Dự án chăn nuôi của Công ty T&T 159 đang bị ảnh hưởng bởi những kiến nghị của doanh nghiệp chưa được hồi đáp.

Dự án chăn nuôi của Công ty T&T 159 đang bị ảnh hưởng bởi những kiến nghị của doanh nghiệp chưa được hồi đáp.

Doanh nghiệp mỏi mòn chờ hồi đáp kiến nghị

Trái ngược với những hào hứng ban đầu khi nhận được phản hồi với thời hạn cụ thể cho kiến nghị của doanh nghiệp gửi tới Văn phòng Chính phủ, nay một số doanh nghiệp bắt đầu thấy sốt ruột.     

Chờ đến bao giờ?

Ông Hà Văn Thắng, Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần T&T 159 (Hà Nội) bắt đầu hết kiên nhẫn khi đến ngày 10/2, ông vẫn chưa nhận được phương án xử lý cho những kiến nghị của doanh nghiệp.

“Chúng tôi vừa nhận được thông tin là Sở Xây dựng Hòa Bình sẽ có cuộc họp bàn với gần chục sở, ngành để giải quyết kiến nghị mà chúng tôi đã gửi đến Văn phòng Chính phủ hồi tháng 12/2016. Nghĩa là, chúng tôi sẽ chờ tiếp xem các sở, ngành sẽ họp về những vấn đề mà chúng tôi đã kiến nghị trước đó với UBND tỉnh, nhưng chưa xử lý được do vượt thẩm quyền, nên mới phải gửi tới Văn phòng Chính phủ”, ông Thắng than phiền.

Trước đó, ngay sau khi gửi kiến nghị về những bất cập trong thủ tục quy hoạch chi tiết và thủ tục giao đất cho dự án nông nghiệp tại Hội nghị Xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam diễn ra vào ngày 18/12/2016, Công ty T&T 159 đã gửi kiến nghị bằng văn bản tới Văn phòng Chính phủ.

Ông Thắng kể, mọi việc tưởng như hanh thông khi ngay lập tức Văn phòng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Hòa Bình trả lời kiến nghị của doanh nghiệp trước ngày 22/1/2017. Hai cơ quan này cũng ngay lập tức có văn bản yêu cầu xử lý với các thời hạn cụ thể, đều trước ngày 22/1/2017.

“Nhưng đến giờ, chúng tôi không biết cơ quan nào sẽ trả lời các kiến nghị đó? Các cơ quan đang hành xử khó hiểu với kiến nghị của doanh nghiệp, cứ như là đá bóng trách nhiệm”, ông Thắng bức xúc vì vướng mắc này mà các dự án đầu tư chăn nuôi quy mô lớn của Công ty đang bị chậm lại.

Dự án của chúng tôi ở Hòa Bình đã họp quá nhiều rồi, với gần 100 loại văn bản của sở, ngành địa phương gửi đi, gửi lại cho doanh nghiệp sau các cuộc họp, nhưng vẫn không trả lời được.

 - Ông Hà Văn Thắng, Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần T&T 159 (Hà Nội) 

Hiện tại, trên Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị doanh nghiệp của Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ cũng vừa gửi công văn lần thứ 2 tới Bộ Xây dựng và UBND tỉnh Hòa Bình, nhắc nhở 2 cơ quan này trả lời doanh nghiệp. Điều này có nghĩa, Công ty cổ phần T&T 159 sẽ tiếp tục kiên nhẫn chờ.

Cũng trên hệ thống này, một số doanh nghiệp đã phải gửi lại ý kiến vì đến hạn, nhưng chưa nhận được câu trả lời. Mới nhất là Công ty Dâu tằm tơ Tân Lộc kiến nghị sớm trả lời kiến nghị vì đã quá thời hạn 1 tháng…

Doanh nghiệp cần câu trả lời có giá trị sử dụng

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Thắng cho biết, doanh nghiệp cần câu trả lời có giá trị sử dụng được từ các cơ quan chức năng, chứ không phải là những văn bản phân công nhau như Công ty đang nhận được.

“Dự án của chúng tôi ở Hòa Bình đã họp quá nhiều rồi, với gần 100 loại văn bản của sở, ngành địa phương gửi đi, gửi lại cho doanh nghiệp sau các cuộc họp, nhưng vẫn không trả lời được vì kiến nghị của chúng tôi là đề nghị sửa chính sách, chứ không phải giải quyết vấn đề cho một dự án”, ông Thắng thẳng thắn.

Thực ra, khi doanh nghiệp gửi kiến nghị tới Văn phòng Chính phủ, thì đa phần các vấn đề hoặc đã vượt ra khỏi tầm xử lý ở cấp địa phương, hoặc đã kiến nghị nhiều lần không giải quyết được.

Thống kê các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp trên Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị doanh nghiệp của Văn phòng Chính phủ, có thể thấy 4 nhóm vấn đề chính gồm: đề nghị giải quyết vướng mắc trong áp dụng chính sách; các phản hồi, đóng góp về chính sách; kiến nghị về thủ tục hành chính; vướng mắc trong triển khai dự án đầu tư tại một số địa phương.

Bởi vậy, các doanh nghiệp cho rằng, họ cần các cơ quan có trách nhiệm đọc kỹ kiến nghị của doanh nghiệp, thấy hợp lý, đề xuất Chính phủ sửa đổi, nếu thấy không hợp lý thì trả lời, để doanh nghiệp nắm được tình hình để có phương án đầu tư - kinh doanh trong giai đoạn tới.

“Lúc này, chúng tôi cần biết chính sách đầu tư của Nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp thực sự đi theo hướng nào”, ông Thắng nói.

Ông Nguyễn Trọng Dũng, Tổ trưởng Tổ Công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ cho biết, từ khi thành lập đến thời điểm hiện tại, Tổ Công tác đã nhận và chuyển tổng cộng 303 phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp.

Tổ công tác đã chuyển các phản ánh, kiến nghị đến các cơ quan liên quan xem xét, xử lý. Đến nay đã nhận được 165 văn bản trả lời và đăng công khai trên Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp.

Hiện vẫn còn 138 phản ánh, kiến nghị trong quá trình xử lý, trong đó có 68 phản ánh, kiến nghị đã đến hạn, nhưng chưa nhận được văn bản trả lời.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

Tin bài liên quan