41% doanh nghiệp châu Âu dự định tăng đầu tư vào Việt Nam. Ảnh: Đ.T

41% doanh nghiệp châu Âu dự định tăng đầu tư vào Việt Nam. Ảnh: Đ.T

Đón dòng vốn đầu tư lớn từ EU

Không ít nhà đầu tư châu Âu lên kế hoạch đầu tư vào Việt Nam, khi Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) được ký kết và có hiệu lực.

Tại buổi họp báo công bố kết thúc đàm phán EVFTA, do Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam, ông Bruno Angelet cho biết, các nhà đầu tư châu Âu đang chờ đợi sự thay đổi từ phía Việt Nam để đổ thêm dòng vốn đầu tư, khi EVFTA được ký kết và dự kiến có hiệu lực vào năm 2018.

Theo ông Bruno Angelet, dòng vốn đầu tư từ EU vào Việt Nam đã có sự đảo chiều ngoạn mục trong thời gian gần đây. Nếu năm 2014, EU là nhà đầu tư lớn thứ 6 tại Việt Nam, thì đến nửa đầu năm nay, EU đã vươn lên vị trí thứ 3.

Theo kết quả khảo sát Chỉ số Môi trường kinh doanh (BCI) quý II/2015 của EuroCham tại Việt Nam, khi đề cập kế hoạch đầu tư trung hạn, có 41% số doanh nghiệp châu Âu tham gia khảo sát dự định tăng nhẹ đầu tư vào Việt Nam. Trong khi đó, số doanh nghiệp có kế hoạch duy trì mức đầu tư hiện tại chiếm tỷ lệ 39%.

“Thực sự, không ít nhà đầu tư châu Âu đang chờ đợi vào sự thay đổi về chính sách vĩ mô, sự cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam cùng với chính sách kinh tế thương mại toàn diện để cân nhắc thời điểm mang vốn tới Việt Nam, đón cơ hội thị trường khi EVFTA được ký kết và có hiệu lực”, ông Bruno Angelet nói.

Điều này sẽ thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tích cực của Việt Nam. Việc hoàn tất đàm phán EVFTA là lực đẩy giúp Việt Nam hội nhập thành công vào kinh tế toàn cầu.

Theo đó, các doanh nghiệp châu Âu lẫn Việt Nam sẽ vạch ra được một lộ trình để xây dựng chiến lược kinh doanh, đầu tư phù hợp nhằm khai thác tối đa cơ hội thị trường, ưu đãi thuế quan do EVFTA mang lại.

Trước đó, Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam đã công bố kết quả khảo sát Chỉ số Môi trường kinh doanh (BCI) quý II/2015, với thông tin khá lạc quan khi hầu hết doanh nghiệp châu Âu tính đến việc tăng đầu tư vào Việt Nam trong tương lai.

Tính đến giữa năm 2015, đã có 23 trong số 28 nước EU đầu tư vào Việt Nam, với hơn 2.100 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 38,4 tỷ USD.

Các nhà đầu tư EU đã có mặt tại hầu hết các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, tập trung nhiều nhất vào công nghiệp, xây dựng và một số ngành dịch vụ.

Nguồn: Bộ Công thương

Cụ thể, khi đề cập kế hoạch đầu tư trung hạn, 41% số doanh nghiệp châu Âu tham gia khảo sát cho biết, họ dự định tăng nhẹ đầu tư vào Việt Nam. Trong khi đó, số doanh nghiệp có kế hoạch duy trì mức đầu tư hiện tại chiếm tỷ lệ 39%.

Được biết, Việt Nam và EU đã kết thúc đàm phán về EVFTA sau 14 phiên họp, kéo dài trong hơn 5 năm qua. Đây là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có tiêu chuẩn cao, toàn diện và cân bằng, hứa hẹn mở rộng thị trường cho trao đổi thương mại, đặc biệt là các sản phẩm, dịch vụ mà hai bên có thế mạnh để bổ sung cho nhau; tạo ra môi trường bình đẳng, thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.

Bà Cecilia Malmstrom, Cao ủy Thương mại EU cho biết, việc kết thúc đàm phán EVFTA là một tin tốt lành cho cả 2 phía EU và Việt Nam. Việt Nam là một nền kinh tế có sức bật với trên 93 triệu người tiêu dùng.

“Thị trường Việt Nam có tiềm năng lớn và mở ra rất nhiều cơ hội cho các mặt hàng nông sản, các sản phẩm công nghiệp và dịch vụ của 28 thành viên EU. Đồng thời, EVFTA cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển bền vững, đồng thời hỗ trợ Việt Nam trong việc thúc đẩy hơn nữa tăng trưởng kinh tế và phát triển con người trong tương lai”, bà Cecila Malmstrom nhấn mạnh.

Khi có hiệu lực, Hiệp định sẽ mở ra cơ hội lớn trong hợp tác kinh tế, nhất là phát triển thương mại, nâng cao sức cạnh tranh và giá trị của hàng hóa Việt Nam. Đặc biệt, trong xuất nhập khẩu, các cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ của EVFTA sẽ là cú hích quan trọng, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu, nhất là những sản phẩm mà hai bên có thế mạnh, như dệt may, giày dép, nông thủy sản, đồ gỗ của Việt Nam và máy móc, thiết bị, ô tô, đồ uống có cồn của EU.

Việt Nam và EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hơn 99% số dòng thuế. Đối với rất ít số dòng thuế còn lại, hai bên sẽ dành cho nhau hạn ngạch thuế quan hoặc cắt giảm thuế quan một phần.

EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 và là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - EU đã tăng từ 17,75 tỷ USD năm 2010 lên 36,8 tỷ USD năm 2014.

Tin bài liên quan