Doanh nghiệp ô tô than Bộ Giao thông Vận tải “làm khó” với lộ trình tiêu chuẩn khí thải

Doanh nghiệp ô tô than Bộ Giao thông Vận tải “làm khó” với lộ trình tiêu chuẩn khí thải

Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý “ riêng ô tô chạy bằng nhiên liệu diesel cho phép thực hiện đến 31/12/2017” khi áp dụng lộ trình tiêu chuẩn khí thải nhưng việc Bộ Giao thông - Vận tải vẫn đề nghị “phải thực hiện ngay từ ngày 31/3/2017” có thể khiến sản xuất trong nước lâm vào cảnh khó khăn, đồng thời mở cửa cho hàng ngoại tràn vào.       

Mục tiêu 4, thực tế chỉ có 2

Lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải ô tô xe máy theo quyết định 49/2011/QĐ-TTg với yêu cầu phải đạt tiêu chuẩn khí thải mức 4 (tương đương Euro 4) đã được ban hành từ năm 2011 với thời gian có hiệu lực từ năm 2017.

Tuy nhiên, vào ngày 9/12/2016, tại Thông báo số 398/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ đã nêu rõ, ô tô du lịch, xe bus gắn động cơ diesel sẽ áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 4 từ ngày 1/1/2018; còn ô tô tải gắn động cơ diesel sẽ áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 4 vào năm 2022.

Vào ngày 14/3/2017, Bộ Giao thông Vận tải đã bất ngờ đưa ra phương án với đề xuất, thời điểm ô tô chạy bằng nhiên liệu diesel sản xuất và nhập khẩu phải đạt tiêu chuẩn khí thải mức 4 là từ ngày 31/3/2017. Ngay lập tức, đề xuất này đã tạo ra bức xúc tại nhiều doanh nghiệp ô tô.

Việc phải lùi thời hạn áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 4 này có xuất phát từ nguồn cung cấp nhiên liệu tại Việt Nam hiện chưa đạt mức 4.

Theo báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất chiếm 30% thị trường xăng dầu hàng năm sản xuất ra 2,48 triệu tấn xăng và 2,33 triệu tấn dầu diesel. Tuy nhiên, các sản phẩm xăng dầu này hiện chưa đạt mức tiêu chuẩn Việt Nam QCVN 1:2015/BKHCN (tương đương Euro 4). Còn Liên hợp lọc hoá dầu Nghi Sơn chuẩn bị đi vào sản xuất trong năm 2017 cũng có gần 4 triệu tấn dầu diesel chưa đạt QCVN 1:2015/BKHCN.

Phải tới tận năm 2021-2022, khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất hoàn tất nâng cấp, mở rộng mới có thể cung cấp nhiên liệu đạt mức tương đương Euro 4.

Trên cơ sở Thông báo số 389/TB-VPCP, các doanh nghiệp sản xuất ô tô tại Việt Nam đã ký hợp đồng mua linh kiện, phụ tùng, vật tư trong nước chưa sản xuất được với các đối tác nước ngoài, phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của năm 2017, trong số này có động cơ ô tô tiêu chuẩn Euro 2.

Tuy nhiên, từ ngày 1/1/2017, Cục Đăng kiểm đã ngưng cấp phiếu xuất xưởng cho các xe ô tô có sử dụng động cơ diesel được nhập khẩu trong năm 2017, khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh khi hợp đồng bán xe đã ký với khách, có năng lực sản xuất nhưng lại không xe giao được xe cho khách.

Hậu quả không chỉ là doanh nghiệp thiệt hại về kinh tế mà còn tạo ra bất bình đẳng giữa doanh nghiệp chịu khó đầu tư vào sản xuất tại Việt Nam với các doanh nghiệp chỉ chăm chăm nhập khẩu xe nguyên chiếc.

Vào ngày 10/3/2017, trong Thông báo số 126/TB-VPCP, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bên cạnh kết luận, giữ nguyên lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với ô tô, xe mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới quy định tại Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg, đã cho phép “riêng ô tô chạy bằng nhiên liệu diesel, thời điểm áp dụng là từ ngày 31/12/2017 và giao Bộ Giao thông Vận tải đề xuất phương án thực hiện trước ngày 15/3/2017”.

Đề xuất lạ

Vào ngày 14/3/2017, Bộ Giao thông Vận tải đã bất ngờ đưa ra phương án với đề xuất, thời điểm ô tô chạy bằng nhiên liệu diesel sản xuất và nhập khẩu phải đạt tiêu chuẩn khí thải mức 4 là từ ngày 31/3/2017. Ngay lập tức, đề xuất này đã tạo ra bức xúc tại nhiều doanh nghiệp ô tô.

