Theo ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, việc đề xuất tăng mức lương tối thiểu vùng năm 2018 lên tối đa 13,3 % dựa trên những căn cứ và kết quả khảo sát nhất định.
4 căn cứ đề xuất tăng lương tối thiểu
Yếu tố đầu tiên được Tổng LĐLĐ căn cứ là số liệu của Bộ phận kỹ thuật Hội đồng Tiền lương Quốc gia về mức sống tối thiểu đưa ra cho năm 2018 để tính toán đề xuất mức điều chỉnh.
Đồng thời, chỉ số giá tiêu dùng bình quân dự báo năm 2017 tăng khoảng 5%, tốc độ tăng trưởng kinh tế 5 tháng đầu năm 2017 tăng 6,21% so với cùng kỳ năm 2016, dự báo cả năm tăng 6,7%.
Mức đề xuất tăng lương tối thiểu cũng nhằm bù đắp phần thiếu hụt mức lương tối thiểu vùng năm 2017 chưa được điều chỉnh để đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động;
Ngoài ra, tình trạng người lao động phải làm thêm giờ để mong tăng thêm thu nhập để đủ chi tiêu tằn tiện cho cuộc sống của bản thân họ và gia đình cũng là yếu tố để Tổng LĐLĐ lựa chọn mức đề xuất 13,3 % cho lương tối thiểu 2018.
Những khảo sát thực tế
Bên cạnh những căn cứ, Tổng LĐLĐ cũng chia sẻ những kết quả khảo sát thời gian qua.
Về tiền lương cơ bản - mức tiền lương dùng làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động - trung bình hàng tháng của người lao động năm 2017 nhận được là 4.480.000 đồng/tháng, tăng 6,9 % so với năm 2016.
Khảo sát mới đây của Tổng LĐLĐ về mức độ hài lòng với tiền lương, thu nhập của mình người lao động cho thấy: 22,7% hài lòng, 52,4% tạm hài lòng, 24,9% không hài lòng, 54,0% người lao động cho rằng tiền lương, tiền công của họ không tương xứng với sức lao động của họ đã bỏ ra.
Trong đó, lương cơ bản lần lượt ở các vùng 1,2,3,4 là 4.930.000 đồng, 4.280.000 đồng, 4.190.000 đồng và 4.090.000 đồng.
Đại diện Tổng LĐLĐ nhận định, mức lương cơ bản của người lao động tại các doanh nghiệp đang cao hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Về thu nhập, mức thu nhập của người lao động trung bình là gần 5.500.000 đồng/tháng.
Trung bình các khoản thu nhập ngoài lương cơ bản như làm thêm giờ, trợ cấp, hỗ trợ (không kể ăn ca) đạt khoảng 1,3 -1.500.000 triệu đồng, số tiền này chiếm từ 20% đến 30% thu nhập của người lao động.
Trong đó, lao động trực tiếp sản xuất nhận được số tiền làm thêm giờ tương đối cao. Do đó, những tháng không làm thêm giờ, thu nhập sẽ giảm sút, đời sống của người lao động gặp khó khăn.
Cũng theo đại diện Tổng LĐLĐ, về đời sống, hầu hết các khoản thu nhập người lao động phải trang trải cho cuộc sống hàng ngày.
Nếu không có các khoản làm thêm giờ, hỗ trợ từ phía doanh nghiệp thì tiền lương của người lao động rất thấp, đời sống gặp nhiều khó khăn và không thể có tích lũy.
Được biết, Hội đồng tiền lương quốc gia bao gồm đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng LĐLĐ, Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI)...
Phiên họp tiếp theo của Hội đồng tiền lương Quốc gia bàn về tăng lương tối thiểu vùng 2018 sẽ được tổ chức vào đầu tháng 7.