Doanh nghiệp mới đóng góp gì cho tăng trưởng GDP?

Doanh nghiệp mới đóng góp gì cho tăng trưởng GDP?

Năm 2016, GDP tăng 6,21%, nhưng năm 2017, Quốc hội vẫn đặt mục tiêu GDP tăng 6,7%. Một trong những cơ sở cho mục tiêu này là năm 2016 có trên 110.100 doanh nghiệp (DN) thành lập mới. DN thành lập mới đóng góp gì cho tăng trưởng kinh tế năm nay là câu hỏi được phóng viên Báo Đầu tư đặt ra với TS. Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.

Nhìn vào số lượng DN thành lập mới năm 2016 và 3 tháng đầu năm nay, rất nhiều người tin rằng, tốc độ tăng trưởng GDP năm nay sẽ khởi sắc. Tuy nhiên, qua 3 tháng đầu năm, kinh tế không tăng trưởng cao như kỳ vọng?

Nếu cộng cả DN thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động sau thời gian tạm ngừng do khó khăn thì năm 2016 có khoảng 136.800 đơn vị. Sau khi trừ đi 73.150 đơn vị giải thể và tạm ngừng hoạt động thì số DN tăng thêm chỉ có 63.650 đơn vị. Còn trong quý I/2017 có tổng cộng 35.750 DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động, sau khi trừ đi số DN phá sản và tạm ngừng hoạt động thì số DN tăng thêm trong 3 tháng đầu năm là 11.850 đơn vị.

Như vậy, kể từ đầu năm 2016 đến nay có 75.500 DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Nhìn vào số lượng DN được bổ sung vào nền kinh tế, nhiều người cho rằng, đây là cơ sở vô cùng quan trọng để GDP bứt phá. Tuy nhiên, tăng trưởng GDP trong quý I/2017 chỉ đạt 5,1%, thấp hơn so với năm 2016 và 2015 (tương ứng 5,48% và 6,12%) và thấp rất xa so với mục tiêu đặt ra. Trên thực tế, tốc độ tăng trưởng GDP không phụ thuộc nhiều vào khu vực này, vì DN mới thành lập cũng như quay trở lại hoạt động đóng góp chưa nhiều vào tăng trưởng GDP.

Vì sao vậy, thưa ông?

Số lượng DN thì nhiều, nhưng tuyệt đại đa số là DN nhỏ và siêu nhỏ, bình quân vốn đăng ký chỉ khoảng 8 tỷ đồng, mà đây chỉ là vốn đăng ký, còn vốn thực đưa vào sản xuất, kinh doanh chắc chắn ít hơn nhiều, nên đóng góp không nhiều vào GDP. Hơn nữa, rất nhiều DN thành lập mới trước đây là hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tức là họ đã tham gia sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào nền kinh tế và giờ chỉ chuyển đổi mô hình hoạt động.

Còn lý do nào khác nữa không?

Những lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng số lượng DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động nhiều nhất là kinh doanh bất động sản; dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng... Trong khi đó, lĩnh vực quan trọng nhất để tạo ra sản phẩm cho xã hội là công nghiệp chế biến - chế tạo; nông, lâm nghiệp và thủy sản lại chưa được nhiều DN đầu tư.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tổng số DN thành lập mới từ trước đến nay, chỉ có 13,72% hoạt động trong lĩnh vực chế biến - chế tạo, tạo ra sản phẩm hàng hóa cho xã hội, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Còn lại là hoạt động dịch vụ, đặc biệt là có tới 35,4% tổng DN hoạt động trong ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy… ngành không tạo ra sản phẩm vật chất cho xã hội, mà trên thực tế chỉ dựa vào thu nhập của người dân. Thu nhập của người dân tăng thì DN cung cấp các dịch vụ này mới tăng được doanh thu, nên đóng góp không đáng kể vào tăng trưởng GDP.

DN nhỏ và vừa, đặc biệt là mới thành lập, quay trở lại hoạt động đóng góp rất ít vào ngân sách nhà nước, đóng góp không đáng kể vào tăng trưởng GDP. Vậy khu vực này đóng góp gì cho xã hội, thưa ông?

Không quá đặt nặng khu vực DN này đóng góp cao cho tăng trưởng cũng như cho ngân sách nhà nước mà là giải quyết việc làm. Năm 2015, tổng số lao động đăng ký của DN thành lập mới là 1.472.000 người, năm 2016 là 1.268.000 người và 3 tháng đầu năm nay là 291.500 người. Như vậy, trong vòng hơn 2 năm qua, DN mới thành lập đã tạo việc làm cho khoảng 3.031.500 người, góp phần giải quyết an sinh xã hội, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, tăng tỷ lệ lao động chính thức trong nền kinh tế (lao động có hợp đồng lao động), tăng tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước… Người lao động có việc làm, có thu nhập đã và đang thúc đẩy tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP.

Tin bài liên quan