Một trong những điểm Chính phủ cần gỡ cho DN là quy định về làm thêm giờ những lúc cao điểm mùa xuất khẩu.

Một trong những điểm Chính phủ cần gỡ cho DN là quy định về làm thêm giờ những lúc cao điểm mùa xuất khẩu.

Doanh nghiệp chờ được tháo gỡ nhiều nút thắt

(ĐTCK) Doanh nghiệp gửi tới cuộc gặp Thủ tướng Chính phủ ngày 17/5/2017 nhiều kiến nghị với kỳ vọng sẽ sớm được tháo gỡ nhiều nút thắt để hoạt động sản xuất kinh doanh đỡ vất vả và đạt hiệu quả cao hơn. Đầu tư Chứng khoán ghi nhận một số ý kiến.

Quy định linh hoạt về số giờ làm thêm

Ông Lê Văn Điệp, Phó tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú

Bộ luật Lao động hiện hành của Việt Nam quy định rằng, đối với tất cả các loại công việc, số giờ làm thêm hạn chế ở 30 giờ mỗi tháng, 200 giờ mỗi năm, thậm chí còn chi tiết hơn đến từng tuần, từng ngày. Điều này gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất. Vì có những lúc cao điểm xuất khẩu theo đơn của khách hàng, cần huy động nhân sự làm thêm giờ, dựa trên sự tự nguyện của lao động, vẫn không thể thực hiện được do vi phạm luật.

Doanh nghiệp rất mong Chính phủ có thể nghiên cứu, sửa đổi quy định về làm thêm giờ theo hướng quy định linh hoạt về số giờ làm thêm, đảm bảo lợi ích của cả người lao động và nhà sản xuất, chế biến. 

Cần xác định rõ hàng hóa sản xuất trong nước

Công ty TNHH MTV Chiếu sáng và thiết bị đô thị

Ngày 29/4/2016, Bộ Công thương ban hành Quyết định số 1656/QĐ-BCT về kết quả rà soát lần thứ nhất việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu cho 09 mã HS: 7219.32.00; 7219.33.00; 7219.35.00; 7219.90.00; 7220.20.10; 7220.20.90; 7220.90.10 và 7220.90.90. Trong số 09 mã này, có hai mã 7219.343.00 và 7219.34.00 (dùng cho sản xuất thang máy chở khách) chưa có doanh nghiệp nào sản xuất.

Công ty đã gửi 09 văn bản phản ánh tới Bộ Công thương và Thủ tướng Chính phủ ngay sau Quyết định 1656 được ban hành, nhưng Bộ Công thương không tiếp thu, với lý do là trước khi ban hành, Bộ không nhận được bất kỳ khiếu nại nào từ Công ty.

Đề nghị Bộ Công Thương chỉ ra doanh nghiệp nào trong nước sản xuất được hai mã HS nêu trên để Công ty mua, không phải nhập khẩu. 

Doanh nghiệp đang chịu gánh nặng phí hạ tầng

CTCP Dệt 10/10

Số lượng container xuất khẩu hàng năm của Công ty là 3.000 container và nhập khẩu hàng năm là 2.000 container 40 feet. Hiện tại, chi phí vận tải và các chi phí phải nộp trung bình cho mỗi container của Công ty là 1.879 USD/container.

Các chi phí phải nộp có nhiều loại và giá trị lớn như phí D/O, CIC, THC, CFS... Thực tế này cho thấy, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nói chung và Dệt 10/10 nói riêng đang phải chịu gánh nặng chi phí và rất khó khăn để duy trì doanh số, cũng như có lãi.

Doanh nghiệp chờ được tháo gỡ nhiều nút thắt ảnh 1

Trong bối cảnh khó khăn đó, doanh nghiệp xuất nhập khẩu tiếp tục nhận được Thông báo số 1548/TB-UBND ngày 21/12/2016 của UBND Quận Hải An, TP.Hải Phòng, thông báo về việc thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu trên địa bàn TP.Hải Phòng.

Cụ thể, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua Cảng Hải Phòng sẽ phải tính thêm chi phí hạ tầng cơ sở của các cửa khẩu thuộc Cảng với mức phí là 500.000 đồng/container 40 feet.

Thêm chi phí sẽ phát sinh thêm phí cho hoạt động xuất nhập khẩu của Dệt 10/10, với ước tính khoản nộp phí mới này là 2,5 tỷ đồng/năm. Đây là khoản phí không hợp lý, bởi doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải nộp 2 lần do chi phí sử dụng hạ tầng tại cảng biển đang được trích nộp từ cước vận tải thông qua các công ty kinh doanh dịch vụ vận tải đã được TP.Hải Phòng cấp phép sử dụng cầu cảng, kho bãi.   

Giao lĩnh vực sản xuất, kinh doanh sữa cho các doanh nghiệp sữa tư nhân làm chủ thị trường

TS. Hà Quang Tuấn, Chủ tịch Hanoimilk

Muốn phát triển kinh tế tư nhân thì nhà nước cần tin tưởng và trao cho khu vực này nhiệm vụ “đầu tàu” của nền kinh tế và đã đến lúc Nhà nước mạnh dạn ưu tiên, hỗ trợ cho những doanh nghiệp tư nhân lớn vươn lên tỏa sáng, dẫn dắt thị trường và dần dần khẳng định vai trò chủ đạo trong nền kinh tế.

Đồng thời, cần tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, an toàn, thông thoáng và minh bạch để các doanh nhân yên tâm làm ăn, phấn đấu làm giàu cho bản thân, từ đó đóng góp nhiều nhất cho xã hội.

