Chính phủ coi trọng sự phát triển doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân trong công cuộc phát triển của đất nước

Chính phủ coi trọng sự phát triển doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân trong công cuộc phát triển của đất nước

Đổi mới lần 2, thách thức song là tất yếu

(ĐTCK) Cải cách, trước hết là cải cách thể chế chuyển mạnh sang kinh tế thị trường đã trở thành “mệnh lệnh” đối với cả Nhà nước và doanh nghiệp. Nhiều thay đổi mang tính đột phá đã được thực hiện, song còn rất nhiều việc, thậm chí những việc khó hơn đổi mới lần 1 đang cần làm.

Chưa tận dụng tốt cơ hội

Cải cách kinh tế Việt Nam trong gần 30 năm qua về bản chất là tự do hóa thị trường nội địa và hội nhập quốc tế. Song thực tế cho thấy, từ năm 2007 đến nay, hội nhập quốc tế được mở rộng không đi cùng với cải cách tự do hóa và tiếp tục chuyển đổi mạnh mẽ sang kinh tế thị trường. Do đó, những tiềm năng và sức lực xây đắp được đã bị xói mòn dần, những cơ hội mới tạo ra lại không hiện thực hóa được.

Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được thành tựu lớn trên nhiều mặt, được thừa nhận rộng rãi cả trong và ngoài nước. Ở đổi mới lần 1, Nhà nước đã thu hẹp phạm vi, vai trò và chức năng của mình, tạo dư địa cho thị trường và khu vực tư nhân tồn tại và hoạt động.

Trong lần đổi mới này, các cơ quan nhà nước phải dũng cảm tuân thủ nguyên tắc: Không ban hành các quy định tạo lợi thế hoặc đặc quyền riêng có cho DNNN.

Đổi mới lần 2 theo khuyến nghị của các chuyên gia sẽ tập trung vào nâng cấp trình độ phát triển thị trường của nền kinh tế, đảm bảo cạnh tranh thị trường công bằng và có trật tự, nâng cao năng lực của bộ máy nhà nước. Bởi vậy, đổi mới lần 2 khó khăn hơn bội phần so với đổi mới lần 1 cách đây 30 năm. Tuy khó khăn và đầy thách thức, nhưng đổi mới lần 2 đã trở thành mệnh lệnh, không thể không làm.

Nền kinh tế đang tồn tại hàng loạt nút thắt thể chế ngăn cản hoặc làm chậm tiến trình cải cách kinh tế đang dang dở ở Việt Nam. Các nút thắt đó vừa hạn chế sự hình thành và phát triển các loại thị trường, vừa tạo thêm méo mó, sai lệch thị trường, là thị trường yếu tố sản xuất.

Thị trường về cơ bản chưa làm tốt chức năng của mình trong huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực; năng suất và hiệu quả sử dụng nguồn lực suy giảm. Chẳng hạn, việc chưa áp dụng đầy đủ kỷ luật thị trường và chế độ ngân sách cứng đối với DNNN. Bởi thế, Nhà nước và DNNN chưa tuân thủ đầy đủ nguyên tắc “lời ăn, lỗ chịu”.

Khi gặp khó khăn, nhiều DNNN “kêu khổ” và xin cơ chế đặc thù, trường hợp Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn (Nhà máy Lọc dầu Dung Quất) thuộc Tập đoàn Dầu khí xin ưu đãi thuế. Hay dự án Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 xin tăng vốn đầu tư và một loạt cơ chế ưu đãi…vừa qua là một ví dụ.

Trong lần đổi mới này, các cơ quan nhà nước phải dũng cảm tuân thủ nguyên tắc: Không ban hành các quy định tạo lợi thế hoặc đặc quyền riêng có cho DNNN. Khi DNNN gặp khó khăn, thua lỗ trong kinh doanh, không ai có quyền xin giảm hay hoãn nộp thuế, giảm, hoãn, khoanh nợ, giảm lãi suất, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, hay bất cứ ưu đãi cá biệt nào khác. Hãy thực hiện sự công bằng và minh bạch như các doanh nghiệp tư nhân.

Một nút thắt quản trị phổ biến cần xử lý là trong cách thức quản lý, công cụ và mệnh lệnh hành chính vẫn được sử dụng phổ biến; chế độ “làm việc tập thể” kéo dài, khiến cho bộ máy, các qui trình ra quyết định và việc điều hành, thực thi các quyết định của nhà nước, DNNN rất khó cải thiện được tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Đây chính là nguyên nhân khiến cho trong vòng 2 năm trở lại đây, hầu như rất khó để thấy một tập đoàn, tổng công ty nào có sự bứt phá, tăng trưởng mạnh mẽ, có những đột phá trong đường hướng kinh doanh, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp.

Trong các nguyên nhân gây ra các nút thắt nói trên, phần lớn nằm ở phía nhà nước. Nhà nước chưa thực hiện được chức năng cơ bản nhất của mình là thiết lập thể chế hỗ trợ và bảo đảm thị trường các loại vận hành một các đầy đủ nhất có thể. Năng lực bộ máy hiện nay cần cải thiện để phù hợp với trình độ phát triển cao hơn của thị trường. 

Đổi mới tư duy là then chốt

Bài học thực tế 30 năm qua cho thấy, đổi mới tư duy là yếu tố quyết định và mở đường cho thay đổi và phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Tổng kết trên của ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương vẫn giữ nguyên giá trị.

Trong giai đoạn tới, một hệ thống tư duy và quan niệm mới phải được hình thành và áp dụng để mở ra không gian mới, tiềm năng mới và động lực mới cho phát triển kinh tế-xã hội, trong đó cải cách thể chế và đột phá thể chế giữ vai trò quan trọng hàng đầu.

