Thủ tướng Nguyễn  Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tham dự Diễn đàn VDF 2016

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tham dự Diễn đàn VDF 2016

Diễn đàn VDF 2016: Chính phủ lắng nghe khuyến nghị từ các chuyên gia quốc tế

(ĐTCK) Diễn đàn phát triển Việt Nam (VDF) 2016 là một cách tiếp cận mới trong quan hệ hợp tác giữa Chính phủ và cộng đồng các đối tác phát triển tại Việt Nam. Phương thức tiếp cận này dựa trên nền tảng kế thừa và phát triển mô hình Hội nghị tư vấn các nhà tài trợ (CG) và Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam (VDPF).

Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn phát triển Việt Nam - VDF 2016 với chủ đề: “Chính phủ kiến tạo và hành động - động lực mới cho phát triển” được tổ chức tại Hà Nội, sáng 9/12, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, trong nhiệm kỳ 2016-2020, Chính phủ Việt Nam cam kết xây dựng một Chính phủ kiến tạo và hành động với mục tiêu biến các giải pháp thành hiện thực, đưa các mục tiêu kế hoạch thành những kết quả cụ thể trên thực tiễn. 

Diễn đàn VDF lần này có mục tiêu góp phần thực hiện các cam kết của Chính phủ đã đề ra.

Đánh giá về tình hình phát triển kinh tế xã hội năm 2016, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, năm 2016 là năm đầu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, cũng là năm khởi đầu của nhiệm kỳ Chính phủ mới trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn, thách thức. Mặc dù vậy, Việt Nam đã đạt được những thành tích đáng khích lệ, tăng trưởng GDP dự kiến đạt 6,3-6,5%, kiềm chế lạm phát không quá 5%, dự trữ ngoại hối tăng cao kỷ lục, mặt bằng lãi suất đã ổn định trở lại, lãi suất cho vay của một số tổ chức tín dụng ổn định…

Diễn đàn VDF 2016: Chính phủ lắng nghe khuyến nghị từ các chuyên gia quốc tế             ảnh 1

 Toàn cảnh Diễn đàn VDF 2016 - Ảnh: Dũng Minh

Tốc độ tăng trưởng GDP tuy thấp hơn cùng kỳ năm trước, song đạt khá cao so với tốc độ tăng 6 tháng đầu năm, dự báo có khả năng đạt 6,3-6,5% cả năm. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã tăng trưởng trở lại; khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực dịch vụ đều tăng cao hơn cùng kỳ; lạm phát được kiểm soát; thanh khoản của hệ thống ngân hàng được đảm bảo, lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm trong những tháng vừa qua; tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định; xuất nhập khẩu duy trì được đà tăng trưởng tích cực.

Đặc biệt, môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện nhờ những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ về cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính; thực hiện mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế và ba đột phá chiến lược với các nội dung trọng tâm về: hoàn thiện thể chế, luật pháp, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển nguồn nhân lực...

Với những cam kết phát triển toàn diện, với hành động mạnh mẽ, Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu đầy tham vọng.

- Ông Ousmane Dione,
Giám đốc WB tại Việt Nam.

Về tổng thể,  theo đánh giá của Chính phủ, các chỉ tiêu cơ bản về kinh tế - xã hội năm 2016 tuy có gặp khó khăn nhưng vẫn đạt kết quả khá, phản ánh được khả năng chống chịu tốt của nền kinh tế trước những biến động bất lợi của bối cảnh khó khăn, cả ở trong nước và thế giới.

Trong bối cảnh quốc tế năm 2017 được cho là rất khó tiên lượng, trong nước cũng còn nhiều thách thức, nhất là khi những năm tiếp theo là giai đoạn phải tăng tốc của nền kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, để đạt được những mục tiêu phát triển nhanh, bền vững trong trung và dài hạn thì phải giải quyết được một loạt những vấn đề liên quan đến thể chế thị trường; động lực phát triển; nguồn lực đầu tư; tạo thêm các dư địa về chính sách, nhất là chính sách tài khóa…

Đồng thời, giải quyết những vấn đề trước mắt nhưng cũng phải đảm bảo được định hướng lâu dài trong các chính sách phát triển, giữ được ngọn lửa đổi mới và kiên định với chính sách lớn về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. 

Trong bối cảnh này, 3 vấn đề Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đặt ra tại VDF năm nay bao gồm:

Thứ nhất, những đánh giá, nhận định về triển vọng kinh tế Việt Nam 2016-2020, những yếu tố tác động và những thách thức đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong những năm tới. Định hướng và mục tiêu chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam là đã rõ.

"Chúng tôi cần tham vấn các chuyên gia về các khuyến nghị giải pháp khả thi để hiện thực các mục tiêu đó, nhất là trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi và khó dự đoán", Bộ trưởng Dũng nói. 

