Ông Nguyễn Hữu Quang, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội

Ông Nguyễn Hữu Quang, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội

Doanh nghiệp nhà nước thua lỗ ngày càng nhiều, chứng tỏ mô hình quản lý không còn phù hợp

Trước một số hoài nghi về hiệu quả hoạt động của cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu nhà nước, ông Nguyễn Hữu Quang, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội lo ngại, nếu không có cơ quan quản lý vốn nhà nước thì danh sách doanh nghiệp nhà nước thua lỗ sẽ tiếp tục dài ra.     

Từng làm Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) nên ông biết rất rõ việc để các bộ, ngành, địa phương làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, hay thành lập một cơ quan chuyên quản cũng đều có hạn chế và tích cực?

Quan điểm tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn nhà nước và chức năng quản lý nhà nước, chức năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước; xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước của các bộ, ngành, địa phương đối với vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp đã được đưa ra từ Đại hội lần thứ VIII của Đảng (năm 1996).

Đã 20 năm trôi qua, bàn tới, bàn lui, nghiên cứu, khảo sát không biết bao nhiêu lần, nhưng đến bây giờ vẫn chưa làm được. Khi vụ việc Vinashin, Vinalines… xảy ra, vấn đề thành lập cơ quan chuyên quản lại được bàn bạc một cách nghiêm túc, nhưng vẫn chưa làm được, thì gần đây lại “phát lộ” hàng loạt doanh nghiệp có vốn nhà nước làm ăn thua lỗ, mất vốn hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn tỷ đồng, như PVC, Đạm Ninh Bình, Xơ sợi Đình Vũ, Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất, Bột giấy Phương Nam, Gang thép Thái Nguyên…

Danh sách doanh nghiệp có vốn nhà nước làm ăn thua lỗ tiếp tục dài ra đã chứng tỏ mô hình giao các bộ, ngành, địa phương làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp không còn phù hợp.

Các doanh nghiệp mà ông vừa nêu và cả những đơn vị khác bị thua lỗ, mất vốn chưa “phát lộ” có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc các bộ quản lý ngành buông lỏng quản lý, coi nhẹ kiểm tra, thanh tra, giám sát, chứ không hẳn là do cơ chế quản lý vốn hiện hành?

Hiện tại, tổng tài sản của 871 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước là 3.105.453 tỷ đồng, còn nếu tính cả tài sản của doanh nghiệp có từ 50% vốn nhà nước trở lên thì tổng tài sản lên tới trên 5.408.400 tỷ đồng. Lưu ý là, khối tài sản này tính trên sổ sách kế toán, chứ không phải tính theo giá thị trường và cũng chưa tính đến giá trị quyền sử dụng đất. Còn nếu “tính đúng, tính đủ” thì khối tài sản của doanh nghiệp có vốn nhà nước từ 50% không biết lớn cỡ nào.

Khối tài sản lớn như vậy, nhưng hoạt động của doanh nghiệp nhà nước thì sao? Năm 2014, so với năm 2013, doanh thu của khu vực kinh tế này chỉ tăng… 1%; lợi nhuận trước thuế thậm chí còn giảm 1%; tổng nghĩa vụ tài chính phát sinh phải nộp vào ngân sách nhà nước cũng giảm 1%. Như vậy, chưa cần so với khu vực doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, mà so với chính doanh nghiệp nhà nước đã cho thấy hiệu quả hoạt động càng ngày càng giảm.

Danh sách doanh nghiệp có vốn nhà nước làm ăn thua lỗ tiếp tục dài ra đã chứng tỏ mô hình giao các bộ, ngành, địa phương làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp không còn phù hợp.

Một trong những chỉ tiêu quan trọng nhất để đo hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp là ROE (tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu). Hiện tại, ROE của 871 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước là 16%, không chỉ thấp xa so với doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, mà còn giảm so với năm 2013. Nên nhớ, các doanh nghiệp này hiện có vốn chủ sở hữu 1.233.723 tỷ đồng, nếu ROE tăng thêm 1-2% thì Nhà nước đã có thêm 12.337 -  24.674 tỷ đồng.

Như vậy, chưa cần nói đến những doanh nghiệp thua lỗ, mà chỉ cần nói tới việc quản lý, sử dụng vốn kém hiệu quả đã cho thấy cần phải có mô hình quản lý vốn nhà nước mới thay cho cách quản lý hiện nay.

Lấy trường hợp của Vicem, Bộ Xây dựng là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng, rất hiểu về hoạt động của ngành xi măng, nên Bộ này làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại Vicem tốt hơn là chuyển về một đầu mối quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, thưa ông?

Bộ Xây dựng có doanh nghiệp xi măng, Bộ Công thương cũng có doanh nghiệp xi măng, nhiều địa phương cũng có nhà máy xi măng. Cũng là sản xuất xi măng, doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng làm thế này, Bộ Công thương làm thế khác, vậy tại sao không gom vào một đầu mối để quản lý cho tiện.

Nhà nước đầu tư vốn vào doanh nghiệp thuộc bộ, ngành nào thì cũng đều là tài sản của nhà nước, nên cần một đầu mối quản lý mới có tiêu chuẩn, tiêu chí chung để so sánh, đánh giá xem doanh nghiệp nào hoạt động hiệu quả hơn, còn cứ để các bộ, ngành khác quản lý thì không so sánh được, vì doanh nghiệp nào cũng cho rằng mình có… đặc thù.

Tôi xin nhắc lại rằng, bộ, ngành, địa phương chỉ không làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, không can thiệp vào quản trị của doanh nghiệp, còn vẫn phải thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Cũng ví dụ từ ngành xi măng, xuất nhập khẩu phải chịu sự quản lý của Bộ Công thương, đầu tư ra nước ngoài chịu sự quản lý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nghĩa vụ với ngân sách nhà nước chịu sự quản lý của Bộ Tài chính, khai thác tài nguyên chịu sự quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường…

Nói như vậy là ông ủng hộ “siêu” Ủy ban Quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp?

Tôi được biết, Chính phủ cũng có ý tưởng đặt tên cho cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu nhà nước là Ủy ban Quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. Tên gọi thế nào không quan trọng, quan trọng là hiệu quả hoạt động, cụ thể là nâng ROE cùng các chỉ tiêu tài chính khác của khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều người gọi cơ quan này là “siêu ủy ban” và lo ngại “siêu ủy ban” với quyền hành quá lớn sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy. Tôi cho rằng, lo ngại này không có căn cứ. Cách đây 10 năm, khi thành lập Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), nhiều người cũng có lo ngại tương tự và cũng gọi SCIC là “siêu tổng công ty”. Nhưng qua 10 năm cho thấy, thành lập SCIC là hoàn toàn đúng đắn.

Tin bài liên quan