Đo dòng vốn quốc tế vào các thị trường mới nổi

(ĐTCK) Trong cuộc trò chuyện tại Báo Đầu tư cuối tuần qua, Đại diện thường trú của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam và Lào, ông  Sanjay Kalra cho rằng, kinh tế Việt Nam đang có những chuyển biến tích cực, song nền kinh tế toàn cầu hiện chưa hồi phục hoàn toàn.
Đo dòng vốn quốc tế vào các thị trường mới nổi

Điều này dẫn đến việc các quốc gia sẽ ban hành nhiều chính sách mới nhằm tiếp tục kích thích kinh tế, tạo ra những tác động đáng kể đến sự luân chuyển các dòng vốn quốc tế, nhất là tại các thị trường mới nổi trong năm 2015.

IMF nhìn nhận sức khỏe nền kinh tế toàn cầu hiện nay như thế nào, thưa ông?

Trong bản báo cáo về kinh tế toàn cầu phát hành cuối tháng 10 vừa qua, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2014 và 2015. Cụ thể, vào tháng 4, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu đạt 3,6% trong năm nay, nhưng hiện chúng tôi cho rằng chỉ có thể đạt 3,3%. Tương tự, hồi tháng 4 chúng tôi dự đoán tăng trưởng năm 2015 sẽ đạt 4%, nay hạ xuống còn 3,8%.

Tại sao chúng tôi lại giảm dự đoán như vậy? Sau khi phân tích các rủi ro, chúng tôi thấy rằng, dù các quốc gia đã áp dụng nhiều biện pháp để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, nhưng nhiều rủi ro vẫn còn hiện hữu và các gói kích thích kinh tế trên toàn cầu ngược lại đang tạo ra một số rủi ro cho nhiều nền kinh tế. 

Vậy mặt trái của các gói kích thích kinh tế đến thị trường vốn quốc tế là gì?

Tất cả các gói kích thích kinh tế của Mỹ, Nhật… về lý thuyết nhằm thúc đẩy tăng trưởng nhưng nó cũng tạo ra lượng tiền lớn, chảy vào các thị trường mới nổi, tạo ra hiệu ứng phụ. Hiện một số nền kinh tế như Mỹ, Anh đang dần hồi phục,  nhưng các nền kinh tế mới nổi đang bị ảnh hưởng xấu và sau 6-7 năm nữa họ mới có thể giải quyết được các vấn đề do tiền nhiều. Việc xử lý các hiệu ứng đó sẽ ảnh hưởng đến giá cổ phiếu, trái phiếu chính phủ, giá hàng hóa… Tại Việt Nam, trong 3-4 tuần qua, giá tiền đồng cũng đang bị yếu đi.

Theo IMF, việc Mỹ cắt giảm gói QE3 sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn vào các TTCK mới nổi 

Mới đây, Mỹ công bố sẽ chấm dứt gói kích thích kinh tế QE3, điều này sẽ tác động như thế nào đến thị trường tài chính toàn cầu, theo ông?

Người ta kỳ vọng, nền kinh tế Mỹ đã hồi phục thì Chính phủ mới rút QE3 và Mỹ sẽ rút từ từ chứ không ngừng các gói kích thích kinh tế đột ngột. Hiện các nhà đầu tư phán đoán các quyết định trong tương lai của Chính phủ Mỹ để đưa ra quyết định hành động như liệu dự trữ bao nhiêu USD, vàng. Tôi cho rằng, USD sẽ mạnh hơn, vàng và các ngoại tệ khác như euro, yen Nhật sẽ giảm giá. Tương ứng, danh mục của nhà đầu tư sẽ thay đổi từ vàng sang USD.

Thực tế, trong vòng 2-3 tuần qua, thị trường toàn cầu cũng chứng kiến những biến động rất lớn trên các thị trường cổ phiếu, trái phiếu…

Từ đầu năm đến nay, có thể thấy khá rõ vốn nước ngoài chảy vào các thị trường mới nổi tăng mạnh, Việt Nam cũng đón dòng vốn quốc tế mạnh hơn. Tới đây, dòng vốn quốc tế theo quan điểm của IMF sẽ vận động thế nào?

Trước đây, do các gói kích thích kinh tế được tung ra, lãi suất ở các khu vực kinh tế phát triển giảm nhiều, nhà đầu tư trên thế giới chuyển đầu tư sang các thị trường mới nổi nơi có lãi suất cao, trong đó một số tiền nhất định đã đầu tư vào TTCK. Rõ ràng có sự dịch chuyển vốn vào các thị trường là do chênh lệch lãi suất giữa các thị trường phát triển và mới nổi. Khi Mỹ cắt giảm QE3, lãi suất của các nước phát triển tăng, khoảng cách với các nền kinh tế mới nổi sẽ hẹp lại. Như vậy, theo quan điểm của tôi, có thể tiền đổ sang các thị trường mới nổi sẽ giảm.

Quan sát được đầy đủ bức tranh kinh tế toàn cầu, ông thấy sự dịch chuyển vốn vào thị trường Việt Nam đã hồi phục chưa?

Khi Việt Nam gia nhập WTO, đã thu hút một nguồn tiền lớn đổ vào thị trường vốn, cổ phiếu tăng nóng, dòng tiền vào nhiều gây ra nguy cơ bong bóng ở nhiều mã chứng khoán. Khi thị trường suy giảm, nhiều nhà đầu tư thua lỗ.

Sau khi Mỹ tung ra các gói QE3, như tôi đã đề cập, vốn ở các thị trường phát triển chảy sang các thị trường mới nổi nhưng nhiều nhà đầu tư chưa trở lại Việt Nam vì họ vẫn còn nghi ngờ về sự hồi phục. Một số vào Thổ Nhĩ Kỳ,  Indonesia và Ấn Độ, số khác vào Thái Lan, Nam Phi, còn Việt Nam mới có rất ít.

Tôi cho rằng, khi kinh tế Việt Nam hội nhập sâu với kinh tế thế giới, thị trường cổ phiếu, trái phiếu mở rộng sẽ có nhiều nhà đầu tư vào Việt Nam.

Vậy ông nhìn nhận gì về chuyển động kinh tế Việt Nam trong năm 2014 và triển vọng 2015?

Chúng tôi nhìn thấy nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng  khá tốt vào quý III năm nay, sang quý IV, một số người cho rằng  sẽ tốt hơn. Bởi vậy, chúng tôi tin rằng mục tiêu tăng trưởng GDP mà Chính phủ đã đề ra cho năm nay là 5,8% sẽ đạt được. Điều này cũng sát với mức dự báo của IMF.  Năm 2015, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 6,4%, chúng tôi cũng dự báo Việt Nam sẽ đạt được mức đó, có thể chỉ thấp hơn một chút thôi.

Vấn đề IMF lưu ý là Việt Nam cần thúc đẩy cầu nội địa cũng như hoạt động của khối doanh nghiệp tư nhân trong nước. Hiện các số liệu cho thấy cầu nội địa còn thấp, đầu tư tư nhân dù được cải thiện trong quý III, song chúng tôi thấy vẫn chưa mạnh như trước. Nếu rào cản về tiếp cận vốn ngân hàng không giải quyết tốt hơn thì kinh tế Việt Nam sẽ có nhiều vấn đề, bởi chúng ta cùng phải thừa nhận tăng trưởng tín dụng thực chưa thực sự tích cực.

Tin bài liên quan