Đề xuất hàng loạt ưu đãi riêng cho 3 đặc khu Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc

Đề xuất hàng loạt ưu đãi riêng cho 3 đặc khu Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc

(ĐTCK) Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có tờ trình Chính phủ về Dự thảo Luật Đơn vị hành chính đặc biệt, theo đó đề xuất nhiều chính sách ưu đãi về đất đai và thuế để tăng cường khả năng thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) để khai thác tốt nhất các tiềm năng và lợi thế và phát triển mạnh các đặc khu này.

Mục tiêu của Dự án Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt là nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thành lập, phát triển, quản lý và hoạt động của ba đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, để khai thác tốt nhất các tiềm năng và lợi thế của các khu vực này.

Cụ thể, hướng tới thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư, công nghệ cao, quản lý tiến tiến từ nước ngoài, hình thành khu vực tăng trưởng cao, với phương thức quản lý mới, có môi trường sống hiện đại.

Đồng thời, thu hút các ngành, nghề phát triển hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D), khởi nghiệp sáng tạo, các ngành khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới; giáo dục, y tế chất lượng cao; dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp...

Về cơ chế ưu đãi chung cho 3 đặc khu kinh tế, Dự thảo Luật đề xuất hàng loạt ưu đãi như: miễn thuế thu nhập trong vòng 5 năm, nhưng không quá 2030 đối với cá nhân khi có thu nhập diện chịu thuế phát sinh ở đặc khu kinh tế. Những năm tiếp theo, số thuế thu nhập cá nhân phải nộp sẽ được giảm 50%.

Đối với những nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao có thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân tại 3 đặc khu kinh tế kể trên, cũng được miễn thuế đến hết năm 2030 và giảm 50% số thuế theo các năm còn lại.

Cũng cùng mục tiêu xây dựng trở thành đặc khu kinh tế đầu tiên của cả nước, Vân Đồn sẽ được ưu tiên phát triển du lịch sinh thái biển đảo, phát triển công nghiệp sáng tạo và nông nghiệp công nghệ cao. Riêng Vân Phong với địa thế của mình được ưu tiến phát triển cảng nước sâu và dịch vụ logistics và các dịch vụ y tế, nghỉ dưỡng chất lượng cao.

Theo tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất bổ sung thêm các quyền và nghĩa vụ về đất đai, nhà ở trong đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đối với tổ chức và cá nhân nước ngoài để giảm bớt sự khác biệt trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ về đất đai, nhà ở giữa tổ chức và cá nhân nước ngoài với tổ chức và cá nhân trong nước.

Dự thảo Luật cũng đưa ra những quy định về miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước, tiền sử dụng đất và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

Dự thảo Luật cũng đưa ra nhiều chính sách ưu đãi thuế hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài cần thu hút vào đặc khu kinh tế như áp dụng tại Khu kinh tế tự do, thành phố Jeju, Hàn Quốc, Khu công nghiệp Tô Châu, Trung Quốc.    

Miễn thuế thu nhập trong vòng 5 năm, nhưng không quá 2030 đối với cá nhân khi có thu nhập diện chịu thuế phát sinh ở đặc khu kinh tế. Những năm tiếp theo, số thuế thu nhập cá nhân phải nộp sẽ được giảm 50%.

Đặc biệt, theo đề xuất đưa ra tại Dự thảo, những dự án đầu tư có thời hạn thực hiện từ 10 năm trở lên của nhà đầu tư nước ngoài nếu đáp ứng điều kiện về quy mô vốn đầu tư trong ngành, nghề như du lịch, dịch vụ thương mại, phân phối, bán lẻ...; và dự án đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài thuộc danh sách 500 tập đoàn lớn nhất thế giới và của các tổ chức tín dụng, công ty tài chính, quỹ đầu tư 100% nước ngoài sẽ được ưu đãi thêm 2 năm miễn thuế và 4 năm giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trường hợp nhà đầu tư có dự án đầu tư đáp ứng nhiều điều kiện, được hưởng nhiều mức ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp khác nhau đối với cùng một dự án đầu tư thì nhà đầu tư được lựa chọn áp dụng mức ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp có lợi nhất.

Ngoài ra, Dự thảo Luật cũng đề xuất các quy định cho phép tổ chức kinh tế trong nước, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được thế chấp tài sản gắn liền với đất tại tổ chức tín dụng nước ngoài; được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trực tiếp từ tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư như tổ chức kinh tế trong nước...

Về thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh trong đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đối với các ngành, nghề khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới, khu hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển và ngành, nghề trọng tâm ưu tiên phát triển của đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt được điều chỉnh lên tới 99 năm, trong khi đối với các ngành, nghề khác là 70 năm.

Khi hết thời hạn, người sử dụng đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì được Nhà nước xem xét gia hạn sử dụng đất nhưng không quá thời hạn quy định tại khoản này.

Đề xuất hàng loạt ưu đãi riêng cho 3 đặc khu Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc ảnh 1

 Nâng mức phụ cấp từ 30% lên 50% mức lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại đặc khu Phú Quốc

Đặc biệt, tờ trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất Chính phủ xem xét về việc người nước ngoài có dự án đầu tư tại đặc khu Phú Quốc từ 5 triệu USD (hơn 110 tỷ đồng), đã có thời gian cư trú 5 năm trở lên, không vi phạm pháp luật sẽ được cấp thẻ thường trú tại Phú Quốc (loại thẻ cư trú không thời hạn, có giá trị thay thị thực đối với người nước ngoài).

Theo Dự thảo Luật, Phú Quốc được ưu tiên đầu tư để trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ cao cấp và mua sắm quốc tế. Bên cạnh đó, đây sẽ là đặc khu duy nhất được ưu tiên phát triển ngành khai thác, nuôi trồng và chế biến hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá.

Ngoài việc áp dụng các cơ chế ưu đãi chung dành cho đặc khu, Phú Quốc còn được đề nghị áp dụng một số cơ chế riêng như: Nâng mức phụ cấp từ 30% lên 50% mức lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại đặc khu Phú Quốc…

Tin bài liên quan