Điểm mặt 72 dự án có vốn đầu tư nhà nước 42.744 tỷ đồng đối diện nguy cơ thua lỗ

Điểm mặt 72 dự án có vốn đầu tư nhà nước 42.744 tỷ đồng đối diện nguy cơ thua lỗ

(ĐTCK) Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, theo thống kê tại các báo cáo gửi về Bộ tính đến thời điểm này, có 43 dự án của các tổng công ty, công ty thuộc các Bộ, 21 dự án thuộc các địa phương, 8 dự án thuộc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước với tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng khoảng 42.744 tỷ đồng có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 8, có 11/22 Bộ, cơ quan ngang Bộ (Nội vụ, Văn hóa thể thao và Du lịch, Thông tin truyền thông, Quốc phòng, Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban dân tộc...), 1/8 cơ quan thuộc Chính phủ (Đài Truyền hình Việt Nam), 39/63 địa phương, 2/6 tập đoàn kinh tế (VNPT, VRG), 9 tổng công ty (Vinafood 1, Vinafood 2, SCIC, Vinataba, Vinalines, SBIC, Vinapaco, Vinacafe, Khánh Việt) đã gửi báo cáo theo hướng dẫn tại Công văn số 4917/BKHĐ-PTDN của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Một số Bộ, địa phương quản lý nhiều doanh nghiệp nhà nước như Bộ Xây dựng, Bộ Công thương, UBND TP. Hà Nội, UBND TP. Hồ Chí Minh; một số tập đoàn kinh tế là Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Hoá chất, Tập đoàn Viễn thông quân đội, Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Than - Khoáng sản; một số tổng công ty như Tổng công ty Xi măng, Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Phát triển nhà và đô thị… vẫn chưa gửi báo cáo theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Theo thống kê tại các báo cáo gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có 43 dự án của các doanh nghiệp (các tổng công ty, công ty) thuộc các Bộ, 21 dự án thuộc các địa phương, 8 dự án thuộc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước với tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng khoảng 42.744 tỷ đồng là các dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả theo một số tiêu chí do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất.

Trong đó, số dự án có tổng mức đầu tư phải điều chỉnh tăng so với mức đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt là 15 dự án với tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng khoảng 22.536 tỷ đồng, tăng 2,03 lần so với tổng mức đầu tư ban đầu.

Số dự án có doanh thu, lợi nhuận thực tế thấp hơn trong báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt gồm 25 dự án, tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng khoảng 11.384 tỷ đồng, tăng 1,14 lần so với tổng mức đầu tư ban đầu.

Số dự án đầu tư dở dang, chưa đưa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh theo đúng kế hoạch đầu tư có 29 dự án với tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng khoảng 4.236 tỷ đồng, tăng 1,15 lần so với tổng mức đầu tư ban đầu.

Số dự án đầu tư đã đi vào hoạt động nhưng không đảm bảo công suất thiết kế, không bù đắp được chi phí vận hành; chi phí sản xuất thực tế cao hơn chi phí sản xuất theo tính toán khi thiết kế dự án (báo cáo nghiên cứu khả thi); thời gian lỗ thực tế kéo dài hơn thời gian lỗ kế hoạch có 20 dự án với tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng khoảng 12.465 tỷ đồng, tăng 1,21 lần so với tổng mức đầu tư ban đầu.

Ngoài ra, có 8 dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả đã được thanh lý, hoặc chuyển giao, thay đổi chủ đầu tư

Theo báo cáo của các Bộ, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, nhìn chung các dự án đầu tư có dấu hiệu không hiệu quả là thời gian đầu tư kéo dài nhiều năm, phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, dự án đi vào hoạt động nhưng không đảm bảo công suất thiết kế, thua lỗ kéo dài…; tập trung chủ yếu vào lĩnh vực bất động sản, phát triển hạ tầng, nông nghiệp và ở các tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn là chính.

Trong đó, lĩnh vực bất động sản, phát triển hạ tầng, đầu tư, mở rộng nhà máy có 14 dự án thuộc Tổng công ty Thành An, Tổng công ty Thái Sơn (Bộ Quốc phòng), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải), Tổng công ty Giấy Việt Nam (Bộ Công Thương).

Các dự án này tuy ít về số lượng (chiếm 28% trong tổng số 72 dự án), nhưng tổng mức đầu tư rất cao, trên 29.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 68% trong tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng là 42.744 tỷ đồng của các dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả).

Nguyên nhân chính là do năng lực chủ đầu tư yếu kém trong quá trình đề xuất, lập, thẩm định, triển khai và quản lý dự án, dẫn đến tình trạng đầu tư kéo dài nhiều năm (có dự án kéo dài trên 10 năm), phải điều chỉnh tổng mức đầu tư (14/14 dự án này phải điều chỉnh tổng mức đầu tư).

Ngoài ra, 7/14 dự án (50% số dự án) nêu trên là các dự án đầu tư mới hoặc mở rộng nhà máy sản xuất thuộc 1 doanh nghiệp là Tổng công ty Giấy Việt Nam (Bộ Công Thương) với tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng khoảng 11.081 tỷ đồng (chiếm 26% trong tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng là 42.744 tỷ đồng của các dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả).

Lĩnh vực nông nghiệp có 33 dự án đang trong tình trạng tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ kéo dài, chủ yếu thuộc Tổng công Lương thực Miền Nam, Tổng công ty Cà phê (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và UBND TP. Hải Phòng.

Nguyên nhân các dự án này phải tạm dừng hoạt động, hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ kéo dài là do năng lực của chủ đầu tư còn nhiều hạn chế, yếu kém trong công tác lập, triển khai và quản lý dự án; trong công tác dự báo biến động của thị trường nông sản trong nước và thế giới.

Ngoài ra, lĩnh vực nông nghiệp có suất đầu tư cao, thời gian đầu tư dài, tỷ suất lợi nhuận thấp, thời gian hoàn vốn dài; phải chịu nhiều rủi ro về thiên tai, rủi ro về môi trường hoặc bệnh tật. Các dự án ra đời trong giai đoạn ngành nông nghiệp phải đối mặt với nhiều thách thức, cạnh tranh gay gắt.

Trong khi về thị trường tiêu thụ chưa kịp mở rộng, sản lượng bán ra thấp, chi phí cao, giá thành cao, kinh nghiệm thực tiễn còn hạn chế, dẫn đến lỗ phát sinh kéo dài.

Tin bài liên quan