“Sau Thông báo 398/TB-VPCP, ngoài việc đặt hàng như bình thường cho năm 2017, doanh nghiệp đã tiến hành chọn lựa và nhập động cơ mẫu về Việt Nam để thử nghiệm và được Cục Đăng kiểm chứng nhận động cơ Euro 4. Hiện chúng tôi đang tiến hành thiết kế, lắp đặt động cơ lên xe và thay đổi các bộ phận linh kiện khác cho phù hợp, tổ chức sản xuất thử và trình Cục Đăng kiểm thẩm định thiết kế, cấp giấy chứng nhận chất lượng cho các mẫu xe mới sử dụng động cơ Euro 4”, ông Mai Phước Nghê, Phó tổng giám đốc Công ty Ô tô Trường Hải cho hay và nói thêm, hiện có 7.000 xe tải đã được đặt hàng nhưng không thể giao xe do không có phiếu xuất xưởng, khiến khách hàng rất bức xúc.

Tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công, vướng mắc vì có xe mà không giao được hàng cũng tương tự. Ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc cho hay, doanh nghiệp có lắp ráp mẫu xe ô tô tải H100 với động cơ sử dụng nhiên liệu Diesel mức khí thải Euro 2, xuất xưởng dạng ô tô sắt xi tải và đã được cấp phiếu xuất xưởng chứng nhận của Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Trên cơ sở phiếu xuất xưởng sát xi và các thiết kế đã được Cục Đăng kiểm phê duyệt, trong tháng 1 và tháng 2/2017, Công ty làm thủ tục đóng thùng và xin cấp phiếu xuất xưởng cho 62 khách hàng. Tuy nhiên, từ ngày 06/03/2017, Cục Đăng kiểm Việt Nam thông báo tạm dừng không cấp phiếu xuất xưởng đóng thùng cho xe H100 với lý do tạm dừng cấp phiếu xe mức Euro 2. Trong khi đó toàn bộ số xe ô tô sát xi tải H100 chúng tôi đã hoàn thiện và xin phiếu xuất xưởng trong tháng 11/2016, thời điểm Quyết định 49/2011/QĐ - TTg chưa có hiệu  lực.

“Hiện nay Công ty còn 366 xe ô tô sát xi tải H100 đang chờ cấp phiếu xuất xưởng đóng thùng, đây là khối tài sản lớn nếu chậm giao xe cho khách hàng sẽ thiệt hại rất lớn về kinh tế , ảnh hưởng uy tín cũng như sản xuất kinh doanh của Công ty”, ông Đức nói.

Đó là chưa kể, công tác kiểm tra, đánh giá và thử nghiệm các mẫu xe mới sử dụng động cơ Euro 4 tại Cục Đăng kiểm Việt Nam không thể đẩy nhanh tiến độ bởi cả nước chỉ có 1 Trung tâm thử nghiệm tại Hà Nội.

Đáng nói là Bộ Giao thông Vận tải cũng khẳng định, đến thời điểm hiện nay, nhiên liệu diesel đạt chất lượng mức 4 vẫn chưa có trên thị trường nên đã đề nghị “giao Bộ Công Thương chỉ đạo các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu khẩn trương cung ứng dầu diesel đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 trên thị trường trong quý II/2017”.

Một chuyên gia am hiểu lĩnh vực xăng dầu đã cho hay, dù Bộ Công thương và các đầu mối xăng dầu nhập khẩu muốn triển khai nhập khẩu dầu diesel tương đương Euro 4 thì cũng cần từ 3 - 4 tháng để triển triển khai cơ sở hạ tầng, bồn bể, cột bơm nhiên liệu mới có thể cấp nhiên liệu ra thị trường. Tuy nhiên, nếu dùng dầu diesel nhập khẩu thì hơn 6,5 triệu tấn dầu diesel của Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn chưa đạt tiêu chuẩn Việt Nam QCVN 1:2015/BKHCN sẽ ế, có thể dẫn tới nguy cơ phải dừng sản xuất.

Việc các cơ quan hữu trách lại một lần nữa có những quan điểm khác nhau liên quan đến ngành ô tô một lần nữa cho thấy tính thiếu ổn định và nhất quán trong việc tạo lập môi trường kinh doanh ổn định, khiến nhà đầu tư không yên tâm bỏ tiền vào công nghiệp ô tô. Đó là chưa kể nếu đề xuất này được thông qua, doanh nghiệp ngành lọc dầu và sản xuất ô tô hiện có tại Việt Nam gặp khó khăn sẽ vô hình chung tạo cơ rộng cửa cho hàng hoá nhập khẩu, gây thêm áp lực về nhập siêu trong cán cân thương mại của Việt Nam.

Tin bài liên quan