Doanh nghiệp toàn quyền giảm khai thác, đóng cửa mỏ dầu

Quý I/2016, giá dầu thanh toán bình quân chỉ đạt 39,8 USD/thùng, giảm 20,2 USD/thùng so với giá dự toán. Với diễn biến như vậy, phải tính đến khả năng hạn chế khai thác, tạm dừng khai thác, thậm chí đóng mỏ. Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho biết, việc này hoàn toàn do doanh nghiệp quyết định.
Ông Nguyễn Văn Phụng

Ông Nguyễn Văn Phụng

Với tình hình giá dầu xuống rất thấp trong thời gian dài, nhiều người cho rằng, nên hạn chế khai thác, thậm chí đóng cửa một số mỏ có giá thành khai thác cao. Ông nghĩ gì về quan điểm này?

Theo tôi được biết, trong quy trình khai thác dầu thô, sau khi đã khoan thăm dò, phát hiện có mỏ dầu, tiến hành đầu tư khai thác, nếu chỉ vì trong thời điểm nào đó giá thành khai thác cao hơn giá bán mà đóng mỏ, thì sau này, khi giá dầu tăng trở lại, doanh nghiệp phải đầu tư khoan lại có khi chi phí tốn kém hơn so với việc duy trì khai thác. 

Do vậy, doanh nghiệp phải tính toán, cân nhắc dựa trên bài toán kinh tế: giá dầu đến ngưỡng nào thì giảm sản lượng, giữ nguyên sản lượng, tăng sản lượng và ngưỡng nào thì đóng cửa mỏ. Vì thế, nhiều khi giá bán dưới giá thành nếu ở mức lỗ chấp nhận được, thấp hơn chi phí phải bỏ ra trong tương lai để khôi phục lại mỏ, thì vẫn nên cố giữ sản lượng khai thác.

Nghĩa là doanh nghiệp có toàn quyền trong hoạt động khai thác?

Trên các phương tiện thông tin đại chúng, một số chuyên gia kinh tế tính toán, giá dầu thô giao dịch từ mức bao nhiêu thì lãi, bao nhiêu thì hòa vốn và bao nhiêu thì lỗ và khi nào phải tính đến chuyện hạn chế khai thác, thậm chí đóng mỏ, tạm dừng khai thác. Đây là vấn đề rất lớn, nên Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương và nhiều bộ, ngành hữu quan phải tính toán, cân nhắc đề xuất với Chính phủ vì liên quan đến nguồn thu ngân sách nhà nước, đặc biệt là ngân sách Trung ương. Lý do là, nếu giảm sản lượng khai thác so với kế hoạch thì lấy tiền đâu để bù vào số hụt thu ngân sách nhà nước năm nay.

Hoạt động khai thác, chế biến tài nguyên nói chung, dầu khí nói riêng, vẫn có sự điều hành của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, nhưng phải tôn trọng quy trình, kỹ thuật, công nghệ khai thác và đặc biệt là quyết định của nhà thầu trên cơ sở Luật Dầu khí; hợp đồng khai thác, thăm dò dầu khí; các văn bản đã được Chính phủ Việt Nam và chính phủ nước có nhà thầu đang thăm dò, khai thác dầu khí ở Việt Nam ký kết.

Tôi xin nhấn mạnh rằng, Tổng cục Thuế hay Bộ Tài chính không có quyền đề nghị đóng cửa mỏ hay có những động thái nào can thiệp bằng biện pháp hành chính vào hoạt động của doanh nghiệp. Các cơ quan này chỉ có trách nhiệm giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, còn doanh nghiệp khai thác bao nhiêu, căn cứ vào các chính sách thuế hiện hành, cơ quan thuế thực hiện đúng nguyên tắc thu đúng, thu đủ, thu kịp thời.

Có thông tin cho rằng, do giá dầu thanh toán thấp hơn giá thành khai thác, doanh nghiệp bị lỗ, nên đề nghị được bù lỗ?

Trong hợp tác kinh doanh bao giờ cũng phải tuân theo nguyên tắc lời ăn - lỗ chịu, theo đó, nếu bán dưới giá thành thì nhà thầu phải tự bỏ tiền ra để bù chi phí, trên thế giới không chính phủ nào lấy tiền ngân sách bù lỗ do giá dầu xuống.

Hoạt động khai thác dầu khí liên quan đến một lực lượng lao động rất đông đảo cả trực tiếp lẫn gián tiếp; liên quan đến một loạt ngành nghề, dịch vụ ăn theo (dịch vụ khoan, dịch vụ cung cấp lao động, tư vấn, thiết kế…), nên giá dầu tác động rất nhiều chiều, có cả tác động trực tiếp đến số thu ngân sách từ bán dầu thô và tác động gián tiếp đến số thu ngân sách từ nhiều ngành, dịch vụ phục vụ hoạt động khai thác dầu khí.

Mặc dù vậy, Chính phủ Việt Nam không bao giờ bỏ tiền thuế của dân ra bù lỗ cho các nhà thầu do giá thành khai thác thấp hơn giá bán, nhằm cố gắng phát triển ngành công nghiệp này. Thậm chí, nếu mỏ nào đó bị thiên tai, hỏa hoạn, thì Nhà nước cũng không bỏ tiền thuế của dân ra để hỗ trợ, mà đã có bảo hiểm bồi thường thiệt hại.

Giá dầu thô xuất khẩu thấp, trong khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất lại phải nhập khẩu dầu thô để tinh chế. Vậy vì sao không bán toàn bộ dầu thô khai thác được cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất để tăng hiệu quả, thưa ông?

Hiện tại, một phần dầu thô khai thác trên thềm lục địa được dùng để xuất khẩu, một phần bán cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất tinh luyện thành xăng dầu thành phẩm. Tuy nhiên, sản lượng dầu thô bán cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất không đáp ứng công suất hoạt động của Nhà máy, nên hàng năm vẫn phải nhập khẩu dầu thô về tinh chế, dẫn tới câu chuyện vừa xuất khẩu dầu thô, vừa nhập khẩu dầu thô.

Câu chuyện này còn do nhiều mỏ dầu có chất lượng sản phẩm rất cao, nên xuất khẩu nguồn dầu thô này và nhập khẩu loại dầu thô có chất lượng phù hợp để tinh luyện thành xăng dầu thành phẩm sẽ đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Việc này cũng tương tự như trong ngành than khoáng sản: thay vì sử dụng toàn bộ sản lượng than chất lượng cao, chúng ta xuất khẩu một phần, đồng thời nhập khẩu loại than có chất lượng phù hợp để sử dụng sẽ có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Tin bài liên quan