Thứ hai, các tác động đa chiều của bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới đối với nền kinh tế Việt Nam, nhất là tác động của các hiệp định thương mại song phương, đa phương và khả năng có thể xảy ra đối với Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định quan trọng đối với tất cả các nước cùng tham gia.

Với cách tiếp cận đổi mới của Diễn đàn VDF 2016, chúng tôi muốn lắng nghe các chuyên gia hàng đầu của quốc tế trình bày cùng với các ý kiến thảo luận và những khuyến nghị xoay quanh một số nội dung chủ yếu mà Chính phủ đang quan tâm, cần tham vấn.

- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng.

Thứ ba, kinh nghiệm quốc tế trong về việc xử lý mối quan hệ giữa nợ công và tăng trưởng, khuyến nghị nào phù hợp đối với Việt Nam.

"Tôi cho rằng, quan hệ giữa tăng trưởng và nợ công là quan hệ vừa thống nhất vừa mâu thuẫn. Một quốc gia đang phát triển có nguồn lực hạn chế thì muốn tăng trưởng sẽ không tránh khỏi nợ công. Nhưng nếu quản lý nợ công không tốt và sợ tỷ lệ nợ công cao, thì sẽ không thể đủ nguồn lực dành cho tăng trưởng. Điều quan trọng là quản lý nợ công hiệu quả và mức độ nào là phù hợp. Chúng tôi cần ý kiến của các chuyên gia để giúp giải tỏa được nút thắt này trong giai đoạn phát triển tới của nền kinh tế", Bộ trưởng nói.

Diễn đàn VDF 2016: Chính phủ lắng nghe khuyến nghị từ các chuyên gia quốc tế             ảnh 2

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Ousmane Dione, Giám đốc WB tại Việt Nam đồng chủ tọa Diễn đàn VDF 2016 - Ảnh: Dũng Minh

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh: "Với cách tiếp cận đổi mới của Diễn đàn VDF 2016, chúng tôi muốn lắng nghe các chuyên gia hàng đầu của quốc tế trình bày cùng với các ý kiến thảo luận và những khuyến nghị xoay quanh một số nội dung chủ yếu mà Chính phủ đang quan tâm, cần tham vấn. Từ đó, sẽ giúp các cơ quan của Việt Nam định hình được những tham mưu hiệu quả đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, có những quyết sách chính xác, đem lại hiệu ứng tích cực đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam”.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, đồng chủ tọa Diễn đàn cho biết, đây là sự kiện hết sức quan trọng và hy vọng VDF 2016 sẽ chia sẻ được những vấn đề quan trọng của Việt Nam.

Giám đốc WB chia sẻ, Việt Nam đã đạt được 5 năm tăng trưởng kinh tế vĩ mô liên tục. Bất chấp những rào cản của kinh tế toàn cầu, kinh tế Việt Nam vẫn phát triển mạnh mẽ, tăng trưởng liên tục đạt ở mức 6%, một mức tăng trưởng cao ở toàn cầu và khu vực.

Để đạt được các mục tiêu trong thời gian tới, theo Giám đốc WB, Việt Nam cần hoàn thiện thể chế thị trường cũng như cách tiếp cận mang tính thị trường. Cần đặt mục tiêu đối với kế hoạch tăng trưởng kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2016-2020 là đem lại lợi ích lớn cho người dân. Thêm vào đó, những nguồn ODA cần được sử hiệu quả hơn, làm đòn bẩy thúc đẩy kinh tế tư nhân. 

“Với những cam kết phát triển toàn diện, với hành động mạnh mẽ, Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu đầy tham vọng. Các đối tác sẽ hỗ trợ Việt Nam các kiến thức, kinh nghiệm và những thực tiễn tốt nhất và VDF sẽ đi đầu trong vấn đề này”, ông Ousmane Dione tin tưởng.

Diễn đàn phát triển Việt Nam 2016 là một cách tiếp cận mới trong quan hệ hợp tác giữa Chính phủ và cộng đồng các đối tác phát triển tại Việt Nam. Phương thức tiếp cận này dựa trên nền tảng kế thừa và phát triển mô hình Hội nghị tư vấn các nhà tài trợ (CG) và Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam (VDPF).

Trong Diễn đàn này, Chính phủ với vai trò kiến tạo sẽ lắng nghe các chuyên gia, các đối tác phát triển về những quan điểm, nhận định, đánh giá và khuyến nghị về các vấn đề đang được Chính phủ và người dân cùng quan tâm.

Trên cơ sở đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định những điều chỉnh cần thiết nhằm thực hiện thành công những mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, không chỉ riêng cho năm 2017 mà còn cho cả trung và dài hạn.

Tin bài liên quan