Doanh nghiệp công nghệ cao hấp dẫn nhà đầu tư nhờ khả năng tăng trưởng nhanh, biên lợi nhuận cao và bền vững

Doanh nghiệp công nghệ cao hấp dẫn nhà đầu tư nhờ khả năng tăng trưởng nhanh, biên lợi nhuận cao và bền vững

Doanh nghiệp công nghệ cao “hái quả”

(ĐTCK) Các số liệu mới công bố cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ cao đang trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư trong và ngoài nước. 

Biên lợi nhuận tăng trưởng tốt

Tốc độ tăng trưởng doanh thu nhanh một cách bền vững, tỷ lệ sinh lời khá tốt của doanh nghiệp công nghệ thông tin trong thời gian gần đây đã giúp các công ty này trở thành những “ngôi sao đang lên”, dù hoạt động đầu tư có phần không ồn ào, sôi động như các lĩnh vực khác. 

Một nghiên cứu mới đây của Vietnam Report cho thấy, tuy chỉ chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn, từ 3 - 5% tổng số doanh nghiệp, thấp hơn rất nhiều so với số doanh nghiệp thuộc các ngành như xây dựng, bất động sản hay thực phẩm, song các công ty thuộc ngành viễn thông, tin học, công nghệ thông tin đã liên tục cải thiện mức độ tăng trưởng của mình.

"Các con số này cho thấy, Việt Nam ngày càng có nhiều tiến bộ lớn trong lĩnh vực kỹ thuật số và đây là điều kiện tiên quyết để sẵn sàng trở thành một trong những quốc gia tiến nhanh trong kỷ nguyên mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra"

- Isara Burintramart, Tổng giám đốc điều hành Reed Tradex

Cụ thể, trong Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp tăng trưởng mạnh nhất - FAST500, chỉ số tăng trưởng doanh thu kép hàng năm (CAGR) trung bình của các doanh nghiệp thuộc khối ngành này đang tăng dần qua các năm.

“Nếu trong 2 năm công bố 2014 và 2015, tương ứng với giai đoạn tăng trưởng 2009 - 2012 và 2010 - 2013, CAGR trung bình của khối ngành viễn thông, tin học, công nghệ thông tin thấp hơn CAGR trung bình của toàn bảng, thì trong 2 năm trở lại đây, CAGR trung bình của các doanh nghiệp ngành này đã vượt lên trên CAGR trung bình của toàn bảng và đặc biệt, đạt ở mức cao trong giai đoạn 2012 - 2015, lên tới 54,44% - đứng thứ 2 trong Top 5 ngành có chỉ số CAGR cao nhất trong bảng xếp hạng FAST500 năm 2017”, báo cáo của Vietnam Report chỉ rõ.

Doanh nghiệp công nghệ cao “hái quả” ảnh 1 

Ông Lê Anh Đức, Giám đốc nghiên cứu của Vietnam Report cho rằng, yếu tố nổi trội nhất khiến doanh nghiệp công nghệ cao trở thành đích ngắm hấp dẫn của nhà đầu tư chính là khả năng tăng trưởng nhanh chóng, biên lợi nhuận khá cao và bền vững.

“Xét trên tình hình và khả năng sinh lời của các ngành trong Bảng xếp hạng FAST500, ngành viễn thông, tin học, công nghệ thông tin luôn xuất hiện trong Top 3 ngành có hệ số sinh lời ROE cao nhất những năm gần đây. Nếu như ở các ngành khác, hệ số sinh lời luôn có sự biến động lớn qua các năm, thì trong 3 năm trở lại đây, tương ứng với giai đoạn 2010 - 2015, ROE bình quân ngành viễn thông, tin học, công nghệ thông tin luôn ở mức ổn định và cao hơn ROE trung bình toàn bảng, thể hiện khả năng sinh lời của ngành ở mức tốt, đem lại nhiều tiềm năng hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước”, ông Đức phân tích.

Tham vọng lớn của các đại gia công nghệ cao

Nhìn vào các con số thể hiện kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh trong thời gian gần đây cũng như kế hoạch phát triển năm 2017 của một số đại gia dẫn đầu lĩnh vực công nghệ, mà FPT là ví dụ điển hình, có thể hiểu tại sao các doanh nghiệp ngành này đang thực sự trở thành thỏi nam châm thu hút nhà đầu tư.

Mặc dù tăng trưởng tại thị trường trong nước gặp nhiều khó khăn khiến kết quả kinh doanh năm 2016 chưa đạt kế hoạch, tuy nhiên, sự phát triển tại các lĩnh vực chính và thị trường toàn cầu đã đánh dấu một năm khá tích cực đối với FPT.

"Với các ứng dụng công nghệ, chu kỳ hoàn vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp sẽ rút xuống còn khoảng 2 năm. Chỉ có rất ít công ty có thời gian hoàn vốn khoảng 3 - 5 năm"

- Isara Burintramart

Cụ thể, theo Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2016 của FPT, hoạt động tại thị trường toàn cầu tiếp tục tăng trưởng với doanh thu đạt 6.121 tỷ đồng, tăng 26% và lợi nhuận trước thuế đạt 935 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2015 đã bù đắp cho phần sụt giảm của thị trường trong nước. Bên cạnh đó, mảng xuất khẩu phần mềm đạt doanh thu rất khả quan (5.181 tỷ đồng), tăng 26% và lợi nhuận trước thuế đạt 855 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2015.

