Ảnh minh họa: VOV

Ảnh minh họa: VOV

“Để tăng năng lực cạnh tranh, các DN phải chuyển từ ứng phó thụ động sang chủ động”

Năm 2010, Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%; bội chi ngân sách 6,2% GDP; tổng đầu tư xã hội 41% GDP; thâm hụt cán cân vãng lai 9-10% GDP.

Để đạt được những chỉ tiêu trên là một việc không đơn giản. Tôi cho rằng, nền kinh tế năm 2010 sẽ phục hồi, song vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Trên thực tế, sự phục hồi chủ yếu nhờ tiếp tục kích thích kinh tế, chứ chưa phải nhờ thương mại quốc tế, chưa phải nhờ tăng tiêu dùng và đầu tư tư nhân. Nếu đồng USD tiếp tục mất giá và nhân dân tệ gắn với USD, thì hàng hóa Trung Quốc sẽ trở nên cạnh tranh hơn nhiều; dành lợi trên lưng các nước láng giềng, trong đó có các nhà xuất khẩu của ta.

Xét về tổng thể, tôi cho rằng, năm 2010 là một năm "nhạy cảm" về kinh tế - chính trị. Có thể xảy ra 2 kịch bản: Thứ nhất là yêu cầu cấp bách tái cơ cấu, thay đổi mô hình tăng trưởng và năng cao chất lượng tăng trưởng. Như vậy, hàng loạt cải cách cơ bản sẽ được thực hiện. Thứ hai, nếu có tâm lý chờ đợi, không có cải cách, thay đổi lớn; tốc độ giải quyết các vấn đề có thể chậm hơn, thận trọng hơn… Suy cho cùng, trong năm 2010, nền kinh tế thế giới sẽ dần phục hồi, nhưng các cân đối vĩ mô vẫn bấp bênh; lạm phát, tỷ giá, lãi suất và các vấn đề liên quan vẫn còn.

Để năng lực cạnh tranh Việt Nam năm 2010 có thể tiến hơn năm 2009 thì các doanh nghiệp nói chung phải chuyển từ ứng phó thụ động (cắt giảm chi phí, giảm quy mô sản xuất; cắt giảm lao động…) sang chủ động và phát triển. Đó là nâng cao năng suất, hiệu quả thông qua việc đổi mới đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới, cải tiến  quy trình sản xuất. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải xâm nhập thị trường mới, tăng cường công tác huy động vốn, thậm chí hợp nhất với các doanh nghiệp khác để tăng năng lực cạnh tranh.