Riêng trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh sữa, đến nay, hầu hết các doanh nghiệp sữa tư nhân lớn ở Việt Nam đều đã đầu tư dây chuyền thiết bị hiện đại của châu Âu và có sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Vì vậy, Nhà nước cần tin tưởng và giao lĩnh vực sản xuất kinh doanh sữa cho các doanh nghiệp sữa tư nhân làm chủ thị trường trên sân nhà và xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài như Trung Quốc, các nước Asian, châu Phi… Nhà nước nên sớm thoái vốn ở các doanh nghiệp sữa lớn, trả lại thị trường và tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp sữa tư nhân.

Chúng tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công thương khẩn trương kết thúc đàm phán và ký Hiệp định khung về kiểm dịch các phẩm sữa của Việt Nam với Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm và kiểm dịch Trung Quốc (AQSIQ), để các doanh nghiệp sữa Việt có thể xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm sữa vào thị trường này.

Đề nghị đổi mới quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo đó, cần tuân thủ và áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật quốc tế như Codex Standard For Milk, giảm bớt các thủ tục và thời gian xét duyệt hồ sơ. Bên cạnh đó, mong Chính phủ hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho các DN sữa tư nhân đổi mới công nghệ; ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thuê sử dụng đất để mở rộng các trang trại chăn nuôi bò sữa công nghệ cao.   

Nhà nước cần quan tâm bồi dưỡng kiến thức về quản lý, quản trị cho doanh nghiệp

Bà Đỗ Thị Hồng Hạnh, Giám đốc điều hành CTCP Bán đấu giá Lạc Việt

Với nhiều năm kinh nghiệm là chủ doanh nghiệp với quy mô nhỏ, tôi nhận thấy những khó khăn thường gặp như: thiếu kỹ năng quản trị doanh nghiệp hiện đại; vướng về thuế, hiểu biết về thuế và đặc biệt trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ công, thì phí thu về thường chậm, nhưng để xin hoãn nộp thuế lại vô cùng khó; về nguồn vốn hoạt động, doanh nghiệp mới hình thành năng lực mỏng thì việc tiếp cận vay vốn ngân hàng là rất khó khăn…

Do vậy, doanh nghiệp cần được Nhà nước quan tâm bồi dưỡng kiến thức chung về quản lý, quản trị công ty; cho giãn nợ thuế khi doanh nghiệp chưa thu hồi được công nợ của khách hàng; tổ chức giao lưu gặp gỡ để mở rộng quan hệ, nâng cao tầm nhìn và tập huấn các nghiệp vụ về thuế, tài chính cho doanh nghiệp… 

Xem xét việc cấp phép, chính sách thu tiền thuê đất nông nghiệp

Tổng công ty Chè Việt Nam (Vinatea)

Vinatea đã thực hiện giao khoán vườn chè theo Nghị định 01 từ năm 1995 cho các hộ làm chè, nên không còn diện tích canh tác tập trung. Do cây chè trên đất thuộc sở hữu của người lao động, nên Vinatea gặp khó khăn trong việc quản lý về thu mua nguyên liệu, về bảo vệ thực vật, đặc biệt là sử dụng thuốc thuộc diện cấm, thuốc diệt cỏ…

Doanh nghiệp chờ được tháo gỡ nhiều nút thắt ảnh 3

Trong khi đó, các nhà máy không có vùng nguyên liệu vào tranh mua, làm cho vườn chè bị xuống cấp nghiêm trọng (vườn chè ở Yên Bái, Phú Thọ, Mộc Châu…).

Các doanh nghiệp phải chịu tiền thuê đất sản xuất, trong khi các hộ dân không phải chịu thuế là chưa công bằng, gây áp lực lớn cho doanh nghiệp. Ngoài ra, khó khăn còn đến từ chi phí vận chuyển cao, nhiều loại chi phí trên đường (thường là không có chứng từ)… 

Khoanh nợ, gia hạn nợ cho hộ dân

CTCP Sản xuất thuốc thú y Đức Hạnh Marphavet, thuộc Tập đoàn BMG

Để góp phần phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam, chúng tôi xin đề xuất Chính phủ chỉ đạo các cơ quan hữu quan các cấp, các ngành sớm có phương án tháo gỡ cho các hội chăn nuôi, các doanh nghiệp, sản xuất-kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, các đại lý phân phối, các hộ kinh doanh và hộ nông dân bằng cách khoanh nợ, gia hạn nợ cho hộ dân, vì thời gian vừa qua, nhiều hộ nông dân đã bị thua lỗ, không có khả năng trả nợ.

Nhà nước nên cân nhắc có chính sách hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, chủ trang trại, hỗ trợ gói hàng 100.000 tỷ đồng cho họ vay qua lúc khó khăn này. Đồng thời cùng vào cuộc để kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp, Bộ Công thương, các thị trường ngoài nước để tìm đầu ra cho các sản phẩm của hộ chăn nuôi, hướng đến xuất khẩu thực phẩm.

Một trong những giải pháp hữu hiệu là huy động các doanh nghiệp lớn trong nước thu mua chế phẩm các sản phẩm từ thịt theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới để cùng xây dựng sản phẩm quốc gia cho xuất khẩu.

Bên cạnh đó, tập trung xây dựng vùng nguyên liệu cung cấp ngô, đậu tương, sắn và dược liệu, nguyên liệu sản xuất thuốc tân dược, thuốc thú y để giảm thiểu nhập khẩu. Bởi tính riêng các mặt hàng này, Việt Nam đang nhập khẩu gần 6 tỷ USD/năm, trong khi diện tích đất đồi núi lớn, đất trống còn nhiều, bờ biển dài, thuận lợi cho phát triển và xuất khẩu thủy sản, Chính phủ nên có nguồn kinh phí cấp cho các dự án khả thi về các lĩnh vực này. 

Tin bài liên quan