Quan trọng hơn, các lĩnh vực kinh doanh chính của FPT bao gồm công nghệ, viễn thông, giáo dục và đầu tư đều theo xu hướng đi lên, đóng góp lớn cho tăng trưởng tổng doanh thu của Công ty.

Năm 2017, doanh nghiệp này định hướng chiến lược tập trung mạnh vào 2 lĩnh vực cốt lõi là công nghệ và viễn thông, với con số kế hoạch doanh thu được HĐQT Công ty đưa ra là 46.619 tỷ đồng, tăng 15%, lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 3.408 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2016.

Bên cạnh đó, mảng gia công phần mềm được dự báo tăng trưởng 20,5% với mức lợi nhuận tăng 24,6%, góp phần đưa tổng mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của Tập đoàn lên lần lượt gần 14% và 19% so với năm 2016.

Đây là những con số đáng mơ ước mà theo Chủ tịch FPT Trương Gia Bình sẽ tạo nên “nền móng cho tăng trưởng mạnh năm 2017 và trong tương lai”.

Tham vọng lớn, có nhiều tiềm năng để phát triển, tuy nhiên, các doanh nghiệp ngành viễn thông, tin học, công nghệ thông tin ở Việt Nam cũng phải đối diện với không ít thách thức, trong số đó có vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao và vốn đầu tư. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp Việt thuộc lĩnh vực này chỉ dừng lại ở mức gia công, làm thuê cho công ty nước ngoài, khiến phần giá trị gia tăng tạo ra tại Việt Nam ở mức thấp so với kỳ vọng.

“Trong thời gian tới, để các lĩnh vực công nghệ cao giữ vững được đà tăng trưởng, thu hút thêm nguồn vốn đầu tư, đem lại giá trị lớn cho đất nước, bên cạnh sự hỗ trợ từ các chính sách của Chính phủ, doanh nghiệp Việt phải tự cải thiện và nâng cao nội lực của chính bản thân mình. Từ đó, tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu nội địa, đồng thời từng bước tiến ra thị trường nước ngoài”, ông Lê Anh Đức cho biết.

Ưu thế lớn từ cách mạng công nghiệp 4.0

Đánh giá về tiềm năng của các doanh nghiệp công nghệ cao Việt Nam, ông Isara Burintramart, Tổng giám đốc điều hành Reed Tradex, một công ty Thái Lan nhiều năm kinh nghiệm trong tổ chức hoạt động xúc tiến hợp tác quốc tế lĩnh vực công nghiệp, công nghệ cao tại Việt Nam khẳng định, Việt Nam đã hội đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để trở thành quốc gia phát triển mạnh về công nghệ, là đích đến đầu tư đầy hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư quốc tế đang tìm kiếm các cơ hội lớn.

Dẫn số liệu thống kê và nghiên cứu của công ty toàn cầu We Are Social, ông Isara cho biết, năm 2016, ước tính có thêm 3 triệu người Việt Nam sử dụng internet, nâng tổng số người sử dụng internet trên cả nước lên tổng cộng 50,05 triệu người, tương ứng khoảng 53% dân số. Bên cạnh đó, số lượng người, bao gồm tổ chức và cá nhân, sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội trong sinh hoạt và công việc tăng tới 31%, việc sử dụng mạng xã hội di động tăng 41%.

“Các con số này cho thấy, Việt Nam ngày càng có nhiều tiến bộ lớn trong lĩnh vực kỹ thuật số và đây là điều kiện tiên quyết để sẵn sàng trở thành một trong những quốc gia tiến nhanh trong kỷ nguyên mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra”, ông Isara cho biết.

Theo GS. Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới, sự kiện được tổ chức đầu năm nay tại Thụy Sĩ, Industry 4.0 hay cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4 (FIR), là thuật ngữ bao gồm một loạt các công nghệ tự động hóa hiện đại, trao đổi dữ liệu và chế tạo. Cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4 được mở đường bằng những đột phá khoa học vào thế giới vi mô và khám phá ra những quy luật mới của thế giới này, từ đó hình thành những công nghệ mới như công nghệ nano, in 3D, công nghệ sinh học phân tử, công nghệ di truyền, công nghệ của trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật…

Trong bối cảnh này, các công ty công nghệ cao nói chung, trong đó có Việt Nam, ngày càng trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư, bởi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được kỳ vọng sẽ giúp giảm chi phí hoạt động xuống 3,6% và tăng hiệu suất của các doanh nghiệp lên 4,1%/năm.

“Với các ứng dụng công nghệ, chu kỳ hoàn vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp sẽ rút xuống còn khoảng 2 năm. Chỉ có rất ít công ty có thời gian hoàn vốn khoảng 3 - 5 năm”, ông Isara cho biết.

Báo cáo mới nhất của McKinsey Global Institute (MGI) về viễn cảnh kinh tế ASEAN tới năm 2030, trong đó có Việt Nam, nhận định, lĩnh vực công nghệ cao đang thay đổi từng ngày với tốc độ nhanh chóng và sẽ thay đổi cách thức hoạt động của các ngành công nghiệp. Ngành viễn thông, tin học, công nghệ thông tin sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng, không chỉ ở sự phát triển trong ngành mà còn có xu hướng tích hợp với nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác như nông nghiệp, công nghiệp chế biến, giáo dục...

Tin bài liên quan