Việc cải cách không chỉ dừng lại ở cắt giảm thủ tục, mà phải là không làm phát sinh thủ tục mới không hợp lý

Việc cải cách không chỉ dừng lại ở cắt giảm thủ tục, mà phải là không làm phát sinh thủ tục mới không hợp lý

Doanh nghiệp đề nghị ngành công thương “cởi trói” mạnh hơn

(ĐTCK) Đánh giá tích cực động thái cắt giảm điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính gần đây của Bộ Công thương, song các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề vẫn đề xuất ngành công thương cần mạnh tay hơn để cởi trói cho sản xuất - kinh doanh.

Theo Vụ Pháp chế, Bộ Công thương, Bộ này chịu trách nhiệm quản lý 28 trên tổng số 243 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; kiểm soát 155 dịch vụ hành chính công (tương đương 452 thủ tục hành chính ở các cấp từ Trung ương đến cấp xã) và 1.216 điều kiện kinh doanh (chưa tính ngành nghề sản xuất, nhập khẩu ô tô).

Với phạm vi quản lý bao trùm nhiều ngành nghề, lĩnh vực sản xuất - kinh doanh quan trọng, Bộ Công thương được đánh giá là một trong những bộ có nhiều điều kiện kinh doanh với thủ tục hành chính vào loại phức tạp nhất.

Vụ Pháp chế cho biết, theo chủ trương đẩy mạnh cắt giảm các thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh, năm 2015, ngành công thương đã thực hiện bãi bỏ và đơn giản hóa 87 thủ tục hành chính (24%), qua đó, giảm 4,321 tỷ đồng/năm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (không tính chi phí cơ hội) cho doanh nghiệp.

Năm 2016, Bộ tiếp tục bãi bỏ và đơn giảm hóa 39 thủ tục hành chính. Trong năm 2017, Bộ Công thương đặt mục tiêu cắt giảm và đơn giản hóa 123 thủ tục hành chính thuộc 17 lĩnh vực quản lý, tại 40 văn bản quy phạm pháp luật. Tính đến thời điểm này, Bộ đã đơn giản hóa được 56/452 thủ tục hành chính (12,4% số thủ  tục hành chính của Bộ ở thời điểm hiện tại).

Nhiệm kỳ trước đó đã đẻ ra cả loạt giấy phép con và đều đưa về Bộ thực hiện, các doanh nghiệp phải chờ đợi quá lâu, trong khi và cũng chỉ là cấp phép trên giấy, không đánh giá đúng thực tiễn hoạt động tại doanh nghiệp

- Đại diện Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) 

Mặc dù vậy, tại Hội nghị lấy ý kiến về quy định thủ tục hành chính ngành công thương khu vực phía Bắc vừa diễn ra mới đây, đại diện các doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề cho rằng, với số lượng thủ tục cùng các điều kiện kinh doanh thuộc các ngành nghề quản lý là rất lớn, Bộ Công thương cần mạnh tay cắt giảm hơn nữa thì mới thực sự cởi trói cho doanh nghiệp và gỡ bỏ các rào cản để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Ông Đoàn Trọng Thà, Trưởng ban Chống gian lận thương mại, Hiệp hội Gas cho biết, Bộ Công thương cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, thay thế Nghị định 19, để tháo gỡ những vướng mắc cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh muốn mở cửa hàng kinh doanh khí gas hoặc được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực này.

“Nếu Nghi định thay thế Nghị định 19 chậm ban hành, doanh nghiệp phải hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép theo Nghị định 19 vốn rất bất cập. Đến khi Nghị định mới ban hành thì hồ sơ đã xong rồi, doanh nghiệp phải làm lại, vừa mất thời gian lại tốn thêm chi phí của doanh nghiệp”, ông Thà nói.

Trong khi đó, đại diện Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) cho rằng, Bộ Công thương cần phân cấp mạnh mẽ hơn cho các sở công thương.

“Nhiệm kỳ trước đó đã đẻ ra cả loạt giấy phép con và đều đưa về Bộ thực hiện, các doanh nghiệp phải chờ đợi quá lâu, trong khi và cũng chỉ là cấp phép trên giấy, không đánh giá đúng thực tiễn hoạt động tại doanh nghiệp”, đại diện VPSF nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, đại diện VPSF cũng đề xuất, cần rà soát bãi bỏ các quy định chứng nhận công bố hợp quy, hợp chuẩn lẫn nhau để doanh nghiệp tự công bố và chịu trách nhiệm, mà không phải đợi cấp phép của Nhà nước dưới dạng chứng nhận, xác nhận đã công bố.

Hiện nay, các lĩnh vực của Bộ Công thương đều đang áp dụng quy định này do vướng chung ở Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành và các bộ đều vận dụng để hình thành các giấy phép con, gây khó khăn rất nhiều cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Xuân Thành, đại diện Viettel cho rằng, việc cải cách không chỉ dừng lại ở cắt giảm thủ tục, mà phải là không làm phát sinh thủ tục mới không hợp lý, đồng thời thực hiện “1 cửa một đầu mối”, thay vì nhiều đầu mối như hiện tại.

Ông Thành dẫn chứng, trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 37 quy định, sau khi doanh nghiệp xác nhận xong chỉ cần báo cáo về Bộ. Nhưng tại một văn bản hướng dẫn cấp thông tư thì lại quy định thêm, ngoài việc báo cáo với bộ thì vẫn phải báo cáo với Sở, như vậy vẫn là thành hai cửa.

Hay như liên quan đến giấy tờ doanh nghiệp phải chuẩn bị trong hồ sơ, theo ông Thành, vẫn yêu cầu doanh nghiệp phải nộp nhiều giấy tờ mà Bộ Công thương hoàn toàn có thể trích xuất từ cổng thông tin của các Bộ liên quan, chẳng hạn như Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có thể in trên cổng thông tin của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

“Giấy nào có thể tra cứu được thì nền cắt giảm bớt cho doanh nghiệp, chỉ cần doanh nghiệp nộp mã số thì cơ quan nhà nước có thể tự kiểm tra thông tin cần thiết, thay vì cứ yêu cầu doanh nghiệp nộp đi nộp lại một loại giấy tờ”, ông Thành đề nghị.

Tin bài liên quan