Niềm tin của doanh nghiệp đang phục hồi một cách mạnh mẽ

Niềm tin của doanh nghiệp đang phục hồi một cách mạnh mẽ

Doanh nghiệp lạc quan với triển vọng tăng trưởng 2018

(ĐTCK) Số liệu nghiên cứu của các cơ quan hữu quan, cũng như dấu hiệu tăng trưởng trong 2 quý cuối năm 2017 đều cho thấy, môi trường kinh doanh và cơ hội phát triển của năm 2018 sẽ trở nên tốt hơn. Đây là nền tảng quan trọng để cộng đồng doanh nghiệp (DN) đặt niềm tin vào triển vọng kinh doanh trong năm tới.

Tăng niềm tin phục hồi tăng trưởng

Kết quả khảo sát mới nhất về động thái và kế hoạch sản xuất kinh doanh của các DN do Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI) thực hiện mới đây cho thấy, niềm tin của DN đang phục hồi một cách mạnh mẽ, thể hiện qua thực tế hoạt động của khu vực này trong vài năm gần đây, chẳng hạn như số lượng DN được thành lập mới tăng kỷ lục, ước đạt hơn 100.000 DN/năm...

“Đã có những động thái và chuyển biến tích cực từ kết quả cải thiện môi trường kinh doanh thời gian qua, đặc biệt là việc Chính phủ đã xác định năm 2017 là năm giảm chi phí cho DN, từ đó quyết tâm nỗ lực hoàn thành mục tiêu cắt giảm 30-50% số giấy phép con để ‘cởi trói’ cho DN, với trọng tâm đặt vào 2 tuyến cải cách là giảm rào cản và giảm chí phí, góp phần giúp Việt Nam tăng bậc trong bảng xếp hạng về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh toàn cầu”, đại diện VCCI nói.

Quan trọng hơn, theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI, việc Chính phủ đưa ra Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 về Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và phát triển kinh tế tư nhân với những giải pháp đột phá sẽ là “đòn bẩy” quan trọng, báo hiệu năm 2018 sẽ tiếp tục có nhiều khởi sắc.

“Mọi dấu hiệu và chỉ báo đều cho thấy, môi trường kinh doanh và các cơ hội phát triển trong năm 2018 sẽ tốt hơn năm 2017”, ông Phòng cho hay.

2 cơ hội và 1 thách thức

Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, DN đang đứng trước 2 cơ hội và 1 thách thức lớn. Về cơ hội, thứ nhất, thông điệp của Chính phủ về phát triển kinh tế tư nhân, lấy kinh tế tư nhận làm động lực phát triển kinh tế là rất rõ ràng; thứ hai là môi trường kinh doanh ngày một thông thoáng, thời gian, chi phí được tiết giảm… giúp tăng cơ hội kinh doanh cho DN. Về thách thức, theo ông Hiếu, đó chính là cải thiện quản trị DN, nâng cao sức cạnh tranh.

“Khi sức ép cạnh tranh trên thị trường tăng lên sẽ tác động trực tiếp đến DN, nếu không thay đổi sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Vì vậy, DN tư nhân phải tự chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh cho chính mình, phải tự đổi mới, chủ động sáng tạo, chớp cơ hội từ tái cơ cấu nền kinh tế”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Đánh giá về sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, TS. Vũ Đình Ánh - chuyên gia kinh tế cho rằng, sự đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân hiện chưa tương xứng với tiềm năng.

“Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Kinh tế tư nhân có quy mô nhỏ, chủ yếu vẫn là kinh tế hộ gia đình, trình độ công nghệ và năng lực quản trị yếu, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh thấp… Cùng với đó, cơ cấu ngành nghề còn bất hợp lý, thiếu liên kết với nhau, cũng như với các thành phần kinh tế khác, năng lực hội nhập kinh tế quốc tế còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của các chuỗi giá trị sản xuất khu vực và toàn cầu…”, ông Ánh nói.

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém, tạo điều kiện để khu vực tư nhân thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, theo ông Ánh, việc đa dạng hóa nguồn lực tài chính đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Theo đó, ngoài tín dụng ngân hàng, DN cần được tiếp cận các nguồn vốn khác như quỹ khởi nghiệp, công ty Fintech, thị trường chứng khoán, trái phiếu chính phủ…

“Năm 2017, thị trường chứng khoán Việt Nam nằm trong nhóm thị trường tăng trưởng cao nhất thế giới. Đây là cơ hội để DN có thể huy động được vốn. Vấn đề của DN chính là tiếp cận trên nguyên tắc của thị trường”, ông Ánh nhấn mạnh.                 

“Niềm tin vào môi trường kinh doanh của các DN ngày càng tăng”

Doanh nghiệp lạc quan với triển vọng tăng trưởng 2018 ảnh 1

 Ông Đỗ Văn Vẻ, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hương Sen

Triển vọng kinh doanh năm 2018 có chiều hướng tích cực, bởi niềm tin vào môi trường kinh doanh của các DN ngày càng tăng. Nhiều DN đã phục hồi sau giai đoạn khó khăn, khi mà nền kinh tế đã và đang xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực, nhất là trong xuất khẩu dầu mỏ, dệt may, thương mại dịch vụ, nông sản thực phẩm… tạo nền tảng cho sự bứt phá trong năm tới. Các yếu tố này được kỳ vọng sẽ tiếp tục giúp Việt Nam cải thiện thứ hạng về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh toàn cầu. 

Tin bài liên quan