Điểm thấp cho tinh thần phục vụ doanh nghiệp, vì sao?

Điểm thấp cho tinh thần phục vụ doanh nghiệp, vì sao?

(ĐTCK) Lãnh đạo các bộ, ngành đang giành điểm cao hơn công chức, viên chức cấp dưới về tinh thần phục vụ doanh nghiệp. Đây là kết quả cuộc khảo sát về tác động của Nghị quyết 35-NQ/CP đến doanh nghiệp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện, nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp tới đây.

Đánh giá về tinh thần phục vụ doanh nghiệp của các bộ, ngành và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp chọn câu trả lời “Thay đổi có chút tích cực” nhiều nhất.

Đáng lưu ý, điểm cao lại dành cho lãnh đạo các bộ ngành, còn điểm đội ngũ cán bộ công chức, viên chức ở các tỉnh, thành phố cũng như các bộ, ngành có điểm số thấp hơn. Thậm chí, đánh giá về tinh thần phục vụ của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, có tới 33% doanh nghiệp chọn câu trả lời: “Kém tích cực hơn”.

Tại cuộc tọa đàm mới đây về môi trường kinh doanh do website Chính phủ tổ chức, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) nhận xét, sau khi Thủ tướng có thông điệp và chỉ đạo quyết liệt về cải cách môi trường kinh doanh, các bộ, ngành, địa phương đã có sự chuyển động mạnh mẽ, tạo ra bầu không khí mới trong quá trình giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận công chức chưa chuyển động theo chỉ đạo của Chính phủ.

Theo kết quả của cuộc khảo sát, trong năm 2016, doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra trung bình 2 lần. Đặc biệt, vẫn còn khoảng 13,8% doanh nghiệp bị kiểm tra từ 4 lần trở lên

“Chính phủ đã có Tổ công tác hỗ trợ Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi nghĩ các địa phương cũng nên có tổ công tác để đánh giá những vướng mắc của doanh nghiệp để xem xét quá trình giải quyết có gì chậm và chậm vì lý do gì để tháo gỡ”, ông Tỉnh kiến nghị.

Theo ông Tỉnh, bản thân VIDIFI đã ứng tiền giải phóng mặt bằng cho nhiều địa phương và cơ quan quản lý đã có chỉ đạo là phải trả cho đơn vị, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Trong khi đó, doanh nghiệp phải đi vay ngân hàng với lãi suất 10%/năm. Là chủ nợ, nhưng doanh nghiệp chỉ có thể đi năn nỉ từng ngành, từng địa phương để giải quyết.

Sự chậm chuyển động của nhiều cán bộ, công chức địa phương mà vị lãnh đạo doanh nghiệp trên đề cập đã được phản ánh khá rõ nét tại cuộc khảo sát.

Cụ thể, ở nhóm đánh giá tính hiệu quả của các hoạt động của UBND tỉnh, thành phố nhằm cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, việc quán triệt cán bộ công chức về đạo đức công vụ có tỷ lệ ý kiến đánh giá “Rất hiệu quả” và “Hiệu quả” vào khoảng 60%. Điều này đồng nghĩa với việc còn khoảng 40% số doanh nghiệp được hỏi cho rằng hoạt động trên chưa hiệu quả.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã làm rõ thêm những vướng mắc mà doanh nghiệp đang phải đối mặt trong môi trường kinh doanh. Đó là tính không nhất quán, trùng lặp, thậm chí mâu thuẫn giữa một số quy định pháp luật và giữa các bộ, ngành, giữa trung ương với địa phương.

Chính vì vậy, khi doanh nghiệp thực hiện luật theo chiều ngang, họ không thực hiện một văn bản mà có khi phải thực hiện hàng chục văn bản, thực hiện được theo văn bản này thì có thể làm sai văn bản khác.

Ở một khía cạnh khác, liên quan đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp, Nghị quyết 35 nêu rõ: “Các bộ và cơ quan liên quan cần thanh tra, kiểm tra và kiểm toán theo hướng lồng ghép, phối hợp và kế thừa kết quả hoạt động giữa các cơ quan”, để giảm thiểu việc thanh tra, kiểm tra.

Đồng thời, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không kiểm tra quá 1 lần trong năm. Tuy nhiên, theo kết quả của cuộc khảo sát, trong năm 2016, doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra trung bình 2 lần. Đặc biệt, vẫn còn khoảng 13,8% doanh nghiệp bị kiểm tra từ 4 lần trở lên.

Trong những doanh nghiệp có từ 2 cuộc kiểm tra trở lên, có tới hơn một nửa số doanh nghiệp cho rằng nội dung của các cuộc kiểm tra có nhiều điểm giống nhau. Rõ ràng, tinh thần của Nghị quyết 35 về nội dung này chưa được thực hiện nghiêm túc.

Với nhóm giải pháp nhằm đảm bảo quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, các doanh nghiệp chọn câu trả lời “Chưa rõ” nhiều nhất ở việc hoàn thiện thủ tục phá sản doanh nghiệp; tiếp đến là sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của sản phẩm; chính sách thu hút đầu tư phát triển cụm công nghiệp…

Trong khi đó, doanh nghiệp đánh giá cao các động thái như hoàn thiện và lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, giảm 50% thuế thu nhập cá nhân cho lao động trong một số ngành, tháo gỡ khó khăn về thuế.

Khảo sát về nhóm giải pháp của các tổ chức tín dụng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, cũng đã có sự cải thiện rõ rệt. Ví dụ, về đơn giản hóa thủ tục vay vốn, có 16,6% doanh nghiệp trả lời “Rất tích cực”; 33,5% trả lời “Tích cực” và 36,6% trả lời “Tương đối tích cực”, chỉ có 13,3% trả lời “Chưa rõ”.

Còn trong nhóm giải pháp nhằm tạo dựng môi trường thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp đánh giá, các động thái chuyển động chính sách gần đây tương đối tích cực.

Họ mong muốn các chính sách về quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn hay quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa sớm được cải thiện theo hướng tạo cơ chế thông thoáng, hỗ trợ doanh nghiệp.

Tin bài liên quan