Lưu vực sông Cửu Long - Ảnh Internet

Lưu vực sông Cửu Long - Ảnh Internet

Đồng bằng sông Cửu Long đối diện với tình trạng suy giảm độ lành mạnh của sông ngòi

(ĐTCK) Một báo cáo mới được công bố của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy, tình trạng suy giảm độ lành mạnh của sông ngòi được nhận thấy rõ nhất ở Banglades, vùng hạ lưu sông Dương Tử ở Trung Quốc, Nêpan và Đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam.

Báo cáo Triển vọng Phát triển nước châu Á (AWDO 2016) vừa được công bố tại Tuần lễ Nước Thế giới ở Stockholm (Thủy Điển) cho biết, an ninh nước ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương nhìn chung đã có tiến triển trong 5 năm qua, song vẫn còn những thách thức lớn, bao gồm khai thác nước ngầm quá mức, nhu cầu từ dân số đang gia tăng, và khí hậu thất thường.

Theo các dữ liệu này, trong hiện trạng an ninh nước của 48 quốc gia trong khu vực, số quốc gia bị đánh giá là không bảo đảm an ninh nước đã giảm xuống còn 29 so với con số 38 quốc gia (trong số 49 quốc gia) được xác định trong bản báo cáo trước đây vào năm 2013.

Ông Bambang Susantono, Phó chủ tịch ADB chuyên trách Quản lý Tri thức và Phát triển bền vững, cho biết: “Châu Á và Thái Bình Dương vẫn là khu vực dễ bị ảnh hưởng nhất thế giới bởi tình trạng mất an ninh nước và không thể duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế gần đây nếu không giải quyết vấn đề này. Để ứng phó những thách thức về kinh tế - xã hội của khu vực và đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững số 6 về nước, sẽ đòi hỏi phải thu hẹp khoảng cách trong việc cung cấp các dịch vụ về nước giữa người giàu và người nghèo ở khu vực đô thị, cũng như giữa nông thôn và thành thị”.

Báo cáo này đưa ra con số 1,7 tỷ người thiếu tiếp cận các dịch vụ vệ sinh cơ bản tại khu vực châu Á và Thái Bình Dương. Những ước tính gần đây cho thấy rằng tới năm 2050, 3,4 tỷ người có thể sống tại các khu vực có tình trạng căng thẳng về nước ở châu Á và Thái Bình Dương, trong khi nhu cầu về nước sẽ tăng tới 55%.

Báo cáo AWDO 2016 đánh giá an ninh nước theo năm tiêu chí chủ chốt, bao gồm tiếp cận của hộ gia đình, tính khả thi kinh tế, các dịch vụ đô thị, bảo tồn các dòng sông và hệ sinh thái và khả năng chống đỡ các thảm họa liên quan tới nước. Những nền kinh tế tiên tiến như Úc, Nhật Bản và Newzeland vẫn liên tục dẫn đầu, tiếp đó là các nước ở Đông Á, đứng đầu là Trung Quốc - quốc gia đã có bước tiến lớn nhất trong việc cải thiện tình trạng an ninh nước kể từ báo cáo AWDO 2013.

Trong đó, tiêu chí đánh giá mức độ một quốc gia có thể quản lý các lưu vực sông và duy trì các dịch vụ hệ sinh thái tốt tới đâu cho thấy các kết quả dao động đáng kể, với các đảo quốc Thái Bình Dương đạt điểm số cao do độ lành mạnh cao của sông ngòi, trong khi các nền kinh tế phát triển đạt điểm cao do quản lý tốt. Báo cáo cho thấy, tình trạng suy giảm độ lành mạnh của sông ngòi được nhận thấy rõ nhất ở Bangladest, vùng hạ lưu sông Dương Tử ở Trung Quốc, Nepan và Đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam.

Báo cáo kết luận rằng, mối quan hệ giữa an ninh nước và nền kinh tế có thể là một vòng tròn hiệu quả - hoặc là vòng xoáy tiêu cực. Báo cáo chỉ rõ:

“Có một mối quan hệ chặt chẽ giữa quản lý nước và kinh tế, và đầu tư vào quản lý nước tốt có thể được coi là khoản sinh lời dài hạn để thúc đẩy tăng trưởng và giảm nghèo. Các khoản đầu tư liên quan tới nước có thể gia tăng hiệu quả kinh tế và tăng trưởng, trong khi tăng trưởng kinh tế tạo ra nguồn lực để đầu tư vào các thể chế và cơ sở hạ tầng nước đòi hỏi nguồn vốn lớn”, báo cáo đánh giá.

Tin bài liên quan