Đồng bằng sông Cửu Long tận dụng ưu thế về nông nghiệp

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được thiên nhiên ban tặng đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, nước ngọt quanh năm, có ưu thế tuyệt đối trong phát triển nông nghiệp…

Thu hoạch lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Thu hoạch lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Vùng nông nghiệp trù phú

ĐBSCL có 4 triệu ha đất tự nhiên, trong đó có 3,8 triệu ha đất nông nghiệp, với dân số khoảng 18 triệu người; là vùng kinh tế trọng điểm, trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội, có vị trí chiến lược về an ninh, quốc phòng. Đây là vùng kinh tế thuần nông với cơ cấu kinh tế khu vực nông nghiệp chiếm 40% và cơ cấu lao động trong nông nghiệp chiếm 52%.

Mặc dù diện tích đất nông nghiệp của vùng ĐBSCL chỉ bằng 27% cả nước, nhưng mỗi năm làm ra hơn 25 triệu tấn lúa, hàng triệu tấn thủy sản, hàng triệu tấn trái cây và nhiều sản vật nông nghiệp khác, kim ngạch xuất khẩu hơn 10 tỷ USD. Các chuyên gia quốc tế nhìn nhận, ĐBSCL không chỉ là vựa lương thực của Việt Nam, mà còn của Đông Nam Á, góp phần quan trọng cho an ninh lương thực của thế giới.

Theo nhận định của ông Nguyễn Phong Quang, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, ĐBSCL có lợi thế về tài nguyên đất, tài nguyên nước, có nhiều thuận lợi trong phát triển nông nghiệp, nguồn lao động dồi dào. Đây là những yếu tố để phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến và các loại hình thương mại, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, thúc đẩy công nghiệp tiêu dùng, phát triển thị trường nội địa và xuất khẩu.

Theo TS. Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL (Trường đại học Cần Thơ), đặc điểm tự nhiên của ĐBSCL về đất, khí hậu, nguồn nước ngọt dồi dào là lợi thế rất lớn cho sản xuất nông nghiệp. Nông dân nhạy bén trong áp dụng mô hình canh tác thích nghi theo tiểu vùng sinh thái như lúa - tôm, rừng - tôm trên vùng nước mặn, mang lại lợi nhuận cao và bảo vệ môi trường. Mặt hàng lúa gạo và thủy sản và cây ăn quả khu vực ĐBSCL có lợi thế so sánh rất lớn, không những so với các vùng khác trong nước, mà cả thị trường thế giới.   

Cơ hội đầu tư đã đến

Theo phân tích của ông Nguyễn Phương Lam, Phó giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Cần Thơ, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ở khu vực ĐBSCL thời gian qua luôn được các địa phương chú trọng, nhưng kết quả đạt được chưa như kỳ vọng. Có 3 điểm nghẽn trong thu hút đầu tư của vùng là: cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, canh tác còn nhỏ lẻ, manh mún, chính sách ưu đãi đầu tư chưa đủ hấp dẫn. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, các điểm nghẽn đã dần được khơi thông.

Theo số liệu từ Bộ Giao thông - Vận tải, trong các năm gần đây, tại khu vực ĐBSCL, đã có nhiều dự án giao thông quy mô lớn hoàn thành như Quốc lộ 50, Quốc lộ 60; các cầu: Mỹ Lợi, Hàm Luông, Cổ Chiên; Dự án mở rộng Quốc lộ 1A nối Năm Căn - Mũi Cà Mau… Nhiều dự án khác cũng đang và chuẩn bị được triển khai như: nâng cấp mở rộng Quốc lộ 91, cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống, cao tốc Trung Lương - Cần Thơ… Có thể nói, giao thông đường bộ đã tốt hơn rất nhiều so với một vài năm trước. Về đường hàng không đã có 2 sân bay Quốc tế là Cần Thơ và Phú Quốc.

Về giao thông đường thủy, các cảng trên sông Hậu không ngừng được nâng cấp, mới đây Tân Cảng Sài Gòn cũng vừa khánh thành, đưa Cảng Thốt Nốt vào hoạt động. Luồng tàu trọng tải lớn vào sông Hậu theo kế hoạch sẽ thông tàu 10-20 vạn tấn vào cuối năm nay.

Chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp cũng đã thông thoáng hơn. Trong đó, Nghị định 61/2010/NĐ-CP đã cụ thể hóa chính sách ưu đãi, hỗ trợdoanh nghiệp khi có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn như đất đai, đào tạo, khoa học công nghệ, khả năng tiếp cận thị trường…

Mới đây, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 210/2013/NĐ-CP, với những ưu đãi cao hơn, cụ thể hơn so với Nghị định 61. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan thực hiện; quy trình nhận hỗ trợ, điều kiện nhận ưu đãi hỗ trợ rõ ràng, minh bạch; có văn bản cam kết hỗ trợ khi doanh nghiệp hoàn thành đầu tư...

Nghị định 210 là cơ sở để kỳ vọng góp phần tăng nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; phát triển thị trường tiêu thụ nông sản; thúc đẩy công nghệ sản xuất và chế biến nông sản; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất và liên kết giữa các thành phần kinh tế ở nông thôn.

Những hạn chế trong liên kết sản xuất để tạo sản phẩm hàng hóa lớn gần đây đã được cải thiện như mô hình cánh đồng mẫu lớn, liên kết 4 nhà, hợp tác xã kiểu mới… Các nhà quản lý cũng đã có quy hoạch sản xuất các vùng chuyên canh quy mô lớn. Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng cũng nêu: “Có chính sách phù hợp để tích tụ, tập trung ruộng đất, thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp”. Việc cho phép tích tụ ruộng đất cũng là một giải pháp để khắc phục sản xuất nhỏ lẻ, manh mún.

Đánh giá về thu hút đầu tư vào nông nghiệp tại ĐBSCL thời gian qua, ông Trương Quang Hoài Nam, Phó chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho rằng, các địa phương tại ĐBSCL đều biết thế mạnh của mình là nông nghiệp và ý thức tầm quan trọng trong huy động nguồn lực ngoài ngân sách trong đầu tư phát triển, nên địa phương nào cũng nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của địa phương mình.

Nhờ đó, nhiều năm liền, Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của các địa phương khu vực ĐBSCL liên tục được xếp ở nhóm khá tốt. Cả vùng cũng đã quy hoạch hơn 50 khu công nghiệp, 200 cụm công nghiệp nhằm tạo quỹ đất sạch để thu hút nhà đầu tư đến địa phương.

Theo ông Nam, tiềm năng về nông nghiệp của khu vực ĐBSCL là lợi thế “trời cho” mà khó ở đâu có được. Ông cũng kỳ vọng thu hút đầu tư nông nghiệp ở khu vực ĐBSCL sẽ “bùng nổ” trong thời gian tới, khi các hiệp định “mở cửa” thương mại được ký kết và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, môi trường đầu tư kinh doanh của khu vực được cải thiện.

Tin bài liên quan