Doanh nghiệp chủ động tăng “chất” lao động

Doanh nghiệp chủ động tăng “chất” lao động

(ĐTCK) Chỉ chưa đến 20% lao động của Việt Nam được đào tạo chuyên môn và những kỹ năng được trang bị thường không phù hợp với đòi hỏi của thị trường, theo đánh giá của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), là nỗi lo lớn khi cánh cửa hội nhập đang ngày càng mở rộng.

Theo ông Ngô Hùng Tín, Phó tổng giám đốc VNPT, mặc dù nhu cầu nhân sự chất lượng cao của Tập đoàn là rất lớn, quan điểm của VNPT hiện nay vẫn là đào tạo nguồn lực tại chỗ. Việt Nam có thể sử dụng lao động nước ngoài, nhưng điều này không hề đơn giản vì phải trả chi phí cao, dẫn tới giảm sức cạnh tranh của DN trong nước. Tuy nhiên, theo ông Tín, sinh viên trường nghề mới ra trường hầu hết đều còn thiếu rất nhiều kỹ năng.

Ngoài cung cấp các dịch vụ viễn thông, từ năm 2011, VNPT đã phát triển sang lĩnh vực công nghệ với việc thành lập VNPT Technology. Để đáp ứng yêu cầu nguồn lực, VNPT đã phối hợp với Microsoft Việt Nam chủ động thực hiện nhiều chương trình đào tạo lao động. Bên cạnh đó, VNPT hiện có cơ sở ở 63 tỉnh, thành phố nên việc đào tạo, đào tạo lại ở các địa phương được tổ chức thường xuyên.

“Trong môi trường hiện nay, yêu cầu nguồn lực công nghệ thông tin là rất lớn, việc chuyển đổi công nghệ diễn ra rất nhanh nên việc đào tạo phải được thực hiện liên tục”, ông Tín chia sẻ.

Kiên trì với chính sách đào tạo nguồn lực tại chỗ, song VNPT cũng gặp không ít khó khăn. Theo ông Tín, quá trình làm việc với sinh viên các trường cao đẳng nghề, còn không ít những băn khoăn và thất vọng về thái độ làm việc của sinh viên. Ngoài kiến thức, kỹ năng còn thiếu và yếu thì tinh thần kỷ luật, tính trách nhiệm và khả năng làm việc nhóm là yếu tố cần cải thiện nhiều.

Cùng với VNPT, Microsoft Việt Nam là một trong các DN đề cao chính sách đào tạo nhân lực tại chỗ.

Microsoft hiện có khá nhiều chương trình đón nhận thực tập sinh tại Công ty. Các sinh viên tham gia chương trình thực tập sinh được hướng dẫn đào tạo và tham gia một dự án thật mang tính chất thương mại dựa trên nền tảng công nghệ.

Sau khi được tuyển dụng, các chương trình đào tạo của Microsoft tiếp tục với hệ thống trao đổi kỹ năng từ trên xuống. Cụ thể, nhân viên mới được một nhân viên lâu năm, có kinh nghiệm kèm cặp hướng dẫn. Ở cấp độ cao hơn, trong thời gian 1 tháng hoặc 1 quý, một nhân sự cấp cao sẽ trao đổi và giúp đỡ giải quyết khó khăn cho các nhân sự mới.   

Theo ông Nguyễn Bá Quỳnh, Giám đốc Khối Khách hàng Chính phủ và DNNN, Microsoft Việt Nam, các khóa học và chương trình đào tạo của Microsoft diễn ra  liên liên tục và  tất cả nhân sự từ CEO đến nhân viên… đều phải tham gia khóa học.

Trong khuôn khổ các chương trình đào tạo nhân lực tại chỗ, mới đây, Microsoft và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp khởi động Dự án “YouthSpark - Tăng cường kỹ năng làm việc, khởi nghiệp cho thanh niên và kết nối với DN nhỏ và vừa”.

YouthSpark là một sáng kiến trên quy mô toàn cầu do Tập đoàn Microsoft phát động từ năm 2012 với mục tiêu tạo cơ hội cho 300 triệu thanh thiếu niên trên toàn cầu tiếp cận với giáo dục, việc làm và lập nghiệp.

Tại Việt Nam, dự án được thực hiện nhằm mục tiêu giới thiệu và trang bị các kiến thức, kỹ năng làm việc trong môi trường hiện đại cho thanh niên Việt Nam, đồng thời kết nối giữa cung và cầu trên thị trường lao động, hỗ trợ thanh niên tìm kiếm việc làm tốt và khởi nghiệp thành công. 

Băn khoăn chất lượng lao động

Theo dự báo của ILO, khi tham gia vào AEC, nhu cầu việc làm của Việt Nam đến năm 2025 có thể tăng 14,5%. Tuy nhiên, ILO cũng đánh giá, chưa đến 20% lực lượng lao động của Việt Nam được đào tạo chuyên môn và những kỹ năng được trang bị thường không phù hợp với đòi hỏi của thị trường.

Năng suất lao động của người Việt Nam, theo nhận định của ILO hiện đang ở mức thấp so với các nước ASEAN và đứng cuối bảng so với các nước châu Á -Thái Bình Dương. Cụ thể, năng suất lao động Việt Nam bằng 1/5 lao động Malaysia, 2/5 Thái Lan và 1/15 Singapore.

Thực trạng đáng buồn trên là lý do khiến nhiều DN Việt Nam đang nỗ lực “tự cứu mình” bằng cách đẩy mạnh việc kết nối đào tạo và thực tập với các cơ sở dạy nghề hay các trường đại học cao đẳng.

Theo TS. Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI, DN Việt hiện nay rất cởi mở và sẵn sàng cho công tác đào tạo người lao động. Cụ thể, VCCI vừa hoàn thành khảo sát đánh giá nhu cầu lao động tại 700 DN tại Việt Nam, kết quả có tới 90% đơn vị đang có nhu cầu tuyển dụng người lao động và 70% số này sẵn sàng tạo điều kiện cho sinh viên thực tập và tìm kiếm việc làm.

Tin bài liên quan