Điều kiện kinh doanh “khóa bánh” doanh nghiệp vận tải

Điều kiện kinh doanh “khóa bánh” doanh nghiệp vận tải

Hàng loạt quy định trói chân doanh nghiệp tại Nghị định số 86/2014/NĐ - CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đang được lấy ý kiến chỉnh sửa.     

Vỡ điều kiện số lượng xe tối thiểu

Hôm nay (15/7), thời hạn góp ý cho Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (Nghị định 86) sẽ kết thúc, nhưng những ý kiến bằng văn bản vẫn tiếp tục dồn về cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT).

Có hiệu lực từ ngày 1/12/2014, Nghị định 86 gần như ngay lập tức nhận được những phản hồi gay gắt của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng ô tô, trong đó nổi cộm nhất chính  là khoản 4, Điều 15 về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định.

Cụ thể, từ ngày 1/7/2016, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định từ 300 km trở lên phải có từ 20 xe trở lên đối với đơn vị có trụ sở đặt tại các thành phố trực thuộc Trung ương; từ 10 xe trở lên đối với đơn vị có trụ sở đặt tại các địa phương còn lại và từ 5 xe trở lên đối với đơn vị có trụ sở đặt tại huyện nghèo theo quy định của Chính phủ.

Mong muốn của các cơ quan quản lý nhà nước là tạo áp lực để các doanh nghiệp vận tải tích tụ đủ lớn về số lượng, từ đó làm chuyển biến chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, theo bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tính đến cuối tháng 5/2016 - thời điểm bắt đầu xin ý kiến góp ý cho dự thảo, dù đã có nhiều đơn vị kinh doanh vận tải đã thực hiện liên kết, các hộ kinh doanh gia nhập hợp tác xã hoặc liên kết để thành lập doanh nghiệp, song số lượng các đơn vị có quy mô dưới 5 xe vẫn chiếm tỷ trọng lớn.

Số đơn vị kinh doanh vận tải có quy mô nhỏ hơn 5 xe là 17.799/24.580 đơn vị, chiếm 72,4% tổng số đơn vị kinh doanh vận tải cả nước. Trong đó, có tới 34,5% đơn vị chạy xe tuyến cố định; 86,6% xe hợp đồng; 53,2% xe container; 76,9% xe du lịch; 78,4% xe tải không đạt quy mô lượng xe tối thiểu quy định tại Nghị định 86.

Như vậy, nếu chiểu theo quy định hiện hành, ngoài các đơn vị kinh doanh vận tải khách bằng taxi đã thỏa mãn, thì hầu hết các đơn vị kinh doanh loại hình vận tải đường bộ sẽ “đứng hình” khi áp dụng quy định này.

Để gỡ tình trạng “việt vị” của các đơn vị kinh doanh vận tải, Bộ GTVT đề xuất 2 phương án xử lý quy định lệch pha thực tế của Nghị định 86.

Theo đó, các đơn vị kinh doanh vận tải đã được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trước ngày Nghị định này có hiệu lực, đến hết ngày 31/12/2018 hoặc đến hết thời gian có giá trị của Giấy phép đã cấp phải có số lượng xe tối thiểu theo quy định của Nghị định; hoặc các đơn vị kinh doanh vận tải được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trước ngày nghị định này có hiệu lực, đến hết thời gian có giá trị của Giấy phép đã cấp phải có số lượng xe tối thiểu theo quy định của Nghị định này.

Bỏ duyệt phương án kinh doanh

Một điểm nhấn đáng chú ý khác tại Dự thảo sửa đổi Nghị định 86 là cơ quan soạn thảo đề xuất bỏ quy định phê duyệt phương án kinh doanh khi các đơn vị vận tải tiến hành thủ tục cấp, cấp lại Giấy phép kinh doanh. Tại điểm b, khoản 1, Điều 22 Nghị định 86, thì cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh vận tải thẩm định hồ sơ, cấp Giấy phép kinh doanh, đồng thời phê duyệt Phương án kinh doanh kèm theo.

Tuy nhiên, quy định này đã gây khó khăn cho cơ quan cấp phép cũng như cho đơn vị kinh doanh vận tải, đồng thời trong thực tế việc thay đổi phương án kinh doanh của các đơn vị kinh doanh vận tải được thực hiện thường xuyên, liên tục, tùy thuộc vào điều kiện hoạt động và hiệu quả kinh doanh của mỗi đơn vị.

“Nếu mỗi lần thay đổi phương án kinh doanh đều phải đợi cơ quan cấp phép phê duyệt xong mới được hoạt động sẽ làm chậm trễ, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các đơn vị”, đại diện Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết.

Được biết, hiện Bộ GTVT vẫn chưa quyết sửa đổi khoản 3, Điều 17 về niên hạn xe taxi khi đưa ra 2 phương án xin ý kiến của các doanh nghiệp. Cụ thể, trong phương án 1, Bộ GTVT đề xuất giữ nguyên như hiện tại (xe taxi có niên hạn sử dụng không quá 8 năm tại đô thị loại đặc biệt; không quá 12 năm tại các địa phương khác). Trong phương án 2, Ban soạn thảo đề xuất áp dụng trên toàn quốc quy định xe taxi có niên hạn sử dụng không quá 12 năm tính từ ngày sản xuất.

 “Bộ GTVT nên tính niên hạn sử dụng xe taxi theo thời điểm đăng ký sử dụng lần đầu, chứ không nên tính theo năm sản xuất”, ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội đề xuất.

Cả Hiệp hội Taxi Hà Nội và Hiệp hội Taxi TP.HCM đều kiến nghị Bộ GTVT coi taxi là phương tiện giao thông công cộng. “Hiện nay, taxi không được xếp vào vận tải cá nhân, nhưng cũng không được xếp vào vận tải công cộng để có những chính sách ưu đãi phù hợp. Hà Nội hiện có 117.000 xe taxi với hơn 30.000 cán bộ, lái xe. Hàng năm vận chuyển khoảng 20 triệu lượt khách, nhưng hiện taxi chỉ khác xe cá nhân ở mỗi cái biển taxi”, ông  Đỗ Quốc Bình cho hay.

Tin bài liên quan