nhìn tổng thể, qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Đảng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm trong công cuộc đổi mới. Đó là công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận còn bất cập, chưa làm rõ một số vấn đề đặt ra trong quá trình đổi mới để định hướng trong thực tiễn, cung cấp cơ sở khoa học cho hoạch định đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

Kinh tế phát triển chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, yêu cầu và thực tế nguồn lực được huy động. Chất lượng, hiệu quả, năng suất lao động xã hội và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Phát triển thiếu bền vững cả về kinh tế, văn hoá, xã hội và môi trường. Đổi mới chính trị chưa đồng bộ với đổi mới kinh tế; năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị chưa ngang tầm nhiệm vụ…

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, nhìn lại 30 năm đổi mới, từ những thành tựu cũng như những hạn chế, khuyết điểm, phải nhấn mạnh rằng, đối với nước ta, đổi mới là yêu cầu bức thiết của sự nghiệp cách mạng, là vấn đề có ý nghĩa sống còn.

Quá trình đổi mới, bên cạnh những cơ hội, luôn xuất hiện những vấn đề mới, những khó khăn, thách thức mới, đòi hỏi Đảng, Nhà nước và nhân dân phải chủ động, không ngừng sáng tạo, phải dựa vào nhân dân: “Những ý kiến, nguyện vọng và sáng kiến của nhân dân nảy sinh từ thực tiễn là một nguồn gốc hình thành đường lối đổi mới của Đảng. Nhân dân là người làm nên những thành tựu của đổi mới. Đổi mới phải dựa vào nhân dân. Vì thế, đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm “dân là gốc,” phải vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân”.

Tin bài liên quan