Để giải quyết được công việc, doanh nghiệp xây dựng phải trải qua nhiều cửa, nhiều thủ tục

Để giải quyết được công việc, doanh nghiệp xây dựng phải trải qua nhiều cửa, nhiều thủ tục

Doanh nghiệp xây dựng khốn đốn trước “rừng” thủ tục

(ĐTCK) Thực tế cho thấy, hàng loạt thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh trong ngành xây dựng hiện nay không chỉ tạo rào cản lớn cho các doanh nghiệp, mà còn khiến hiệu quả quản lý nhà nước lĩnh vực này bị hạn chế.

Ma trận thủ tục bủa vây

Chia sẻ tại một hội thảo mới đây, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng cho biết, sự chồng chéo của các văn bản pháp lý chính là rào cản lớn nhất trong cải tiến thủ tục hành chính ngành xây dựng hiện nay.

Để chứng minh, ông Hiệp nêu ví dụ, theo quy trình thẩm định một dự án đầu tư hiện tại, doanh nghiệp phải làm việc với Bộ Xây dựng, nếu có đất đai thì tiếp tục làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường. Cùng với đó là làm việc với Bộ Công an về phòng cháy chữa cháy, với Bộ Quốc phòng về chiều cao tĩnh không...

"Như vậy, để đầu tư một dự án, chủ đầu tư phải làm việc ít nhất với 4 cơ quan chủ quản mà không có một cửa thống nhất, hay một đầu mối giải quyết nào", ông Hiệp nói.

Hay với một dự án cấp Thành phố, ông Hiệp cho biết, để xin được cấp giấy chứng nhận đầu tư thì Sở Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối tiếp nhận hồ sơ và theo quy định, nếu hồ sơ hợp lệ thì 15 ngày sau có kết quả. Tuy nhiên, trên thực tế, Sở Kế hoạch và Đầu tư còn gửi văn bản và chờ ý kiến của Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, cơ quan thuế-tài chính, cũng như chính quyền nơi có dự án.

"Như vậy, để giải quyết được công việc, doanh nghiệp phải trải qua nhiều cửa, từ 1 thủ tục thành 5-6 thủ tục. Theo đó, thời gian từ 15 ngày trên lý thuyết thành 5-6 tháng trên thực tế là bình thường", ông Hiệp nhấn mạnh.

“Có lẽ vì lý do này mà nhà đầu tư nước ngoài thường xác định mua lại dự án (M&A) với chi phí cao hơn đôi chút, mà tránh được 'mê hồn trận' thủ tục của chúng ta”, ông Hiệp hài hước lý giải.

Để khắc phục tình trạng trên, ông Hiệp cho rằng, cần xem lại việc giao trách nhiệm cho cơ quan đầu mối giải quyết các thủ tục và đưa thành quy chế cụ thể để giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp, tránh việc phải lòng vòng qua các bộ, ban ngành như hiện nay.

Một vướng mắc khác, theo đại diện CTCP Xây dựng Phục Hưng Holdings, đang làm hạn chế tính chủ động của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới tiến độ triển khai dự án, cũng như khiến việc quyết toán dự án bị chậm trễ, đó là các điều kiện bán sản phẩm là nhà ở hình thành trong tương lai.

Đại diện Phục Hưng Holdings cho biết, theo quy định hiện hành, khi mở bán sản phẩm là nhà ở cần phải có văn bản của cơ quan quản lý là Sở Xây dựng xác nhận đủ điều kiện bán nhà ở. Điều này đồng nghĩa với việc phải có thêm 1 thủ tục xin phép chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.

“Trong bối cảnh thị trường cạnh
tranh ngày một gay gắt như hiện nay, quy định này ảnh hưởng đến kế hoạch tiếp thị, truyền thông, tổ chức bán hàng của các doanh nghiệp. Do đó, chúng tôi đề nghị bỏ quy định xác nhận đủ điều kiện của cơ quan có thẩm quyền, chỉ cần yêu cầu chủ đầu tư trước khi bán nhà ở hình thành trong tương lai phải có văn bản thông báo cho cơ quan quản lý về xây dựng cấp Thành phố/Tỉnh việc nhà ở đã đủ điều kiện được bán”, vị đại diện trên nêu quan điểm.

Hiệu quả quản lý nhà nước bị hạn chế

Mặc dù có cả "rừng" thủ tục, song điều đáng nói là hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng lại chưa đạt yêu cầu, thậm chí còn tạo điều kiện cho tiêu cực có đất sống. Theo TS. Trần Chủng, Trưởng ban Chất lượng thuộc Tổng hội Xây dựng Việt Nam, tình trạng xây dựng, soạn thảo các văn bản hướng dẫn của cơ quan quản lý theo hướng cài cắm các điều kiện để ra các loại hình chứng nhận, xin phép diễn ra khá phổ biến, buộc doanh nghiệp cũng như các bên liên quan phải xin xỏ, chạy chọt...

Lấy dẫn chứng cụ thể, liên quan đến quy định “Tổ chức tham gia các lĩnh vực xây dựng phải có chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng” tại Nghị định 59/2015/NĐ-CP và Nghị định 42/2017/NĐ-CP, ông Chủng cho biết, các doanh nghiệp phản ứng khá gay gắt và đặt câu hỏi, liệu đây có phải là giấy phép con?

“Các tiêu chí, điều kiện xếp hạng không phản ánh bản chất năng lực của một doanh nghiệp. Các điều kiện 'có' nhân lực, 'có' thiết bị một cách cơ hữu có thể làm doanh nghiệp yếu đi do không tiếp thu được công nghệ tiên tiến, cũng như không tận dụng được nguồn nhân lực là các chuyên gia”, ông Chủng nói và cho rằng, sự cứng nhắc này còn làm ảnh hưởng đến phong trào khởi nghiệp mà Chính phủ đang phát động vì gây ảnh hưởng tới sự bình đẳng trong cạnh tranh của doanh nghiệp mới thành lập.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp, những thủ tục, điều kiện kinh doanh rườm rà đang làm chậm lại sự phát triển của ngành xây dựng vốn có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, với tỷ trọng đóng góp hơn 10% cho tăng trưởng GDP.

“Nếu chúng ta cải tiến được phần nào những thủ tục này thì tăng trưởng trong hoạt động đầu tư-xây dựng nói riêng và tăng trưởng GDP nói chung sẽ được cải thiện đáng kể”, ông Nguyễn Quốc Hiệp nhấn mạnh.              

Tin bài liên quan