Vẫn còn không ít rào cản, nút thắt thể chế trên lĩnh vực này cần được loại bỏ, vụ việc liên quan đến chủ quán Xin Chào gần đây đã tạo điều kiện để chúng ta nhìn nhận nghiêm túc vấn đề này.

Một trong những bước tiến dài về cải cách thể chế được thể hiện qua Hiến pháp 2013 và các văn bản Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư 2014 là đảm bảo quyền tự do kinh doanh và tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh.

Tự do kinh doanh là một trong các đặc điểm của nền kinh tế thị trường và do đó bảo đảm và bảo vệ quyền tự do kinh doanh và tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh là chức năng cơ bản của Nhà nước. Tuy nhiên, vẫn còn không ít rào cản, nút thắt thể chế trên lĩnh vực này cần được loại bỏ, vụ việc liên quan đến chủ quán Xin Chào gần đây đã tạo điều kiện để chúng ta nhìn nhận nghiêm túc vấn đề này.

Trước hết, cần khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp và mâu thuẫn trong một số nội dung của Luật Doanh nghiệp và luật về ngành, nghề cụ thể, phải coi Luật Doanh nghiệp là “luật chính” về thành lập, tổ chức quản lý và giải thể các loại hình doanh nghiệp. Nếu có các khác biệt trong các quy định về các nội dung nói trên, thì áp dụng theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Vấn đề được nhắc đến nhiều nhất trong lần cải cách này là cần sớm bãi bỏ, đơn giản hóa, hợp lý hóa các quy định về điều kiện kinh doanh; giảm rủi ro, giảm chi phí và tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Một thống kê của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho thấy, hàng năm, Quốc hội chỉ ban hành khoảng 20 luật, gồm cả bổ sung, sửa đổi; Chính phủ ban hành trung bình khoảng hơn 100 nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành khoảng 100 quyết định; nhưng các bộ ban hành từ 600 đến 700 thông tư, quyết định của bộ trưởng. Ngoài ra, còn có văn bản của ủy ban nhân dân và hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Bên cạnh đó còn có hàng nghìn văn bản điều hành. Chỉ tính riêng các văn bản điều hành được công bố trên Trang tin điện tử Chính phủ, mỗi năm trung bình có khoảng 3.500 đến 4.000 văn bản điều hành.

Việc tồn tại hàng nghìn quy định về điều kiện không cần thiết, không phù hợp và bất hợp lý đang làm cho thị trường trong các ngành, nghề tương ứng trở nên méo mó, kém linh hoạt; gây cản trở đối với tự do kinh doanh và gây bất bình đẳng trong tiếp cận cơ hội kinh doanh. 

Kỳ vọng đổi mới lần 2

Để có thị trường hoàn thiện và hoạt động có hiệu quả, để doanh nghiệp có động lực sản xuất kinh doanh tốt, không thể thiếu được một nhà nước được quản trị tốt, có hiệu lực và hiệu quả.

Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho rằng, mục tiêu chủ yếu của chính sách kinh tế năm 2016 và 3 năm tiếp theo không phải là tăng trưởng cao mà là tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng. Nếu như Việt Nam giữ được tốc độ tăng trưởng khoảng 5,5-6% trong khi chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh tăng vọt, thì sẽ là điều rất đáng mừng.

Trong lần đổi mới này, Nhà nước cần tập trung tâm trí và sức lực xây dựng một hệ thống pháp luật đầy đủ, khoa học và thực hiện triệt để nguyên tắc thượng tôn pháp luật.

Để nâng cao chất lượng tăng trưởng, không gì khác hơn là phải đổi mới mô hình tăng trưởng, nhấn mạnh vào sử dụng nguồn vốn con người, phát huy sức mạnh của trí tuệ con người, thay cho nguồn vốn đầu tư cũng như các nhân tố phát triển theo chiều rộng khác. Dứt khoát phải từ bỏ con đường phát triển dựa vào mở rộng bội chi ngân sách, phát hành tiền tệ tín dụng, khai thác tài nguyên và lao động rẻ tiền, bán đất đai và vay nợ nước ngoài.

Trong lần đổi mới này, Nhà nước cần tập trung tâm trí và sức lực xây dựng một hệ thống pháp luật đầy đủ, khoa học và thực hiện triệt để nguyên tắc thượng tôn pháp luật, một thể chế kinh tế thị trường thực sự lành mạnh, theo đúng chuẩn mực quốc tế để động viên được sức mạnh của toàn dân, toàn thể cộng đồng doanh nghiệp vào sự nghiệp phát triển đất nước.

Cuộc gặp của tân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với các doanh nghiệp, doanh nhân hàng đầu Việt Nam ngay sau khi Thủ tướng nhậm chức đã cho thấy, Chính phủ coi trọng sự phát triển doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân trong công cuộc phát triển của đất nước. Để có các DN mạnh, cần các doanh nhân có năng lực kinh doanh, khả năng hội nhập vào môi trường toàn cầu và biết khai thác các giá trị nguồn lực của Việt Nam.

Đổi mới lần này cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra các cơ chế cổ vũ cho sự sáng tạo, tức là cạnh tranh thị trường một cách công bằng và có trật tự sẽ lựa chọn người thắng cuộc. Cạnh tranh dựa trên năng suất, chất lượng và hiệu quả.

Doanh nghiệp, cá nhân năng động, sáng tạo, tìm kiếm các cách thức phù hợp gia tăng được năng suất lao động, hiệu quả sử dụng các nguồn lực… thì doanh nghiệp, cá nhân đó sẽ vượt lên. Các doanh nghiệp không cạnh tranh được sẽ bị thị trường đào thải để nhường chỗ, nhường cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp khác.      

Tin bài liên quan