Đề xuất giảm bớt điều kiện kinh doanh một số ngành nghề

Đề xuất giảm bớt điều kiện kinh doanh một số ngành nghề

(ĐTCK) Kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành nhà chung cư; kiểm toán năng lượng; sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô… là những ngành nghề được kiến nghị bổ sung vào Danh mục các ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện.

Theo đó, mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có văn bản gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội góp ý về việc điều chỉnh các ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong Danh mục này. Đánh giá về các ngành nghề được đề xuất bổ sung mới vào Danh mục, VCCI cho rằng, việc một số ngành nghề được đề nghị giữ lại/bổ sung vào Danh mục với lý do đã được quy định và thực hiện ổn định trong các văn bản pháp luật khác dường như chưa phù hợp.

“Lý do cốt lõi phải là giải trình được liệu các ngành nghề kinh doanh này có gây ảnh hưởng tới trật tự công ở mức Nhà nước cần thiết phải kiểm soát bằng các điều kiện hay không? Luật Đầu tư 2014 đã quy định khá rõ các mục tiêu khi xác định một ngành nghề là có điều kiện đầu tư hay không, do đó khi xác định một ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, các lý giải phải hướng đến mục tiêu này”, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết.

Theo ông Lộc, các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được kiến nghị bổ sung vào Danh mục lần này cần được giải trình các mục tiêu chính sách như yêu cầu tại khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư để có đủ căn cứ thuyết phục khi bổ sung vào Danh mục. Các ngành nghề này bao gồm: Kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành nhà chung cư; Kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành cơ sở hỏa táng; Kinh doanh dịch vụ dự báo, cảnh bảo khí tượng thủy văn; Kiểm toán năng lượng; Kinh doanh đóng mới, cải hoán tàu cá; Kinh doanh kho bảo thuế; Kinh doanh dịch vụ điều tra cơ bản, tư vấn lập quy hoạch, đề án, báo cáo tài nguyên nước; Sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô.

Cũng theo đề xuất của VCCI, đối với các ngành nghề còn giữ lại trong Danh mục dù có ý kiến đề nghị loại bỏ, nếu không giải trình phù hợp thì không nên bổ sung. Đặc biệt, các trường hợp không lý giải được mức độ rủi ro đối với trật tự công cộng hoặc đã được kiểm soát bởi các công cụ pháp luật khác nên xem xét loại bỏ khỏi Danh mục. Cụ thể, các ngành nghề nên xem xét bỏ ra khỏi Danh mục theo đề xuất của VCCI bao gồm: Kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, dịch vụ đại lý tàu biển, dịch vụ in…

Tương tự, đối với các ngành nghề thuộc trường hợp xác định không đúng đối tượng cần quản lý, VCCI cho rằng, nên xem xét cân nhắc đưa ra khỏi Danh mục, đặc biệt là một số ngành nghề kinh doanh có mục tiêu nhắm vào kiểm soát rủi ro của sản phẩm, hàng hóa đầu ra một cách không cần thiết, không hợp lý. Các ngành nghề này bao gồm: kinh doanh xuất khẩu gạo; kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy; kinh doanh dịch vụ quảng cáo.

“Việc chuyển các ngành nghề này từ ngành nghề kinh doanh thông thường sang ngành nghề kinh doanh có điều kiện để kiểm soát về chủ thể kinh doanh (trước khi gia nhập thị trường) không chỉ là nhầm lẫn về đối tượng cần kiểm soát mà còn gia tăng gấp đôi mức độ kiểm soát một cách bất hợp lý, tạo thêm gánh nặng hành chính lớn cho hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực này, do đó nên xem xét đưa ra khỏi danh mục”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết.

Giảm 41 ngành nghề trong Danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện

Đề xuất giảm bớt điều kiện kinh doanh một số ngành nghề ảnh 1

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư 

Lý giải cụ thể về việc bổ sung, giảm bớt các ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại dự án Luật Sửa đổi, bổ sung Phụ lục 4 Luật Đầu tư về Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo Luật sẽ bãi bỏ 27 ngành nghề không cần thiết phải quy định là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện do không đáp ứng các tiêu chí và mục đích quy định tại Khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư hoặc thiếu tính khả thi, không còn phù hợp với thực tiễn hoạt động đầu tư kinh doanh, cũng như yêu cầu quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó, bổ sung 15 ngành, nghề đã được quy định tại các luật hiện hành hoặc ngành nghề mới phát sinh cần áp dụng điều kiện đầu tư kinh doanh phù hợp với các tiêu chí và mục đích quy định tại Luật Đầu tư. Đồng thời, hệ thống hóa một số ngành, nghề có cùng mục tiêu, tính chất và cơ quan quản lý để tránh trùng lặp, phân tán trong công tác quản lý nhà nước đối với các ngành nghề này.

Với cách tiếp cận này, 29 ngành nghề có nội dung trùng lặp đã được hợp nhất vào 19 ngành nghề. 18 ngành nghề được cập nhật và chính xác hóa tên gọi nhằm phản ánh chính xác, đầy đủ, minh bạch điều kiện đầu tư kinh doanh. Sau khi hợp nhất, giảm bớt và bổ sung, tổng số ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện còn 226 ngành nghề, giảm 41 ngành nghề so với Danh mục hiện hành.

Tin bài liên quan