Hệ thống thủ tục hành chính thiếu sự rõ ràng sẽ khiến Việt Nam bớt hấp dẫn trong mắt giới đầu tư

Hệ thống thủ tục hành chính thiếu sự rõ ràng sẽ khiến Việt Nam bớt hấp dẫn trong mắt giới đầu tư

Doanh nghiệp phản ứng vì việc thực thi chính sách thiếu rõ ràng

(ĐTCK) Mặc dù ghi nhận nhiều thành quả tích cực cho thấy môi trường kinh doanh đã được cải thiện rõ rệt trong thời gian qua, tuy nhiên, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2017 (VBF) vừa diễn ra, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước vẫn bày tỏ quan ngại về những rào cản mà doanh nghiệp phải đối mặt vì thủ tục hành chính, cũng như các tồn tại do sự thiếu đồng bộ của hệ thống thể chế, chính sách.

Ông Hiroshi Karashima, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) cho biết, cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ và đích thân Thủ tướng Chính phủ Việt Nam trong việc tích cực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng nhanh gọn và đơn giản hoá. Tuy nhiên, vẫn có nhiều doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp của JCCI phản ánh rằng, họ chưa thực sự hài lòng về việc thực thi và áp dụng pháp luật tại Việt Nam.

Cụ thể, theo phản ánh của một số doanh nghiệp, tại các nơi thực thi pháp luật, do cán bộ phụ trách chưa nắm bắt đầy đủ quy định nên đưa ra yêu cầu thực hiện các thủ tục hay cung cấp hồ sơ thiếu cơ sở về mặt pháp luật. Ngoài ra, trong trường hợp cần xin phép hay hỏi ý kiến nhiều bộ ngành, mỗi đơn vị lại đưa ra chỉ thị hay cách hiểu khác nhau, dẫn tới mất nhiều thời gian để hoàn tất thủ tục. Nguyên nhân là bởi việc trao đổi và chia sẻ thông tin giữa các bộ ngành không đầy đủ.

Chưa kể, một số các quy định pháp luật trong tình trạng mập mờ, chưa được giải thích rõ ràng, khiến nhiều doanh nghiệp tư nhân gặp khó trong việc phán đoán xem có vi phạm quy định hay không.

Từ thực tế trên, ông Hiroshi Karashima quan ngại cho rằng, việc hệ thống hành chính thiếu sự rõ ràng sẽ khiến Việt Nam bớt hấp dẫn trong mắt giới đầu tư, ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của quốc gia so với các thị trường khác. Để giải quyết vấn đề này, JCCI đề xuất nên xây dựng cơ chế xử lý khiếu nại nhất quán và mạnh mẽ do Thủ tướng quản lý và chỉ đạo trực tiếp, đồng thời hoàn thiện thủ tục xác nhận trước liên quan đến các quy định và pháp lệnh.

Cùng quan điểm, ông Tomaso Andreatta, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) đề xuất, cần giảm thiểu các yêu cầu chồng chéo hoặc mâu thuẫn của các đơn vị hành chính, vốn đang gây lãng phí thời gian, công sức và chi phí của doanh nghiệp và cả nhà nước.

Đưa ra ví dụ cụ thể là thủ tục chứng nhận an toàn thực phẩm đang được áp dụng, đại diện Eurocham phản ánh, mặc dù có quy định mới nhưng các tiêu chuẩn để có được giấy chứng nhận vẫn còn kẽ hở, khiến doanh nghiệp gặp khó vì tồn tại nhiều cách giải thích khác nhau.

Trong khi đó, dẫn câu chuyện cạnh tranh của các dịch vụ taxi công nghệ như Uber, Grab với taxi truyền thống, bà Natasha Ansell, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AMCHAM) nhấn mạnh, bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 phát triển mạnh mẽ đang đặt ra yêu cầu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, cũng như thay đổi tư duy cạnh tranh.

“Việt Nam cần tăng tốc để theo kịp tiến trình của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Chúng tôi mong rằng, chính phủ sẽ cân nhắc các công nghệ mới, như dịch vụ taxi công nghệ, căn cứ trên giá trị thực và khả năng giúp giải quyết các vấn đề phát triển nhờ ứng dụng công nghệ”, bà Natasha bày tỏ.

Bên cạnh đó, theo đại diện Amcham, có nhiều cơ hội đầu tư tại Việt Nam chưa thể trở thành hiện thực do vướng mắc về thể chế, quy trình cấp phép rườm rà, thiếu đồng bộ và không rõ ràng. Cụ thể, vẫn còn tồn tại những lĩnh vực thiếu nhất quán trong chính sách, đối xử không công bằng giữa các doanh nghiệp. Điều này sẽ cản trở đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam so với các nước trong khu vực, nhất là khi nhiều quốc gia đang tận dụng sức mạnh công nghệ để có bước tiến vượt bậc.

Thực tế này có thể thấy khá rõ trong một số lĩnh vực Việt Nam chưa thực sự mở cửa để thu hút vốn tư nhân, hay còn hạn chế do chú trọng vào khu vực doanh nghiệp nhà nước.

“Chúng tôi cho rằng, luật định cần phải được xây dựng để có thể thực thi một cách công bằng, bình đẳng nếu muốn thu hút nguồn vốn tư nhân”, bà Natasha thẳng thắn kiến nghị. 

Tin bài liên quan