Các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội có nhiều đề xuất tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh

Các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội có nhiều đề xuất tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh

Doanh nghiệp Hà Nội nặng gánh chi phí

(ĐTCK) Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, đồng thời là Chủ tịch T&T Group và Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội cho biết, các doanh nghiệp trên địa bàn thủ đô vẫn đang gặp nhiều vướng mắc trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Tại hội nghị “Gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp” do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 28/11, ông Hiển cho biết, thủ tục cấp sổ đỏ cho tài sản của doanh nghiệp trên đất sau khi cổ phần hóa mất rất nhiều thời gian, chi phí, cơ hội. Bên cạnh đó, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm các đối tác sản xuất công nghiệp phụ trợ.

Đặc biệt, có nhiều rào cản đang hạn chế doanh nghiệp khởi nghiệp khiến các doanh nghiệp này hầu như chưa tiếp cận được với các doanh nghiệp lớn, vốn dĩ là khách hàng tiềm năng.

Theo ông Hiển, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa được thông qua nên lĩnh vực này vẫn đang thiếu cơ sở pháp lý nền tảng để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đồng thời khiến các quỹ hỗ trợ và bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động chưa hiệu quả.

Ngoài ra, chưa có chính sách đặc thù cho khởi nghiệp, đầu tư mạo hiểm, đầu tư gọi vốn cộng đồng, ưu đãi thuế cho các nhà đầu tư cá nhân, cơ chế đối ứng đầu tư từ Nhà nước cho các quỹ đầu tư tư nhân, cơ chế thoái vốn đầu tư... nên hoạt động khởi nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Ông Hiển đề xuất, cần đẩy nhanh cải cách các thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục liên quan đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

“Các cơ quan, ban ngành cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong tất cả các ngành và phục vụ hành vi của cán bộ”, ông Hiển nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cần rà soát rút ngắn thời gian, quy trình tác nghiệp, cải cách quy trình và khung pháp lý hiện hành để tạo thuận lợi cho việc thu hồi, bán tài sản của doanh nghiệp.

Liên quan đến khởi nghiệp, các doanh nghiệp đề nghị cần cụ thể hóa những nội dung và chương trình công tác lớn, chính sách và các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, đảm bảo công bằng, minh bạch.

Ở lĩnh vực bán lẻ, bà Vũ Thị Hồng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam - đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị Fivimart cho hay, hiện có những bất cập trong việc kiểm định và dán tem nhãn theo quy định tại Thông tư số 11/2012/TT-BKHCN ngày 12/4/2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ. Tại Nhất Nam, Công ty tốn không ít chi phí cho việc kiểm định.

“Khi nhập khẩu thiết bị để mở mới siêu thị, sau khi làm thủ tục tạm thông quan, thiết bị được đưa về kho của doanh nghiệp, sau đó phải làm hợp đồng với 2 nơi kiểm định. Việc kiểm định rất mất công và tốn kém chi phí cho doanh nghiệp”, bà Hồng phản ánh và cho biết, đây cũng là khó khăn mà nhiều doanh nghiệp khác gặp phải.

Ngoài kiến nghị sửa đổi các quy định về kiểm định và dán tem nhãn theo hướng tiết kiệm chi phí, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, bà Hồng đề nghị cần sớm có quy chuẩn quy hoạch về khoảng cách giữa các điểm bán lẻ cho trung tâm thương mại và siêu thị. Việc này nhằm tránh tình trạng cấp phép cho nhiều doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ và trung tâm thương mại trong phạm vi gần nhau, tạo ra sự phân bố không đồng đều và cạnh tranh khó khăn giữa các doanh nghiệp.

Đại diện cho tiếng nói chung của cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đánh giá cao kết quả đạt được trong việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh của lãnh đạo Hà Nội nhiệm kỳ mới. Kết quả này được thể hiện trên thực tế khi GDP của Hà Nội tăng mạnh, số lượng doanh nghiệp thành lập vượt ngưỡng 200.000, thu hút vốn đầu tư tăng cao.

Tuy nhiên, theo ông Lộc, việc cải cách môi trường kinh doanh để đảm bảo đáp ứng nhu cầu thực tiễn và kỳ vọng của doanh nghiệp vẫn còn rất gian nan bởi một bộ phận khá lớn công chức cơ sở chưa thay đổi. Vẫn còn nhiều phiền hà mà doanh nghiệp phản ánh trong cuộc điều tra năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2016 như cán bộ chưa thân thiện trong quan hệ với doanh nghiệp, thủ tục một cửa còn rườm rà vì một cửa nhưng nhiều “khóa”.

Tin bài liên quan