Doanh nghiệp đang cần sự hậu thuẫn của Chính phủ trong cơ chế, chính sách để cải thiện năng lực cạnh tranh.

Doanh nghiệp đang cần sự hậu thuẫn của Chính phủ trong cơ chế, chính sách để cải thiện năng lực cạnh tranh.

Doanh nghiệp Việt cam kết hoạt động không vì lợi ích nhóm

Chọn 10 chủ đề thảo luận liên quan tới 7 ngành nghề và 3 lĩnh vực đang được coi là nóng nhất của nền kinh tế, Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF) do Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức ngày hôm nay (3/6) muốn chuyển tải thông điệp về trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong hội nhập phát triển kinh tế đất nước. Nhưng để làm tròn trách nhiệm này, doanh nghiệp rất cần sự hậu thuẫn của một môi trường kinh doanh thuận lợi, vì doanh nghiệp.     

"Sẵn sàng với cuộc cách mạng số"

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT; Chủ tịch Nhóm Kinh tế số

Chúng tôi khuyến nghị với Chính phủ tạo môi trường thuận lợi để phát triển start-up, tạo văn hóa start – up và vườn ươm công nghệ, từ đó tiến tới đổi mới giáo dục.

Chúng tôi đề nghị tiếp tục đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục để tạo ra nguồn nhân lực sáng tạo cho kinh tế và xã hội, sẵn sàng với cuộc cách mạng số là nguồn sáng tạo ra các giá trị cho xã hội.

Xúc tiến kêu gọi các quỹ đầu tư mạo hiểm có sự tham gia của nhà nước, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế. Xây dựng mạng lưới doanh nghiệp và hiệp hội tiên phong trong hệ sinh thái khởi nghiệp... và hỗ trợ doanh nghiệp kinh tế số lên sàn giao dịch công nghệ.

"Khu công nghiệp là hành lang địa lý cho sự hình thành cụm liên kết ngành"

Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đồng Tâm; Chủ tịch Nhóm Cụm liên kết ngành

Doanh nghiệp tư nhân khuyến nghị Chính phủ nghiên cứu khả năng thành lập ban triển khai cụm liên kết ngành. Ban này sẽ có các chuyên gia và doanh nhân am hiểu về cụm liên kết ngành, đã được đào tạo và học hỏi các mô hình cụm liên kết ngành thành công trên thế giới.

Cần có những chính sách hỗ trợ định hướng đối với các địa phương về phát triển cụm liên kết ngành ngay từ lúc hình thành các khu công nghiệp tại địa phương, tránh tình trạng các khu công nghiệp chỉ tập trung kêu gọi đầu tư theo số lượng để lấp đầy mà không quảng bá, kêu gọi, chọn lọc các nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề có liên quan, tương hỗ để tham gia vào chuỗi cụm liên kết ngành.

Xác định các khu công nghiệp là hành lang địa lý cho sự hình thành các cụm liên kết ngành. Các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cụm liên kết ngành sẽ được nhà nước tạo điều kiện tốt nhất về hạ tầng giao thông, ưu đãi về thuế, vốn…

"Dịch vụ công và quản trị kinh doanh đuổi kịp và đi trước yêu cầu phát triển"

Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen, Chủ tịch Nhóm Hội nhập và Toàn cầu hóa

Doanh nghiệp trông đợi Chính phủ chủ động nâng cao năng lực quản trị của chính quyền, nhân tố chủ đạo để kinh tế phát triển.

Cần tiếp tục hướng dẫn doanh nghiệp vận dụng cơ chế của hệ thống thương mại đa biên như chống bán phá giá, các biện pháp kỹ thuật, các chuẩn mực và tiêu chuẩn quốc tế, khu vực; nâng cao năng lực chống chuyển giá, trốn thuế, thôn tính, cạnh tranh không lành mạnh; tiếp tục hoàn thiện nâng cao hiệu quả trong thực hành “một điểm dừng”, đăng ký kinh doanh, thông quan, khai thuế, xúc tiến thương mại và đầu tư (chú trọng đầu tư trong nước), hoạch định và thực thi hữu hiệu hơn chính sách an toàn thực phẩm, an toàn sinh học, an toàn môi trường... để dịch vụ công và quản trị kinh doanh đuổi kịp và đi trước yêu cầu phát triển.

"Sớm ban hành các luật về phân phối bán lẻ và logistics"

Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Thái; Chủ tịch Nhóm Phân phối và Logistic

Kiến nghị sớm ban hành các luật về phân phối bán lẻ và logistics như Luật Bán lẻ, Luật chất lượng sản phẩm; xây dựng chiến lược tổng thể để hội nhập phát triển hệ thống phân phối bán lẻ và logistics, xác định và lượng hóa cơ hội tham gia của kinh tế tư nhân. Có cơ chế hỗ trợ đẩy mạnh xuất khẩu, đầu tư vào các nước đã ký FTA; quy hoạch tổng thể ngành phân phối bán lẻ và logistics; khuyến khích đầu tư nâng cấp hạ tầng thương mại, kho cảng.

Cần có cơ chế tài chính, tín dụng, chính sách đầu tư, đất đai thích hợp, phấn đấu giảm đáng kể lãi suất cho vay trung, dài hạn, cho vay mới theo các chuỗi sản xuất và cung ứng, thuê mua tài chính, bảo lãnh tín dụng qua ngân hàng.

Có cơ chế chích khuyến khích kết nối, hợp tác giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước.

"Doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng tham gia phát triển năng lượng sạch"

Ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần quốc tế Sơn Hà; Chủ tịch Nhóm Năng lượng sạch và Tiết kiệm năng lượng

Doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng tham gia chủ động, tích cực và có trách nhiệm vào phát triển năng lượng sạch, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Chúng tôi kêu gọi Chính phủ, chỉ đạo các cơ quan có liên quan khẩn trương hoàn thiện các chính sách để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo; có chính sách ưu đãi linh hoạt, áp dụng cho cả sản lượng năng lượng sạch được sản xuất, công suất thiết bị được lắp đặt, cả trong giai đoạn nghiên cứu, thí điểm, những năm đầu sản xuất…; hình thành đầu mối đánh giá với quy trình chuẩn nhanh chóng và thuận tiện những công nghệ ứng dụng và sản xuất năng lượng sạch; tạo điều kiện để giới doanh nghiệp tư nhân cùng các doanh nghiệp khác tham gia hoạch địch chính sách và định kỳ đánh giá hiệu quả áp dụng chính sách; tiếp tục duy trì các chính sách khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm – hiệu quả…

"Cam kết không hoạt động vì lợi ích nhóm"

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ô tô Trường Hải; Chủ tịch Nhóm Phát triển công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ

Xác định rõ  công nghiệp là ngành trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội, là thành tố cơ bản của một nền kinh tế và là nhân tố sống còn đối với sự phát triển kinh tế nói riêng và phát triển xã hội nói chung của một quốc gia.

Chúng tôi cùng nhau góp tiếng nói chung của mình dựa trên sự đồng thuận của những thành viên tích cực có tâm huyết, có tầm nhìn để quyết tâm cùng với các đối tác và Chính phủ thực hiện những vấn đề nêu ra và cam kết không hoạt động vì lợi ích nhóm nhằm góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu và rộng.

"Mong được có cơ chế linh hoạt hơn trong hoạt động huy động vốn"

Ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán TP.HCM; Chủ tịch Nhóm Thị trường tài chính và huy động vốn

Chúng tôi mong được có cơ chế linh hoạt hơn không chỉ ở hoạt động huy động vốn trong nước, mà còn trên thị trường quốc tế.

Chẳng hạn rào cản gia nhập thị trường Việt Nam của các tổ chức lớn ở nước ngoài hiện nay còn khá cao; rào cản đối với một số ngành nghề đặc thù cũng còn là một trở ngại không nhỏ cho khối tư nhân tham gia vào khai thác nguồn lực đất nước; các vướng mắc về luật chuyên ngành nhằm điều chỉnh quá trình cổ phần hóa khối doanh nghiệp nhà nước làm cho công tác này còn chậm so với kế hoạch…

"Chính phủ cần có một tầm nhìn xuyên suốt về phát triển nguồn nhân lực"

Ông Tạ Xuân Tề, Phó chủ tịch HĐQT Trường Đại học Nguyễn Tất Thành; Chủ tịch Nhóm Đào tạo và dạy nghề

Cộng đồng doanh nghiệp kêu gọi Chính phủ có một tầm nhìn, một chương trình quốc gia xuyên suốt về phát triển nguồn nhân lực, sự phối hợp có hệ thống với những giải pháp ngay trong lập pháp, hoạch định chính sách, thực thi chính sách và chia sẻ, phối hợp với doanh nghiệp để thực hiện. 

Các doanh nghiệp tư nhân cam kết tham gia xây dựng cơ chế, chủ động đầu tư dài hạn và thực thi chính sách hướng vào phát triển con người với chính sách tuyển dụng, đào tạo, đãi ngộ phù hợp, sử dụng nhân lực hữu hiệu, tạo điều kiện liên kết giữa doanh nghiệp với giới đào tạo, dạy nghề.

"Cần khuyến khích các nhà đầu tư thiên thần"

Ông Đỗ Hoài Nam,Sáng lập viên Up Co-working Space; Đồng chủ tịch Nhóm Khởi nghiệp và Sáng tạo

Để hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, sáng tạo, cần có cơ chế pháp lý đặc biệt bằng việc ban hành văn bản điều chỉnh hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, thừa nhận  hoạt động đầu tư thiên thần, huy động vốn cộng đồng và quỹ đầu tư mạo hiểm...

Khuyến khích nhà đầu tư thiên thần; miễn giảm thuế cho vườn ươm, khu vực làm việc chung, dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp; Xây dựng Cổng thông tin khởi nghiệp sáng tạo quốc gia…

"Kiến nghị lập cơ chế tham vấn và đối thoại thường xuyên với doanh nghiệp"

Ông Trần Mạnh Báo, Tổng giám đốc Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình; Chủ tịch Nhóm nông nghiệp

Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chấp nhận kiến nghị lập cơ chế tham vấn và đối thoại thường xuyên với doanh nghiệp, để đồng hành, tương tác hữu hiệu với doanh nghiệp và người lao động trong nông nghiệp và ngành chế biến nông phẩm.

6 nội dung cần kiến nghị là: sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn, quy mô công nghiệp; quyền của nhà đầu tư chế biến nông phẩm, cung cấp dịch vụ nông nghiệp và nông thôn được tiếp cận đất; nguồn vốn, thuế áp dụng với kinh doanh nông phẩm; doanh nhân hóa nông thôn, doanh nghiệp hóa nông nghiệp; an toàn vệ sinh thực phẩm; an toàn sinh học; khuyến khích đầu tư với hình thức đối tác công tư...

Tin bài liên quan